Đường dẫn truy cập

Di sản vui buồn của cựu Quốc vương Campuchia Sihanouk


Cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk vừa qua đời ở Bắc Kinh
Cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk vừa qua đời ở Bắc Kinh

Tiểu sử cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk

Tiểu sử cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk

-Sinh năm 1922, đi học tại Saigon và Paris.
-Lên ngôi vua năm 1941.
-Thành lập Phong trào Phi liên kết.
-Bị lật đổ một thời gian ngăn trong thời Chiến tranh Việt Nam và bỏ trốn sang Trung Quốc.
-Tự liên kết với Khmer Ðỏ trong nỗ lực trở lai nắm quyền.
-Từ nước ngoài trở về năm 1991 và lên lại ngôi vua năm 1993.
-Thoái vị và nhường ngôi cho con trai Norodom Sihamoni năm 2004.
-Ði chữa bệnh ở Trung Quốc từ tháng giêng năm 2012.
Sự ra đi của cựu quốc vương Norodom Sihanouk chấm dứt giai đoạn đầy tranh cãi của một nhân vật có nhiều ảnh hưởng tại Campuchia. Trong số di sản vui của ông có thành tích giành độc lập và trong di sản buồn, có chuyện ông đã từng đứng chung hàng ngũ với Khmer Đỏ.

Người Pháp đưa ông Norodom Sihanouk lên làm vua năm 1941 với tư cách bù nhìn trong chính sách thực dân của họ.

Nhưng nhà vua trẻ tuổi đã huy động được nhân dân để tiến lên giành độc lập và đã thành công vào năm 1953. Sau đó ông từ bỏ ngai vàng để tham gia chính trị và coi như là người lãnh đạo quốc gia trong 17 năm kế tiếp.

Ông Milton Osborne là chuyên viên của viện nghiên cứu Lowy ở Úc đã viết hai quyển sách về Sihanouk:

“Tại Campuchia, có thể nói đã có một sự tin tưởng rằng thời kỳ lãnh đạo của ông Sihanouk là thời kỳ vàng son. Nhân dân dường như bỏ qua những lúc ông có những biện pháp đáng sợ để truy đuổi những người mà ông xem là kẻ thù.”

Trong số các kẻ thù của ông có những người cộng sản mà sau này mang tên Khmer Đỏ.

Trong chiến tranh Việt Nam, ông Sihanouk không ngăn chận được người cộng sản Việt Nam xâm nhập Campuchia, kết quả là quân đội Hoa Kỳ phải oanh tạc Campuchia.

Ông bị truất phế năm 1970 do một cuộc đảo chánh quân sự, phải lưu vong ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ước muốn nắm lại quyền lực buộc ông phải hợp tác với những người cộng sản cựu thù, và sự hợp tác này kéo dài đến cuối đời ông.

Ông Benny Widyono từng làm đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia vào giữa thập niên 1990 và có viết một sách về thời kỳ Campuchia đương đại:

“Trong thời gian ông hợp tác với Khmer Đỏ, hai người bạn của ông là Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Ông sống nhiều thời gian tại hai nước này.”

Ông thân với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Il Sung đến độ ông này đã xây cho ông một dinh thự có 60 phòng ở Bình Nhưỡng. Tác giả Widyono cho biết:

“Ông ta được đối xử như một nhà vua thực sự, thậm chí còn được lãnh tụ Bắc Triều Tiên cấp cho một số vệ sĩ. Đám vệ sĩ này cao to, không phải loại vệ sĩ tầm thường, và trong suốt thời gian ông ở Bình Nhưỡng lúc nào đám vệ sĩ này cũng bám sát bên ông.”

Lãnh đạo Khmer Đỏ cho ông Sihanouk quay lại Campuchia để dùng ông là một cách hợp thức hóa quyền cai trị của họ. Sau đó, họ coi như giam lỏng ông trong hoàng cung.

Trong thời gian này ông chỉ đứng nhìn trong lúc Khmer Đỏ bỏ đói, ép buộc lao động và tàn sát hàng triệu thần dân của ông.

Năm 1979, một lần nữa, ông lại đi Trung Quốc khi Việt Nam xâm lăng Campuchia để tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ.

Các cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc bảo trợ giúp ông Sihanouk trở lại ngai vàng trên danh nghĩa Campuchia là một chế độ quân chủ lập hiến. Dưới chế độ này, ông chẳng có mấy quyền hành, trong lúc người con trai của ông, Hoàng tử Norodom Ranariddh, chia quyền thủ tướng với Hun Sen.

Vua Sihanouk không còn tìm lại được ảnh hưởng ông đã từng có tại Campuchia, và theo lời tác giả Widyono, điều này làm ông thất vọng suốt đời:

“Khi tôi còn làm đại diện Liên Hiệp Quốc tại Campuchia, ông ấy than phiền với tôi rằng tuy ông là vua nhưng chỉ để làm vì chứ thực ra không có quyền hành gì, bởi vì bao nhiêu quyền hành đều nằm trong tay Hun Sen và Ranariddh. Do đó, ông cảm thấy mục tiêu của ông muốn làm nhà lãnh đạo mang lại thịnh vượng cho nhân dân Campuchia đã vuột khỏi tầm tay của ông trong quãng đời còn lại.”

Hun Sen loại bỏ Ranariddh vào năm 1997 và nắm quyền một mình.

Một phần vì quyền lực phai tàn, một phần vì sức khỏe suy yếu, nhà vua Sihanouk đi đi về về Trung Quốc để trị bệnh. Năm 2004, ông nhường ngôi lại cho một con khác, Hoàng tử Norodom Sihamoni.

Theo lời chuyên viên người Úc Osborne, nhà vua Sihamoni không có tham vọng chính trị giống như phụ thân:

“Sẽ chẳng bao giờ Campuchia có một nhà vua nào đóng vai trò mà Sihanouk đã từng đóng, và chắc chắn là sẽ chẳng có nhà vua nào có được quyền lực và quan tâm chính trị giống như Sihanouk. Nhà vua Sihamoni hiện nay chỉ là người phục vụ nhân dân đắc lực chứ không có một vai trò chính trị nào. Ông này dứt khoát là có lập trường phi chính trị. Như vậy, tôi cho rằng kỷ nguyên của Sihanouk đã chấm dứt.”

Cựu quốc vương Sihanouk ra đi chỉ vài ngày trước sinh nhật, sau một thời gian dài chống chõi với ung thư.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG