Đường dẫn truy cập

Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh làm quan hệ nồng ấm?


Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc gần đây đang tăng mạnh vào Việt Nam, một trong những nước mà Trung Quốc nhắm tới cho sáng kiến Vành Đai Con Đường.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc gần đây đang tăng mạnh vào Việt Nam, một trong những nước mà Trung Quốc nhắm tới cho sáng kiến Vành Đai Con Đường.

Dù mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, song dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong những năm qua đã tăng mạnh giữa bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch kinh tế Vành đai và Con đường đầy tham vọng của mình với các dự án cơ sở hạ tầng khắp Châu Á.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014 đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trong hơn một năm qua, Trung Quốc còn được cho là gây sức ép buộc Việt Nam hai lần ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông.

(Việt Nam và Trung Quốc) đã giữ không cho mối tranh chấp về Biển Đông bùng ra và làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung.
Carl Thayer, GS Đại học New South Wales

Tuy nhiên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc gần đây đang tăng mạnh vào Việt Nam, một trong những nước mà Trung Quốc nhắm tới cho sáng kiến Vành Đai Con Đường, theo truyền thông trong nước.

Thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy FDI từ Trung Quốc tăng từ hơn 570 triệu USD lên hơn 2,1 tỷ USD trong vòng 10 năm qua. Chỉ trong năm 2017, có 284 dự án mới của Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ USD được đăng ký ở Việt Nam.

Vậy sự gia tăng trong đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có làm cho những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước hạ giảm?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á của Đại học New South Wales, cho biết: “Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư của Trung Quốc một phần để giảm bớt mức thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước.”

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Việt Nam chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc chỉ nhập 100 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong sáu năm qua, theo Dân Trí.

Theo ông Thayer, Việt Nam cũng đang gây áp lực đối với Bắc Kinh để xóa bỏ các rào cản đối với việc đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc.

“Nói tóm lại, hai bên đã giữ không cho mối tranh chấp về Biển Đông bùng ra và làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung,” GS Úc trả lời câu hỏi trong một bản tin ra hôm 5/9.

Biển Đông được nhắc tới trong các cuộc gặp vào đầu năm ngoái trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh và cuối năm ngoái trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội. Tuy nhiên, hai bên đều cam kết cùng hợp tác trên vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền. Truyền thông trong nước cho rằng mối quan hệt giữa Việt Nam và Trung Quốc “tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực” nhưng theo đánh giá của các nhà quan sát chính trường Việt Nam, vẫn có những căng thẳng trong mối quan hệ được gọi là “môi hở răng lạnh” này.

Thống kê của Cục quan Đầu tư Nước ngoài cho thấy FDI từ Trung Quốc tăng từ hơn 570 triệu USD lên hơn 2,1 tỷ USD trong vòng 10 năm qua.

Việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, mà gần đây Bộ ngoại giao Việt Nam cũng nhiều lần phải lên tiếng phản đối, và chiến lược Vành Đai Con Đường nhằm phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc làm người dân Việt Nam lo ngại.

Một minh chứng cho việc quan ngại về sự đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là làn sóng phản đối của người dân không những trong nước mà cả hải ngoại đối với dự án luật đặc khu. Công chúng cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ thâu tóm ba đặc khu kinh tế nếu dự luật được thông qua.

Trong khi chính phủ Việt Nam đón nhận dòng đầu tư của Trung Quốc thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cảnh báo về việc tiếp nhận sự trợ giúp phát triển và các khoản cho vay từ Trung Quốc.

Các nhà phân tích cũng cho rằng vốn của Trung Quốc giống như một dòng sông đưa phù sa màu mỡ vào nhưng cùng lúc sẽ làm Việt Nam có nguy cơ lũ lụt, theo VNExpress.

Các nhà đầu tư Trung Quốc bị cho là đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường cùng với việc đưa nhiều công nhân Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi một số nhà phân tích kêu gọi chính phủ Việt Nam từ chối dòng vốn của Trung Quốc như những nước khác đang làm, với Malaysia là một ví dụ, thì một số người lại tin rằng Việt Nam vẫn cần dòng vốn này. Tuy nhiên họ đề xuất rằng chính phủ cần áp dụng các chính sách hợp lý để tận dụng tốt nhất dòng vốn của Trung Quốc trong khi giảm thiểu tối đa các nguy cơ từ các dự án đầu tư của nước láng giềng phương Bắc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG