Đường dẫn truy cập

'Đạo binh Trắng' đe dọa thêm bạo động tại Nam Sudan


Binh lính quân đội Nam Sudan bên cạnh một chiếc xe gắn máy bị phá hủy gần sân bay Bor, tây bắc thủ đô Juba, ngày 25 tháng 12, 2013.
Binh lính quân đội Nam Sudan bên cạnh một chiếc xe gắn máy bị phá hủy gần sân bay Bor, tây bắc thủ đô Juba, ngày 25 tháng 12, 2013.
Quân đội Nam Sudan cho biết cái gọi là dân quân Đạo binh Trắng đang tiến về thủ phủ của bang Jonglei, đe dọa lao thang bạo động trong nước, chỉ một ngày sau khi chính phủ loan báo ngưng bắn.

Phát ngôn viên quân sự Philip Aguer ngày thứ Bảy nói với Đài VOA là hàng ngàn thanh niên sắc dân Nuer có vũ trang đang tiến về thành phố Bor, Nam Sudan. Việc này nêu lên viễn ảnh tái diễn những cuộc giao tranh trong cuộc tranh chấp quyền lực chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và đối thủ của ông là cựu Tổng thống Riek Machar.

“Tại Jonglei, ông Riek Machar đã động viên cái gọi là Đạo quân Trắng, đoàn thanh niên Lou Nuer, và đã cùng với đoàn này tiến đến Bor với ý định mở một cuộc tấn công lần thứ hai vào Bor,” phát ngôn viên Aguer nói.

Các phe cánh của quân đội phe nổi dậy kiểm soát được Bor tuần trước, nhưng các lực lượng chính phủ chiếm lại được cách đây vài ngày. Ông Aguer nói quân đội có khả năng đẩy lui một cuộc tấn công.

Đạo binhTrắng là một nhóm thường dân có vũ trang của sắc dân Nuer, trong quá khứ đã tổ chức hàng ngàn chiến binh mở nhiều cuộc tấn công vào bang Jonglei, hầu hết nhắm vào cộng đồng Murle.

Căng thẳng sắc tộc leo thang kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu cách đây 3 tuần. Việc này xảy ra khi giao tranh bùng phát tại thủ đô Juba giữa những người ủng hộ Tổng thống Kiir thuộc sắc dân Dinka và cựu phó Tổng thống Machar, một người Nuer. Kể từ đó bạo động lan trên toàn quốc.

Hôm thứ Sáu, do sự thúc đẩy của cộng đồng quốc tế, chính phủ Nam Sudan loan báo sẵn sàng ngưng các hành động thù nghịch để tiến hành các cuộc đàm phán.

Bà Rebecca Nyandeng, một đồng minh của ông Machar nói với Đài VOA ngày thứ Bảy là phía bà sẽ không đồng ý một cuộc ngưng bắn cho đến khi nào chính phủ trả tự do cho 11 lãnh tụ chính trị bị giam giữ vì bị cáo buộc âm mưu đảo chính.

“Việc ngưng các hành động thù nghịch sẽ đến khi những người này được trả tự do và khi những người này được trả tự do, chúng tôi sẽ gởi dấu hiệu cho dân chúng là chính phủ muốn hòa bình và hoà giải,” bà Nyandeng nói.

Chính phủ đã cho biết là sẽ không chấp nhận bất cứ điều kiện nào để thương thuyết với phiá ông Machar, gồm việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Tuy nhiên hôm thứ Sáu, Juba đã bớt cứng rắn và cho biết sẽ trả tự do cho một số người bị giam giữ.

Bà Nyandeng nói đề nghị này không đủ:

“Đây là một thực tế, không phải là một điều kiện tiên quyết, và nếu những người này không được ra khỏi trại giam, chính phủ sẽ thương thuyết với ai?”

Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói có hơn 1000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Hơn 63.000 người khác được biết đã lánh nạn tại các căn cứ của Liên Hiệp Quốc trên toàn quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG