Đường dẫn truy cập

Đàm phán hạt nhân Iran kết thúc mà không đạt thỏa thuận


Từ trái: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Muscat, Oman, ngày 10/11/2014.
Từ trái: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Muscat, Oman, ngày 10/11/2014.

Các cuộc đàm phán cấp thấp hơn hôm nay tiếp tục ở thủ đô Muscat của Oman, sau khi Iran, Hoa Kỳ và các đối tác trong cuộc thương thuyết không đạt được một sự đột phá cho một hiệp định hạt nhân toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, tuy sắp tới thời hạn chót là ngày 24 tháng 11 nhưng đôi bên tỏ dấu cho thấy có thể có tiến bộ để đạt được một thỏa thuận.

Các nhà thương thuyết hàng đầu của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Iran hôm qua đã chấm dứt ngày đàm phán thứ nhì mà không nói rõ những sự bất đồng nào còn tồn tại. Trước cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng “vẫn còn những khoảng cách thật sự.” Sau đó ông chỉ nói rằng các bên đang ra sức làm việc để đạt được một thỏa thuận.

Ông Kerry đã rời Oman để đến Bắc Kinh để tháp tùng Tổng thống Barack Obama và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Một giới chức Bộ Ngoại giao đi chung với ông Kerry nói rằng có nhiều vấn đề cần được xác định về những bước kế tiếp.

Theo tin của hãng IRNA của nhà nước Iran, ông Abbas Araghchi, thương thuyết gia cấp cao của Iran, nói rằng mặc dù chính phủ ông không thể nói là đã đạt được tiến bộ, nhưng ông cảm thấy lạc quan là một hiệp định có thể đạt được trước thời hạn chót.

Nhà phân tích tình hình Trung Đông của Đại học San Francisco, ông Stephen Zunes, nói rằng việc những sự bất đồng không được công khai nêu ra là một dấu hiệu tốt và nó cho thấy có thể có được tiến bộ.

"Tôi nghĩ rằng nếu có mối nguy cuộc đàm phán bị đổ vỡ thì đôi bên sẽ tiết lộ những mối bất đồng để tìm cách giành ưu thế đối với phía bên kia. Nhưng họ đang giữ im lặng và điều này chứng tỏ họ hy vọng có thể đạt được một kết luận nào đó. Có điều không hay là những người như chúng tôi ở bên ngoài không thật sự biết được những gì đang xảy ra."

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki mô tả cuộc họp đang ở trong giai đoạn quan trọng và Hoa Kỳ đang tập trung nỗ lực để đạt tiến bộ.

"Các cuộc thảo luận đã có tính chất khó khăn, thẳng thắn và nghiêm túc. Và như quí vị đã biết, các viên giám đốc chính trị sẽ tiếp tục ở lại Oman trong một khoảng thời gian chưa được xác định. Họ sẽ họp lại, dĩ nhiên, cho vòng đàm phán đã được loan báo là sẽ diễn ra vào tuần sau ở Châu Âu."

Cuộc họp mà báo chí cho biết sẽ diễn ra ngày 18 tháng 11 tại Vienna có mục đích đạt được thỏa thuận để đặt ra những sự hạn chế có thể kiểm chứng được đối với hoạt động tinh luyện uranium của Iran để họ không thể chế bom hạt nhân, và để đổi lại, các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ dần.

Israel là nước mạnh mẽ bày tỏ sự nghi ngờ đối với một thỏa thuận hạt nhân, nhất là sau khi có tin nói rằng lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khameini hô hào cho việc tiêu diệt Israel.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua nói với một tổ chức của người Do Thái rằng ông đã nghe thấy những sự đồn đại thất thiệt về lập trường của chính quyền Obama đối với Iran.

"Tôi xin nói rõ với quí vị điều này. Chúng tôi sẽ không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Chấm hết. Chấm hết. Chấm hết. Và tôi sẽ không mang tiếng tăm 42 năm của tôi ra đặt cược, nếu tôi không tin chắc là chúng tôi nhất định sẽ làm như vậy."

Iran lâu nay vẫn khăng khăng cho rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục tiêu hòa bình.

Giáo sư Zunes cho biết mặc dù giới lãnh đạo chính trị của Israel phản đối bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Iran duy trì một phần của chương trình hạt nhân của họ, các giới chức an ninh Israel có thể có quan điểm khác.

"Có một số dấu hiệu cho thấy một số chuyên gia quân sự Israel có thể linh hoạt hơn. Nếu có đủ những biện pháp bảo đảm để giám sát những gì còn lại trong chương trình hạt nhân để đoan chắc là không có cơ hội để vũ khí hóa, thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm được sự chấp nhận của các giới chức an ninh Israel."

Ông Ian Lustick, một nhà phân tích tình hình Trung Đông của Đại học Pennsylvania, vòng đàm phán hiện nay về vấn đề hạt nhân Iran đã bị phức tạp hóa bởi vấn đề của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

"Phía Iran muốn liên minh với Hoa Kỳ, bất kể là liên minh hoàn toàn ngấm ngầm hay ngấm ngầm một phần, và dường như Hoa Kỳ cũng sẵn sàng làm việc với Iran qua một số cách thức nào đó để ứng phó với vấn đề này. Cả hai nước đều rất quan tâm về nhóm Nhà nước Hồi giáo."

Giáo sư Lustick nói rằng tuy ông không dự kiến một thỏa thuận sẽ đạt được trước ngày 24 tháng 11, nhưng rốt cuộc sẽ có một thỏa thuận với kết quả là có một nước Iran có khả năng hạt nhân nhưng không có lực lượng tấn công hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG