Đường dẫn truy cập

Hạ viện Mỹ thông qua FTA với Colombia, Panama, Nam Triều Tiên


Lãnh đạo khối đa số Hạ viện, Dân biểu Cộng hòa Eric Cantor
Lãnh đạo khối đa số Hạ viện, Dân biểu Cộng hòa Eric Cantor

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua các thỏa hiệp mậu dịch tự do (FTA) với Colombia, Panama và Nam Triều Tiên gần 5 năm sau khi những hiệp định này được thương thảo dưới thời Tổng thống Bush. Các dự luật mậu dịch tự do được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, tuy có sự chống đối của một số các nhà lập pháp Dân chủ vì những mối quan tâm về nhân quyền và mối lo ngại là dự luật sẽ phương hại tới các công nhân Hoa Kỳ.

Phần lớn các nhà lập pháp Cộng hòa và một số đông các nhà lập pháp ôn hòa của đảng Dân chủ đã cùng chính quyền của Tổng thống Obama ủng hộ 3 hiệp định mậu dịch tự do vừa kể. Những người này cho rằng Hoa Kỳ lâu nay đã mất cơ hội chia sẻ các thị trường quan trọng có thể giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế.

Dân biểu Cộng hòa Lynn Jenkins, đại diện bang Kansas, phát biểu như sau:

"Chúng ta đã mất năm năm để làm việc này, nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã tới được chỗ này. Tôi kêu gọi các bạn đồng viện hãy cùng nhau hậu thuẫn cho hiệp định mậu dịch tự do với Colombia, một thỏa hiệp hỗ trợ cho công ăn việc làm và có ích cho tăng trưởng kinh tế."

Một số nhà lập pháp Dân chủ nói rằng các thỏa hiệp mậu dịch tự do này sẽ đưa đến chỗ nước Mỹ mất đi nhiều công ăn việc làm và nêu ra lãnh vực dệt may và các doanh nghiệp gia đình chuyên trồng và bán hoa. Dân biểu Shelly Barkley thuộc đảng Cộng hòa chống lại thỏa hiệp mậu dịch tự do với Colombia.

Bà Berkley nói: "Trong thực tế, hiệp định thương mại này cộng chung với các hiệp định thương mại với Panama và Nam Triều Tiên sẽ khiến đất nước chúng ta mất thêm hơn 200 ngàn công việc."

Lãnh đạo khối đa số Hạ viện, Dân biểu Cộng hòa Eric Cantor, không đồng ý.

Ông Cantor nói: "Qua việc xúc tiến các thỏa hiệp này, thưa bà Chủ tịch, chúng ta sẽ giúp cho các công ty sản xuất tại Virginia, bang nhà của tôi, cũng như trên khắp nước, gia tăng công cuộc xuất khẩu và gia tăng hoạt động sản xuất. Các công ty càng sản xuất nhiều sản phẩm thì họ càng cần nhiều công nhân hơn, có nghĩa là sẽ có thêm nhiều việc làm hơn."

Hiệp định mậu dịch tự do với Colombia có lẽ là thỏa hiệp gây nhiều tranh cãi nhất, với việc một số các nhà lập pháp Dân chủ nói rằng quốc gia Nam Mỹ này đứng đầu thế giới về số vụ ám sát các nhà hoạt động công đoàn.

Dân biểu John Lewis, đại diện bang Georgia và là một lãnh tụ dân quyền, đã mạnh mẽ chỉ trích các nhà lập pháp làm ngơ những mối quan tâm về nhân quyền ở Colombia.

Ông Lewis nói: "Hiệp định này không nói gì đến những lãnh tụ lao động bị giết hại. Hiệp định này không nói gì tới một vụ khủng hoảng không khác gì vụ khủng hoảng ở Sudan. Thương mại vì mục đích thương mại. Tiền bạc vì mục đích tiền bạc. Cứ để người khác lo! Cứ để người khác lo về vấn đề nhân quyền."

Chính quyền của Tổng thống Obama gây áp lực để Nam Triều Tiên mở cửa thị trường cho ngành sản xuất xe hơi của Mỹ và thúc giục Panama tăng cường các qui định về tài chính và Panama bảo vệ những người lãnh đạo giới lao động. Một số nhà lập pháp nói rằng Colombia ngày nay không phải là nước Colombia cách đây 10 năm.

Dân biểu Cộng hòa Mario Diaz-Balert,đại diện bang Florida nói:

"Thưa ông Chủ tịch, Colombia là một đồng minh dân chủ. Họ đã đạt những tiến bộ không ngờ trong việc giảm bớt bạo độïng, giảm bớt tội phạm và giảm bớt việc buôn lậu ma túy."

Tòa Bạch Ốc và các nhà lãnh đạo cả hai đảng tại quốâc hội cho biết ba hiệp định mậu dịch tự do có thể giúp xuất khẩu gia tăng 13 tỉ đôla mỗi năm và họ muốn Tổng thống Obama ký các hiệp định này trước khi đón tiếp Tổng thống Le Myung-Bak của Nam triều Tiên đến thăm Tòa Bạch Ốc và đến phát biểu tại phiên họp của lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ vào ngày thứ Năm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG