Đường dẫn truy cập

Con bà Suu Kyi: Chính quyền quân sự Myanmar ân xá một phần cho bà 'không có nghĩa lý gì'


Ông Kim Aris, một trong những người con của bà Suu Kyi (Video Screenshot/VOA)
Ông Kim Aris, một trong những người con của bà Suu Kyi (Video Screenshot/VOA)
Việc giới quân đội cầm quyền ở Myanmar ân xá một phần cho cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi "hoàn toàn không ý nghĩa gì hết", con trai thứ của bà nhận xét hôm thứ Tư 2/8 và kêu gọi các chính phủ phương Tây làm nhiều hơn nữa để tăng áp lực lên chính quyền.

Việc ân xá cho 5 trong số 19 tội danh mà bà bị kết án đồng nghĩa là án tù 33 năm của bà Suu Kyi sẽ được giảm bớt 6 năm, nhưng con trai bà, Kim Aris, quốc tịch Anh, ví động thái này như một hoạt động tuyên truyền.

Ông nói với Reuters ở London: “Dù sao thì việc đó cũng chưa đủ … Cả thế giới đều biết giới quân đội đã chơi những trò này với mục đích tuyên truyền, cố gắng tạo ra hình ảnh tốt hơn vào những dịp nhất định”.

“Việc họ giảm án cho mẹ tôi vài năm chẳng có ý nghĩa gì cả”, vẫn lời ông.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ đầu năm 2021, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi và đàn áp những người phản đối chế độ quân sự, với hàng nghìn người bị bỏ tù hoặc thiệt mạng.

Bà Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel, 78 tuổi, đã bị bắt giam trong cuộc đảo chính. Bà bác bỏ mọi tội danh mà bà bị kết án, từ kích động và gian lận bầu cử cho đến tham nhũng, và bà đã kháng cáo.

Aris, 44 tuổi, con trai thứ của bà Suu Kyi và cố học giả người Anh Michael Aris, nói rằng ông đã không thể liên lạc với mẹ mình kể từ trước cuộc đảo chính và không biết tình trạng hiện tại của bà ra sao. Ông nói rằng không có bằng chứng có thể kiểm chứng về các tin nói rằng bà đã được chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia.

Ngoại trưởng Thái Lan tháng trước cho biết ông đã gặp riêng bà Suu Kyi, một cuộc gặp hiếm hoi với một quan chức nước ngoài, sau đó ông cho hay bà có sức khỏe tốt và ủng hộ đối thoại để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng của đất nước.

Nhiều chính phủ đã kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Suu Kyi và hàng ngàn tù nhân chính trị khác, và một số nước, trong đó có Mỹ, EU và Anh, đã nhắm mục tiêu vào quân đội của quốc gia Đông Nam Á này bằng các lệnh trừng phạt.

Ông Aris cho rằng những biện pháp trừng phạt đó cần phải "cứng rắn hơn" và hiệu quả hơn để bịt mọi lỗ hổng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như cung cấp vũ khí.

Ông Aris, sống ở phía tây London, cho hay ông đang làm việc với nhóm có tên là Chính phủ Đoàn kết Quốc gia để truyền bá thông tin về tình hình của bà Suu Kyi. Nhóm này đang hoạt động ngầm, họ được thành lập bởi những người ủng hộ bà Suu Kyi và những người khác cũng chống đối quân đội.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG