Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ đến Moscow để đàm phán về vũ khí và Trung Đông


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang có mặt tại Moscow để vận động hướng tới một thỏa thuận mới về vũ khí chiến lược với Nga. Nghị trình trong hai ngày của ngoại trưởng Mỹ cũng bao gồm một cuộc họp đa phương vào ngày mai với các giới chức của Nga, Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc để thảo luận về các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Từ thủ đô Nga, thông tín viên VOA Peter Fedynsky gửi về bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Clinton sẽ gặp đối tác phía Nga, ông Sergei Lavrov, trong ngày hôm nay và Tổng thống Dmitri Medvedev vào ngày mai. Các cuộc họp song phương sẽ tập trung vào việc thay thế Hiệp ước Tài giảm Vũ khí Chiến lược năm 1991, sẽ hết hạn vào tháng Chạp năm nay.

Tổng thống Barack Obama và ông Medvedev đã cam kết hồi năm ngoái cắt giảm số đầu đạn chiến tranh của Nga và Mỹ xuống từ 1500 đến 1676 chiếc. Tuy nhiên, việc tái thương nghị một hiệp ước mới đã tỏ ra khó khăn hơn dự kiến. Người đứng đầu tổ chức khảo cứu Quỹ Tân Âu Á ở Moscow, ông Andrei Kortunov giải thích.

Ông Kortunov nói: “Có những vấn đề liên quan đến việc kiểm chứng chẳng hạn, có thể có những bất đồng về những con số cụ thể, và chắc chắn là có lý luận liên quan đến các hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ.”

Những hệ thống đó nằm trong khuôn khổ một kế hoạch của Mỹ định xây một hệ thống phòng thủ phi đạn tầm xa ở châu Âu. Vấn đề lại được đưa ra bàn thảo luận sau một loan báo cho biết Rumani sẽ chấp nhận chứa các thành phần của một hệ thống mới, sau khi chính quyền của Tổng thống Obama bãi bỏ một kế hoạch tương tự cho Ba Lan. Hoa Kỳ nói rằng một tấm chắn phi đạn là cần thiết để bảo vệ châu Âu chống lại một cuộc tấn công có thể do Iran gây ra. Điện Kremli lo ngại rằng tấm chắn này sẽ được sử dụng để de dọa Nga.

Bà Clinton sẽ mở các cuộc hội đàm vào ngày mai với nhóm được gọi là bộ Tứ xây dựng hòa bình. Đại diện cho Nga là ngoại trưởng Sergei Lavrov, đại diện cho Liên hiệp châu Âu là trưởng ban đối ngoại Catherine Ashton, đại diện cho Liên Hiệp Quốc là ông Tổng thư ký Ban Ki-moon, và Ngoại trưởng Clinton sẽ đại diện cho Hoa Kỳ. Đại diện đặc biệt của Bộ Tứ là cựu thủ tướng Anh Tony Blair cũng sẽ tham dự cuộc họp. Trước khi tiến hành các cuộc thảo luận chính thức sẽ là một dạ tiệc vào tối nay.

Bộ Tứ này đang điều giải một nỗ lực hòa bình giữa Israel và Palestine. Nỗ lực đó đã bị khựng lại, gần đây nhất vì một kế hoạch xây dựng 1600 đơn vị gia cư cho người Do Thái trong vùng Đông Jerusalem mà phần đông dân là người Ả Rập. Bà Clinton đã gọi kế hoạch của Israel là thiếu tế nhị và đã khiển trách thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn đề này trong một cuộc điện đàm hôm thứ sáu tuần trước. Nhà lãnh đạo Israel sau đó đã ca ngợi sự cam kết của Tổng thống Obama đối với nền an ninh của Israel.

Phân tích gia Yevgeniy Satanovsky, chủ tịch Viện Trung Đông-Israel ở Moscow, tỏ ra nghi ngờ về việc Bộ Tứ sẽ đạt được kết quả nhiều hơn điều ông gọi là “chỉ bàn về các cuộc đàm phán”. Ông nói rằng lý do là vì Israel đã đầu tư quá nhiều vào những khu định cư nên không rút lại được.

Ông Satanovsky nói rằng có những người Israel đã dành ra mấy chục năm và hàng tỷ đôla đổ vào các khu định cư đó, và nhiều thế hệ chính trị gia và chuyên gia phân tích đã xây dựng sự nghiệp của họ quanh vấn đề này. Ông nói những người như thế sẽ không chấp nhận để cho các nỗ lực của họ đi đến chỗ bế tắc và nhận là minh sai.

Chương trình hạt nhân của Iran cũng dự trù sẽ được bà Clinton và ông Lavrov đưa ra duyệt xét. Trước khi lên đường đi Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và cựu đại sứ Mỹ ở Nga, ông William Burns nói “đã đến lúc chứng tỏ là có các hậu quả” đối với sự thách thức liên tục của Tehran trước các mối quan tâm của quốc tế về chương trình hạt nhân của họ.

Trước đây trong tháng này, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tuyên bố nước ông sẵn sàng cứu xét các biện pháp chế tài mới đối với Iran, nếu không thuyết phục được họ ngưng tinh chế uranium.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG