Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Mỹ: Quan điểm của ông Trump sẽ dỡ bỏ trụ cột của ổn định thế giới


Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Trong lúc phê phán thỏa thuận bất lợi mà ông tin rằng Mỹ đang có được từ khuôn khổ các liên minh quốc tế lập ra sau khi Đệ nhị Thế Chiến, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố ông sẽ thực hiện những sửa đổi lớn nếu được bầu làm tổng thống vào tháng 11. Các nhà phân tích cho rằng nếu ông Trump làm như thế, đó sẽ là một "cuộc cách mạng" trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thông tín viên Cindy Saine của đài VOA có bài tường thuật.

Ông Trump nói rằng Mỹ là một quốc gia có hạ tầng đang suy sụp không còn đủ khả năng để làm viên cảnh sát của thế giới. Hôm thứ Tư, ông tỏ ý coi thường Công ước Geneva mà ông nói làm cho binh sỹ Mỹ "sợ" chiến đấu. Tại một cuộc họp đông người do đài truyền hình CNN tổ chức gần đây, ông chất vấn về một liên minh có tính nền tảng khác.

"Tôi xin nói với quí vị là NATO đã lỗi thời. Khối này đã tồn tại 67 năm, nói cách khác nó hơn 60 tuổi. Khối này, nhiều nước, không đối phó với khủng bố. Khối này đối phó với Liên Xô, mà nước đó không còn tồn tại. Vậy thì NATO cần phải chỉnh đốn lại, hoặc phải thay đổi để trở nên tốt hơn. Tôi không nói gì xấu về NATO. Nhưng chúng ta đang phải chi trả quá nhiều. Chúng ta đang chi ra những số tiền khổng lồ - hàng tỷ, hàng tỷ đôla cho NATO".

Chuyên gia về chính sách đối ngoại Thomas Wright của Viện Brookings cho rằng nhận xét của ông Trump xem thường NATO và cũng như nói Mỹ "chi trả quá nhiều" cho Nhật Bản và an ninh của Nam Triều Tiên không đơn thuần là những nhận định có tính chất nhất thời, mà điều đó phản ánh quan điểm mà ông đã theo đuổi một cách say mê trong nhiều thập kỷ.

"Ông ấy có vấn đề lớn về các liên minh của Mỹ ở châu Á, châu Âu và Trung Đông. Ông ấy có vấn đề lớn về tất cả các thỏa thuận thương mại và các hình thức can dự kinh tế khác của Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Và ông ấy muốn tìm cách phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với các chế độ toàn trị như của ông Putin ở Nga. Vì vậy, điều đó có thể sẽ đưa đến một cuộc cách mạng thực sự trong chính sách đối ngoại của Mỹ".

Ông Trump cũng làm nhiều người giật mình khi ông từ chối loại bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân ra khỏi bàn thảo luận trong bất cứ tình huống nào. Trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC hôm thứ Năm, ông nói ông có thể đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vào lúc Tổng thống Barack Obama đang chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Washington để ngăn chặn sự phổ biến các loại vũ khí hạt nhân, ông Trump nói có thể sẽ tốt hơn nếu các nước như Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Ả Rập Xê-út đã có vũ khí hạt nhân, vì nhờ điều đó mà các nước này sẽ không phải dựa vào Mỹ để được bảo vệ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Sessions (trái) được ông Trump giới thiệu là người đứng đầu nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Sessions (trái) được ông Trump giới thiệu là người đứng đầu nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông.

Trong khi thường xuyên bày tỏ bất bình về các đồng minh thân cận của Mỹ như Đức và Nhật Bản vì không trả tiền cho an ninh của các nước đó, ông Trump đã nhận xét một cách nồng nhiệt về Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Ông Putin đã nói những điều rất tốt đẹp về tôi... Tôi nghĩ điều đó thật là dễ chịu. Nó không có tác dụng gì khác đối với tôi ngoài việc tôi nghĩ rằng điều đó rất dễ chịu. Nếu chúng ta có thể thân thiện với Nga, điều đó thật là tốt".

Ông Trump nói Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Sessions đứng đầu nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông, nhưng ông vẫn chậm chạp trong việc công bố đầy đủ tên của nhóm này.

Ông Wright nói có một lý do đơn giản để giải thích vấn đề này.

"Đó là vì khối chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa không đồng ý với ông Trump. Họ đang bị sốc và họ chống đối tất cả những gì ông ấy đề xuất, và vì vậy họ không muốn tham gia cùng ông ấy, do đó, ông ấy khó tìm được người và đó là vì một sự bất đồng chính đáng..."

Ông Wright cho rằng, nếu được bầu, quan điểm theo chủ nghĩa tách biệt của ông Trump có thể loại bỏ một trụ cột của sự ổn định trên thế giới: đó là vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Ông Wright cũng cho rằng trong trường hợp cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, bà ấy sẽ trở thành đại biểu chẳng những của các chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ mà còn là người giữ vững ngọn cờ của chính sách đối ngoại truyền thống của cả nước Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG