Ông Tập muốn kiếm thêm “credit”
Theo những lời xì xầm, mà cũng có thể là suy đoán, từ Hà Nội, thì trong chuyến thăm cấp cao hai ngày 12 và 13 tháng này tại Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tinh thần “cộng đồng chung vận mệnh” (Community with a Common Destiny/ CCD) giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể sẽ được “chung cuộc” trong một tuyên bố lịch sử.
Sở dĩ gọi là lịch sử, vì đây là lần đầu tiên, vấn đề ý thức hệ giữa hai đảng CSTQ và CSVN sẽ biến tướng thành mối quan hệ phiên thuộc ở thế kỷ 21.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm 2022, tinh thần CCD lúc bấy giờ được pha loãng trong Tuyên bố chung (TBC) 6000 từ mà không dừng lại ở một mệnh đề cụ thể nào cả (1). Vậy tại sao lần này, Bắc Kinh lại kiên định ép Hà Nội phải đưa vào TBC khái niệm Tập Chủ tịch từng lặp đi lặp lại tại các diễn đàn quốc nội và quốc tế? (2)
Lý do quan trọng bao trùm bởi vì, với chuyến thăm Hà Nội lần này, Tập Cận Bình quyết nâng quan hệ “hợp tác đối tác chiến lược toàn diện” (một dạng CSP) Trung – Việt vượt hẳn lên một cấp bậc cao hơn các CSP khác. Trung Quốc không thể hài lòng, “Thiên triều” mà lại chịu ở địa vị ngang hàng với các CSP hiện có của Hà Nội là Mỹ, Nhật, Ấn, Hàn và Nga. Dứt khoát, Trung Quốc kiểu gì cũng phải cao hơn các CSP khác của Việt Nam một bậc.
CCD Trung – Việt sẽ đứng ở “kèo trên” so với 5 CSP kia! Ở đây có thể không hẳn là vì “con gà hơn nhau tiếng gáy”. Từ hơn chục năm qua, quan hệ đối tác Mỹ – Việt được duy trì ở mức “toàn diện”, nhưng hai nước vẫn coi trọng nội hàm “chiến lược” hơn là tên gọi mối bang giao. CCD Trung – Việt lần này nếu đúng là sẽ được đưa vào TBC, Tập Chủ tịch rõ ràng sẽ kiếm thêm một “credit” đối với cái gọi là “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI).
Thật ra, cái GSI này cũng đã được cả ba nước Việt – Cambodia – Lào “thấm nhuần” từ lâu. Các tuyên bố chung Trung – Việt, Trung – Lào và Trung Quốc – Cambodia từ cuối năm ngoái đến nay đều tung hô cả ba sáng kiến “vĩ đại” của Bắc Kinh: GSI, GDI (Phát triển Toàn cầu) và bao trùm lên tất cả là BRI (Vành đai Con đường), như những nền tảng của “Trật tự mới”. Sau một thời gian dài “rón rén”, có thể nào Việt Nam “cũng đành nhắm mắt đưa chân” với CCD, hay còn mang cái tên khác là “cộng đồng có tương lai cùng sẻ chia” với Trung Quốc?
Thách thức tới đây là, nếu trên đà này, Trung Quốc tiếp tục “đẩy” ba nước Đông Dương tham gia “Bộ Ngũ”, gồm Trung Quốc, Nga, Bắc Triều tiên, Iran và Ả rập Xê-út, thì điều gì sẽ xảy ra? Triết lý “không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa” của Việt Nam lúc ấy sẽ tan thành mây khói? Khi Khối này mở rộng thành 8 thành viên, nghĩa là ép được Việt Nam công khai “bỏ phiếu” cho “Pax Sinica” (Trật tự Trung Hoa), thì trớ trêu thay, Cambodia sẽ đóng vai trò dẫn dắt (!?)
Vậy là trước sau, Bắc Kinh cũng sẽ “trám” lỗ hổng trên dây chuyền CCD “made in China”. Việc nâng cấp Việt Nam lên CCD rồi sẽ được diễn dịch là Bắc Kinh ngày càng gần gũi hơn, hoặc đi trước một bước, hoặc cao hơn một nấc so với Washington trong quan hệ với Việt Nam, như nhận định của giới chuyên gia nói với VOA hôm 7/12 (3). Nhưng tầm quan trọng của việc ép Việt Nam vào CCD sẽ không chỉ nằm ở danh xưng, nó còn phục vụ cho âm mưu lâu dài của “Pax Sinica”, nhằm thay thế Trật tự của Mỹ và thế giới dân chủ! Hãy đặt chúng ta vào cương vị của ông Tập Cận Bình! Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam lần lượt đã/sẽ ký quy chế “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với cả hai nhóm đồng minh chủ chốt nhất của Hoa Kỳ, là QUAD (bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) và AUKUS (bao gồm Mỹ, Úc, Anh,) (4). Hiển nhiên là ông Tập có lý do để lo ngại, phải ép càng sớm càng tốt, để ngăn Việt Nam “sổng chuồng”.
“Chuột chạy cùng sào” nên vào Cấp cao
Như một mặc định, QUAD và AUKUS là hai trụ cột trong chiến lược “INDO-PACIFIC tự do và rộng mở” (FOIP). Vậy thì, sau khi ký CSP hoặc SP (đối tác chiến lược) với các đối tác vốn là đồng minh của Mỹ, địa vị “Thành viên Theo sát” (Shadow Member) của Việt Nam đối với hai trụ cột chủ chốt này là một xác suất khá cao. Và điều này thật ra không hề mâu thuẫn với học thuyết quốc phòng “4 không 1 tùy” của Hà Nội. Trung Quốc mấy năm nay bao vây Việt Nam từ tứ phía: Lào, Cambodia, biên giới phía Bắc và Biển Đông. Sang năm lại là mốc thời gian 50 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Cục diện an ninh quốc tế và khu vực “hậu CSP” và “hậu Ukraine” sẽ như thế nào là một bài toán đau đầu đối với cả lãnh đạo Bắc Kinh lẫn Hà Nội.
Trong khi đó, về kinh tế mà nói, thì quả thực Việt Nam đang tiến đến chạm đáy. Chỉ cần Trung Quốc thỉnh thoảng bỗng nhiên đóng cửa biên giới mà không tuyên bố nguyên nhân, như hai năm vừa qua, thì hàng vạn nhà nông và doanh nghiệp Việt Nam sẽ sạt nghiệp. CSP với Mỹ đúng là mở ra triển vọng lạc quan thật đấy, nhưng đó là vườn cây cần trải qua ươm trồng và chăm bón. Với cách làm ăn “chụp giật”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, với chiến dịch đốt lò chưa có điểm dừng của TBT Trọng khiến mọi hoạt động kinh tế và giao dịch với giới đầu tư nước ngoài có nguy cơ ngưng đọng, thậm chí thụt lùi, thì áo Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ còn đẫm mồ hôi nhiều hơn hồi đại dịch Covid-19. Chưa nói “cuộc giáp-la-cà” trên thượng tầng quyền lực từ nay đến Đại hội 14 đang là một sức cản ghê gớm đối với phát triển bền vững.
Như vậy là cả về an ninh lẫn kinh tế, Việt Nam dường như đang lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn, có thể chưa hẳn là bước đường cùng, nhưng Hà Nội đang xoay xở bằng mọi cách để tìm lối thoát. Nhân nhượng Trung Quốc có thể là một tính toán theo hướng ấy. Chiều ngược lại, Tập Cận Bình cũng đang bước sang năm mới không dễ dàng gì, cả về nội trị lẫn trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Trong thế “chuột chạy cùng sào”, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đành chọn thỏa hiệp hơn là tăng cường đối đầu. Ít nhất, đó là tính toán trước mắt. Tuy nhiên, “ngoại giao cây tre” sẽ còn rung lắc mạnh từ nay cho đến Đại hội 14. Bởi vì, quỹ đạo CSP và quỹ đạo CCD khó có thể hòa đồng. Vấn đề là “gốc tre” phải mạnh, “thân tre” phải quật cường. Mỗi người dân Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải có lòng tự tôn và ý chí tự cường, dám nuôi dưỡng và thúc đẩy một chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.
Các lãnh đạo quốc gia ở Ba Đình nên bớt lo sợ chính người dân của mình, hãy lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp đang khốn khó, hãy thấu cảm với trí thức, văn nghệ sỹ muốn trải lòng và đau đáu cho vận nước đang vào hồi Mạt Pháp. Ra nước ngoài, các ông đừng vừa đi xin tiền, lại vừa khăng khăng đòi các nước sở tại bắt những kiều bào có lòng với đất nước đem về bỏ tù! “Kinh tế thị trường” là câu chuyện giữa chính quyền trong nước với doanh nghiệp và người dân, chứ sao lại đi xin hết từ chính phủ này đến chính phủ khác! Nếu Đảng và Nhà nước không thay đổi, nếu các doanh nhân xứ Đông Lào này ai cũng như Vạn Thịnh Phát, Trịnh Văn Quyết…, thì CCD hay CSP đều không thể cứu rỗi và vực dậy nền kinh tế này và đất nước này!
Diễn đàn