Đường dẫn truy cập

Tòa án xử Khmer Đỏ kết thúc phần mở đầu


Phiên tòa xử các thủ lãnh Khmer Ðỏ 21/11/11
Phiên tòa xử các thủ lãnh Khmer Ðỏ 21/11/11

Tòa án xử Khmer Đỏ ở Campuchia đã kết thúc phần mở đầu trong tuần này. Các công tố viên đã trình bày luận cứ của họ để chống lại 3 người bị truy tố về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong thời gian nắm giữ những chức vụ lãnh đạo hàng đầu của phong trào Khmer Đỏ.

Bên công tố đã mất một ngày rưỡi để trình bày với tòa án những lập luận của họ chống lại Khmer Đỏ.

Đồng công tố viên quốc tế Andrew Cayley nói rằng các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Campuchia, gọi tắt là CPK, tin rằng họ đã tìm ra bí quyết để thực hiện thành công một cuộc cách mạng cộng sản - một giải pháp mà những cuộc cách mạng khác đã không tìm ra. Ông nói:

"Các bị cáo tin rằng những cuộc cách mạng cộng sản trước đó đã thất bại vì những kẻ thù của giai cấp đã xâm nhập hàng ngũ cách mạng và làm băng hoại những cuộc cách mạng đó. Giải pháp mà các bị cáo muốn thực hiện là thanh toán toàn bộ những kẻ thù của giai cấp, không chừa một ai."

Ông Cayley sau đó đã giải thích về thân phận của những người bị cho là kẻ thù và những vụ sát hại tập thể đã diễn ra dưới thời Khmer Đỏ.

"Thưa các quan tòa, sự thật là những người mà các bị cáo xem là kẻ thù của CPK là một khối người không ngừng thay đổi và không ngừng mở rộng."

Trong những ngày ngay sau khi phe Khmer Đỏ lên nắm quyền năm 1975, kẻ thù là những người có liên hệ với chế độ Lon Nol bị đánh bại, cùng với giới sinh viên học sinh, giáo chức, bác sĩ, luật sư, và những người cư trú ở thành thị.

Đến khi Khmer Đỏ bị lật đổ vào năm 1979, tâm lý lo sợ hoang tưởng đã làm cho họ nhìn thấy kẻ thù ở mọi nơi, đặc biệt là trong chính hàng ngũ của mình. Và trong quá trình này Khmer Đỏ đã thanh trừng rất nhiều người trong hàng ngũ của họ. Ông nói:

"Và khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ và những nhà lãnh đạo mắc chứng lo sợ hão huyền của Đảng Cộng Sản Campuchia tin rằng sự thất bại của họ là do CIA, KGB hoặc gián điệp Việt Nam gây ra, thì trọng tâm của cuộc săn lùng kẻ thù của họ đã chuyển từ kẻ thù giai cấp sang kẻ thù bên trong, sang những người mà họ cho là đã xâm nhập vào bên trong hàng ngũ của đảng"
.
Về phần mình, các bị cáo và luật sư của họ đã mô tả những gì mà bên công tố trình bày trước tòa là không đúng sự thật, một câu chuyện cổ tích đầy dẫy những chuyện vơ đũa cả nắm, và “giống như một cuốn tiểu thuyết của Alexandre Dumas”, tác giả cuốn “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ.”
Ông Nuon Chea, 85 tuổi, được xem là người đứng đầu công tác tư tưởng của Khmer Đỏ. Ông đã đọc phát biểu của ông trong 90 phút với một sự hăng hái đáng ngạc nhiên, qua việc công kích kẻ thù truyền kiếp của Khmer Đỏ là Việt Nam. Ông nói với tòa án rằng nước láng giềng phía đông của Campuchia lâu nay vẫn có âm mưu chống lại đất nước ông và muốn tiêu diệt dân tộc ông.

Ông nói rằng ông đã tham gia cách mạng để bảo vệ tổ quốc.

Lòng yêu nước cũng là chủ đề của bài phát biểu trước tòa của cựu quốc trưởng Khieu Sam Phan. Ông nói rằng ông đã theo phe cộng sản trong lúc học tiến sĩ kinh tế học ở Paris. Ông phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên:

"Ngày nay quí vị có thể xem đó là một chuyện khôi hài. Nhưng tôi xin nhắc với quí vị rằng lúc đó chủ nghĩa cộng sản là một phong trào mang lại hy vọng cho hàng triệu thanh niên trên khắp thế giới. Điều mà tôi thật sự mong muốn lúc đó là mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đất nước của mình."

Ông Khieu Sam Phan cũng đề cập tới chiến dịch oanh kích qui mô lớn mà Hoa Kỳ đã thực hiện trái phép ở Campuchia năm 1969.

Những vụ giội bom đó được nhiều người xem là nguyên do đã làm cho sự hậu thuẫn của Khmer Đỏ tăng mạnh, nhưng lại nằm ngoài khung thời gian qui chiếu mà tòa án dùng để cứu xét những cáo trạng chống lại các cựu thủ lãnh Khmer Đỏ. Ông nói:

"Quí vị có thể tưởng tượng được những gì mà đất nước tôi đã phải đối mặt sau một cuộc giết hại đẫm máu như vậy không? Bất kể là quí vị thích hay không thích, đa số người dân Campuchia lúc đó đã ủng hộ chúng tôi trong cuộc tranh đấu chống lại chế độ Lon Nol."

Cựu ngoại trưởng Ieng Sary chỉ phát biểu một cách ngắn gọn trước tòa án. Ông than phiền rằng tòa án đã không xem xét tới quyết định miễn tội của nhà vua và lệnh ân xá mà ông đã có được vào năm 1996 để ông và hàng ngàn người theo ông ra đầu thú với chính quyền.

Ba cựu lãnh tụ này bị truy tố về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, với một danh sách của nhiều tội trạng khác nhau như giết người, thủ tiêu, cầm tù, tra tấn, và bách hại.

Trên cơ bản họ bị xét xử vì đề ra những chính sách đã dẫn tới cái chết của khoảng 2 triệu người từ năm 1975 đến năm 1979.

Cả ba bị cáo đều phủ nhận mọi cáo trạng.

Những người Campuchia theo dõi phiên tòa đã có phản ứng lẫn lộn. Một số người thông cảm với những bị cáo nay đã già yếu, trong khi những người khác cảm thấy tức giận vì các bị cáo đã không nhận trách nhiệm đối với những gì đã xảy ra trong thời gian họ nắm quyền cai trị.

Bà Clair Duffy là người theo dõi phiên tòa cho một tổ chức nhân quyền có tên Sáng kiến Công lý Xã hội Mở. Bà nói rằng cả bên công tố lẫn bên bị đều làm tốt công việc của mình. Bà nói:

"Và mặc dù ông Nuon Chea và ông Ieng Sary không đề cập tới phần cơ bản của những tố cáo chống lại họ, ông Khieu Sam Phan đã đáp lại những tố cáo của phe công tố và bác bỏ một số bằng chứng do bên công tố đưa ra."

Bà Duffy cho biết phần mở đầu của phiên xử đã giúp bà thấy được chút ít về những chiến thuật mà các bị cáo sẽ áp dụng trong các phiên tòa sau này.

Bà cho biết phát biểu của ông Nuon Chea tập trung vào bối cảnh chính trị của thời kỳ đó và mối quan hệ có nhiều cay đắng giữa hai đảng Cộng Sản của Việt Nam và Campuchia. Bà nhận định:

"Đối với ông Khieu Samphan, lập luận của ông ấy là: tuy tôi đã có vai trò như vậy nhưng tôi không phải là thành viên của Ủy ban Thường vụ; tôi không phải là người làm ra quyết định; tình hình đất nước khi đó rất hỗn loạn và không nằm trong sự kiểm soát của chúng tôi."

Phiên xử 3 cựu thủ lãnh Khmer Đỏ được chia ra thành những đợt nhỏ, và các phiên tòa trong tuần này là phần mở đầu của đợt đầu tiên.

Mục tiêu chính của đợt này là xem xét tới vấn đề tội ác chống nhân loại trong bối cảnh của cuộc cưỡng bức di dời hàng triệu người mà Khmer Đỏ đã thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG