Đường dẫn truy cập

Teo tai không rõ nguyên nhân


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Linh về trường hợp cháu nhỏ 6 tuổi bị teo tai không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Linh ở thành phố Hồ Chí Minh có nêu trường hợp cháu nhỏ 6 tuổi của ông và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải thích:

Trường hợp bé 6 tuổi trái tai bị teo lại không rõ nguyên nhân.

Bé gái 6 tuổi, từ một năm nay gia đình nhận thấy trái tai (dái tai, earlobe) em bé teo lại, ngoài ra em vẫn có vẻ bình thường đã khám nhiều nơi nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân.

Đây là một trường hợp khó và hiếm, đương nhiên tôi không có tham vọng định bịnh cho bịnh nhân căn cứ trên vài chi tiết về lâm sàng. Một số nhận xét sau đây với mục đích thông tin, mong có thể giúp ích đôi chút cho phụ huynh trong công việc theo dõi với bs của em.

Trong y văn, dái tai teo lại có thể tìm thấy trong những trường hợp viêm hạt. Viêm hạt (granulomatous inflammation) có nghĩa là do tác dụng của một tác nhân sinh học (như vi khuẩn), hóa học, cơ học nào đó cơ thể đối ứng lại bằng cách tạo nên những mô hạt (giống như những hột [nodules] nhỏ). Viêm hạt từ từ phá hủy bộ phận đó và làm bộ phận đó teo lại.

Hai trường hợp đáng để ý:

1. viêm hạt do nhiễm vi khuẩn bịnh Hansen (bịnh cùi, leprosy). Hiện trên thế giới có chừng 2-3 triệu nguời cùi, và Việt nam đứng trong 14 nước nhiều bịnh nhân cùi nhất. Trẻ em có thể chiếm đến 10% các trường hợp cùi mới. Trái trai là nơi dễ phát hiện triệu chứng vi khuẩn bịnh Hansen vì trái tai nằm xa phần còn lại cơ thể, nhiệt độ thấp hơn. Khám bịnh triệu chứng có thể không có gì nhiều: lúc bắt đầu, tình trạng sức khỏe tổng quát của bịnh nhân có thể không bị ảnh hưởng rõ rệt, hoặc chỉ đôi chút như mệt mỏi, hơi nóng lạnh. Có hai loại triệu chứng chính mà bác sĩ cần đi tìm trong bịnh Hansen: triệu chứng ngoài da và sưng các dây thần kinh.

Cần khám kỹ toàn thân của bịnh nhân để tìm những dấu hiệu của bịnh Hansen, như những mảng da nhạt màu hơn chỗ khác, ở đó cảm giác về nóng lạnh, đau đớn lúc kim chích có thể giảm đi so với những vùng da bình thường. Những vùng da này dễ dàng bị bỏ sót lúc khám nếu không khám toàn bộ da của bịnh nhân từ đầu đến chân, hoặc có thể bị lẫn lộn với những bịnh ngoài da thông thường như bịnh bạch biến (vitiligo), bịnh lác (eczema), hay bịnh nhiễm trùng nấm.

Ngoài ra bs cũng để ý xem các dây thần kinh của bịnh nhân có bị sưng lên hay không: thần kinh trên trán, ở cỗ (great auricular nerve), và tứ chi.

Nhiễm trùng do bịnh lao da (skin tuberculosis), gọi là lupus vulgarus dạng làm tàn phế (lupus vulgarus mutilans) cũng có thể làm teo trái tai, teo vành tai, mũi mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng quát.

Bịnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên về bịnh ngoài da, hoặc chuyên về bịnh nhiễm nhất là chuyên về bịnh lao da và bịnh Hansen xem có phải một trong hai bịnh này không. BS có thể cần thử nghiệm lao tố và phản ứng cùi, cần làm sinh thiết (cắt da) để định bịnh. Mặc dầu bị thành kiến nhiều, bịnh Hansen cũng như bịnh lao, có thể trị được bằng kháng sinh.

2. viêm hạt Wagener (Wagener granulomatosis): thường kèm theo những triệu chứng ở những bộ phận khác như phổi, thận, mũi, họng. Bịnh ít thấy ở trẻ con, và nếu sau một năm bịnh nhân vẫn khỏe có lẽ không phải bịnh này.

Về “hội chứng teo nửa người” thì tôi không biết là vị bs thần kinh muốn nói đến hội chứng Parry-Romberg hay không, còn được gọi là hội chứng teo nửa mặt: progressive hemifacial atrophy . Bịnh này rất hiếm, chừng 200.000 người mới có một trường hợp.Trong bịnh này, phần mềm (da, cơ bắp, mỡ dưới da) một nửa bên (trái hoặc phải, thường là bên trái) của mặt từ từ teo nhỏ lại.Mặt thay đổi lúc bịnh nhân chừng 5-15 tuổi (trung bình 9 tuổi), bắt đầu hai bên má và thái dương, rồi đến trán (da như bị vết chem: coup de sabre), khóe miệng, có khi lan qua xuống cỗ hoặc thấp hơn. Tai nhỏ lại, răng và nướu lộ ra vì môi teo lại. Tóc bạc, rụng lông mày, tóc. Da trở nên đen xạm, mắt sũng vào. Bịnh nhân có thể bị co giật phía bên kia mặt. Có thể nhức đầu kiểu migraine.Một số khảo cứu bằng MRI cho thấy óc bất bình thường trong chừng nửa số trường hợp.

Thường bịnh tiếp tục trong chừng 9 năm (trung bình), rồi ngưng lại. Hiện chưa có thuốc chữa. một số trường hợp được chữa bằng giải phẫu thẩm mỹ (tạo hình, plastic surgery).

Bịnh có thể xảy ra nhiều hơn trong một gia đình nào đó, nhưng thường xảy ra lẻ tẻ (sporadic). Nguyên nhân có thể do rối loạn trong kiểm soát thần kinh giao cảm dinh dưỡng ngoại biên (peripheral trophic sympathetic system), có nghĩa là hệ thần kinh giao cảm phụ trách kiểm soát sự dinh dưỡng của các mô một bên mặt bị rối loạn. Ngoài ra, một số nhà khảo cứu cho rằng bịnh do rối loạn trong hệ miễn nhiễm gây ra, do hệ miễn dịch sản xuất những kháng thể chống lại cơ thể (autoantibodies). Các khảo cứu MRI làm người ta nghĩ đến vai trò của một hình thức viêm óc mản tính (chronic meningoencephalitis), rối loạn dinh dưỡng óc, teo óc (brain atrophy).

Nói tóm lại, đề nghị nhờ bác sĩ nhi khoa và bs chuyên về da và bịnh nhiễm nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ của em, để xem có phải là một bịnh có thể chữa được hay không. Về hội chứng teo nửa mặt, đây là một bịnh rất hiếm, có lẻ chúng ta chưa có đủ cơ sở để định bịnh nhu vậy và lo lắng về bịnh này. Nếu có thêm triệu chứng nào khác (như da trên trán đổi màu, căng thẳng, co rút lại), nếu trong gia đình có trường hợp nào tương tự, lúc đó chúng ta đào sâu hơn vào định bịnh này. Có thể nên khám theo dõi với bs chuyên khoa thần kinh trẻ em và làm MRI đầu nếu cần.Có thể chụp hình em ví dụ một tuần một lần để theo dõi tiến trình. Hiện nay, một số nơi dùng giải phẩu tạo hình để sửa lại khuôn mặt các trẻ bị chứng Parry-Romberg: ghép da, ghép implant, đem da thịt từ những vùng khác của cơ thể.

Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG