Đường dẫn truy cập

California cấm bán vi cá mập


Tỉ phú người Anh Richard Branson (trái) và cầu thủ bóng rổ Yao Ming mở cuộc họp báo, ở Thượng Hải, Trung Quốc, về chiến dịch chống ăn súp vi cá
Tỉ phú người Anh Richard Branson (trái) và cầu thủ bóng rổ Yao Ming mở cuộc họp báo, ở Thượng Hải, Trung Quốc, về chiến dịch chống ăn súp vi cá

Người dân California hết còn có dịp ăn món súp vi cá mập, một đặc sản cao cấp của người Hoa. Thống đốc tiểu bang này vừa ký luật chính thức xem những ai buôn bán hoặc sở hữu vi cá mập là bất hợp pháp. Một số người Hoa tại đây cho rằng luật này bất công và có tính cách kỳ thị.

Món xúp vi cá mập đã có tại Trung Quốc từ mấy trăm năm qua. Món ăn đắt tiền này ngày càng phổ biến vì người Trung Quốc ngày càng có cuộc sống sung túc hơn.

Nhưng các nhà bảo vệ môi trường, giống như bà Sarah Sikich thuộc tổ chức Heal the Bay, cho rằng nhu cầu về vi cá mập đang tàn phá đàn cá này. Bà nói tiếp:

“Mỗi năm có đến 73 triệu cá mập bị giết để lấy vi. Mục tiêu này phổ biến đến độ ngư dân mỗi lần đánh bắt được cá mập, họ chỉ lạn phần vi, thả cá trở lại đại dương để chờ chết.”

Các nhân vật tăm tiếng như cầu thủ bóng rổ gốc Hoa Yao Ming và tỉ phú người Anh Richard Branson kêu gọi người Hoa ngưng ăn xúp vi cá.

Luật Hoa Kỳ buộc tất cả cá mập đưa vào Mỹ phải có vi kèm theo. Bây giờ đến lượt California nối gót 3 tiểu bang khác cấm bán vi cá mập, loại hàng có khi lên đến 700 đôla một kilogram. Bà Sikich cho biết:

“California là nơi nhập khẩu vi cá mập hàng đầu. Tính ra khoảng 85% vi cá mập nhập vào Mỹ đều qua con đường California.“

Nhưng nhiều người Hoa tại California cho rằng luật này cố ý nhắm vào họ, và như vậy luật này có tính cách phân biệt đối xử.

Chẳng những thế, bà Betty Tsang của Hiệp hội các Nhà buôn bán thực phẩm châu Á còn nói rằng luật này gây ra tình trạng lãng phí:

“Bây giờ nếu ngư dân bắt được cá mập, họ phải lạn bớt vi ra để bỏ. Họ phải cho chó ăn hoặc phải quăng lại xuống biển. Đây là chuyện ngược đời.”

Nhiều người khác sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm đánh bắt cá mập nguyên con.

Đó cũng là lời kêu gọi của nhiều nước châu Mỹ Latinh. Họ yêu cầu Liên Hiệp Quốc lập ra khu vực bảo tồn loài cá mập, giúp chấm dứt nạn đánh bắt cá mập để buôn bán.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG