Đường dẫn truy cập

Các vụ tấn công trường học gây sợ hãi ở miền nam Thái Lan


Nhân viên an ninh tại hiện trường sau một vụ tấn công ở tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan.
Nhân viên an ninh tại hiện trường sau một vụ tấn công ở tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan.

Giáo viên và học sinh ở tỉnh Pattani ở miền nam Thái Lan đang sống trong lo sợ sau khi nhiều trường học ở đây bị các phiến quân Hồi giáo nổi lửa đốt cháy hồi cuối tuần trước. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Không ai bị thương trong những vụ phóng hỏa tại 6 ngôi trường công lập ở tỉnh Pattani hồi sáng Chủ nhật vừa qua. Quân nổi dậy đã bắt trói những người tình nguyện làm nhân viên bảo vệ trước khi tưới xăng rồi đốt cháy các ngôi trường.

Các giới chức Thái Lan cho biết họ tin rằng những vụ tấn công này là để đáp lại việc một thủ lãnh của phe đòi ly khai bị hạ sát ở quận Panare trong tỉnh Pattani, cũng như những vụ đột kích nhắm vào nơi ẩn náu của phiến quân mà chính quyền đã bắt giữ một số nghi can và tịch thu các trang thiết bị.

Một nữ giáo viên tên Khun Noi ở trường Benchamama Rachuthit Pattani nói rằng những vụ tấn công đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi.

Bà Noi nói rằng dân chúng cảm thấy sợ hãi sau khi xảy ra những vụ tấn công vì chính quyền đã không ngăn chận được những vụ phá hoại trường học. Nhưng bà nói thêm rằng chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền hồi tháng 5 có thể có khả năng làm cho bạo động chấm dứt.

Phong trào đòi ly khai tại Pattani, Yala và Narathiwat - 3 tỉnh miền nam giáp với Malaysia, với đa số dân chúng là người theo đạo Hồi, đã đã bắt đầu vào đầu năm 2004 và đã gây tử vong cho hơn 5.000 người.

Quân nổi dậy đã thực hiện những vụ đánh bom, nổ súng trên xe chạy ngang, chặt đầu và ám sát nhân viên chính phủ; và những hành động đó được chính quyền đáp lại bằng những vụ giết người mà không thông qua các thủ tục pháp lý. Bạo động cho đến nay vẫn tiếp diễn, tuy đôi bên đã bắt đầu các cuộc thương lượng qua sự trung gian của Malaysia.

Giáo viên các trường công lập đã trở thành mục tiêu tấn công của quân nổi dậy và có mấy mươi người đã bị giết hại.

Ông Sunai Pasuk, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng những vụ đốt trường là một hành động có tính chất tượng trưng để thách thức chính quyền Thái Lan. Ông giải thích thêm như sau.

"Vấn đề không phải là thương lượng với các nhân vật lãnh đạo đang sống lưu vong, mà là làm thế nào để tranh thủ nhân tâm của dân chúng địa phương và hiểu được những sự bất bình của họ. Nhưng rõ ràng là các tướng lãnh cầm quyền không hề hiểu rằng dân chúng muốn có công lý, dân chúng muốn những vụ lạm quyền phải chấm dứt, họ muốn chấm dứt tình trạng phạm tội mà không bị trừng trị. Vấn đề không thể giải quyết bằng cách cung cấp tiền bạc cho người Hồi giáo ở miền nam. Điều đó rõ ràng là không đủ."

Những nỗ lực hòa đàm dưới thời chính phủ trước của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã thất bại – một phần là vì phe nổi dậy có nhiều nhóm khác nhau, không có đội ngũ lãnh đạo thống nhất, và có những sự chia rẽ về phía chính phủ. Quân đội đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck hồi tháng 5 và sau đó đã thực hiện những sự cải thiện trong hoạt động bảo vệ an ninh và một số thay đổi trong phái đoàn tham dự hòa đàm.

Ông Panitan Wattanayagorn, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, cho biết ông lạc quan về cuộc hòa đàm, nhưng các cộng đồng địa phương đang mong chờ những sáng kiến từ phía chính phủ.

"Người dân ở miền nam đang chờ đợi một sáng kiến mới, chứ không phải chỉ có thương thuyết mà thôi, chẳng phải chỉ có những cuộc hành quân an ninh mà thôi. Họ muốn có một giải pháp chính trị: có sự thừa nhận bản sắc của người dân địa phương ở một mức độ cao hơn và phi trung ương hóa ở một mức độ cao hơn. Và một chương trình có thể là một chương trình ân xá cần phải được xét tới để có thể hình thành một sáng kiến mới."

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng bạo động kéo dài nhiều năm đã gây ra nhiều mối căng thẳng trong xã hội ở địa phương, trong đó có vấn đề ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành người duy nhất kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Ngoài ra, còn có vấn đề mua bán ma túy -- trong đó có những hoạt động buôn lậu ma túy mà một số phần tử đòi ly khai thực hiện để kiếm tiền cho các hoạt động chống lại chính quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG