Đường dẫn truy cập

Việt Nam 2017: Một năm nhiều chuyện đáng nhớ


Các nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị Thượng đingr APEC tại Việt Nam.
Các nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị Thượng đingr APEC tại Việt Nam.

1. Đối ngoại 2017, một mảng tươi với vài chấm đen

Tổng Thống Mỹ, Donald Trump và Chủ Tịch Nước Việt Nam, Trần Đại Quang, tại hội nghị APEC, Đà Nẵng.
Tổng Thống Mỹ, Donald Trump và Chủ Tịch Nước Việt Nam, Trần Đại Quang, tại hội nghị APEC, Đà Nẵng.

​Nổi bật nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam năm 2017 là các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam với 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc.

Đầu năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, sau đại hội đảng của Việt Nam. Tương tự, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 11. Hai bên thỏa thuận tăng cường tin cậy, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, duy trì cục diện hòa bình, ổn định.

Gần giữa năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ, gặp tân Tổng thống Donald Trump. Sáu tháng sau, ông Trump thăm Việt Nam. Một cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ nói chuyến thăm của ông Trump “làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ.” Ở Hà Nội, ông Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận mở trên Biển Đông.

Ông Nguyễn Phú Trọng đón Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Phú Trọng đón Tập Cận Bình tại Hà Nội.

Chuyến thăm của hai lãnh đạo Mỹ, Trung diễn ra ngay sau hội nghị APEC, một điểm nhấn khác trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Bất chấp Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác đồng thuận thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bức tranh đối ngoại Việt Nam 2017 hẳn sẽ tươi hơn nếu không có mảng tối là vụ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông này đang xin tị nạn. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng ông Thanh bị truy nã đã “tự thú.” Vụ này làm căng thẳng quan hệ hai nước nhưng dường như đã lắng xuống sau khi ông Thanh bị kết án về tội tham ô vào đầu năm 2018.


2. Các bà mẹ Việt rơi vào vòng lao lý

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Trong năm 2017 Việt Nam gia tăng bắt bớ và xét xử các nhà tranh đấu nhân quyền, với ít nhất 23 nhà hoạt động trong tổng số 53 người bị bắt và kết án vì lên tiếng ôn hòa.

Trong số này có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và nhà tranh đấu Trần Thị Nga (Thúy Nga), là những bà mẹ có con nhỏ, rơi vào vòng lao lý với án tù dài hạn. Mẹ Nấm bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước;” với cùng tội danh, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế.

Bà Trần Thị Nga bị bắt tại Hà Nam ngày 21 tháng Giêng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt tại Hà Nam ngày 21 tháng Giêng.

Vào tháng 10/ 2017, em Nguyễn Bảo Nguyên, còn gọi là Nấm, con gái blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, viết thư cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump, nhờ can thiệp để mẹ con được đoàn tụ. Con gái 11 tuổi của Như Quỳnh nói với VOA rằng “với bức thư này, con hy vọng bà Melania sẽ hiểu được và giúp đưa mẹ về với con. Con và em rất nhớ mẹ. Rất mong bà giúp mẹ có thể trở về với con.”

Trước đó, bà Melania Trump đã vinh danh và trao giải thưởng (khiếm diện) “Phụ nữ Cam đảm Quốc tế’ cho Mẹ Nấm tại Washington D.C.


3. Người Việt ‘gây rúng động’ phi trường quốc tế

Nghi can Đoàn Thị Hương (giữa) ra tòa tại Kuala Lumpur.
Nghi can Đoàn Thị Hương (giữa) ra tòa tại Kuala Lumpur.


Nghi can “vồ” lấy nạn nhân từ phía sau, nhanh chóng ra tay, rồi bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra. Vụ giết hại ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn, ngay giữa thanh thiên bạch nhật ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur đầu năm 2017, với một trong các nữ nghi can là cô Đoàn Thị Hương, nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Cô Hương bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để sát hại ông Kim, dù cô nói mình bị lừa, tưởng tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Nhiều câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp và diễn biến vụ giết người đã được hé lộ phần nào trong phiên tòa vẫn đang tiếp diễn.

Phan Văn Anh Vũ, người "gây rúng động" phi trường tại Singapore. (Photo by VNExpress)
Phan Văn Anh Vũ, người "gây rúng động" phi trường tại Singapore. (Photo by VNExpress)

Một vụ khác xảy ra cuối năm liên quan tới doanh nhân bị Việt Nam truy nã vì tội “tiết lộ bí mật nhà nước”: ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm”. Ông này bị chặn tại phi trường Changi ở Singapore trong khi chuẩn bị tìm đường tới Đức để xin tị nạn. Dù có luật sư ở cả Singapore và Đức tìm cách ngăn không để ông bị đưa về Việt Nam, chính quyền quốc gia Đông Nam Á vẫn trục xuất người được cho là “sĩ quan tình báo của Việt Nam” vì vi phạm luật xuất nhập cảnh. Vụ việc cũng tốn giấy mực của báo chí khắp nơi nhưng hệ lụy của nó như thế nào hiện vẫn chưa rõ.


4. BOT, Đồng Tâm, và làn sóng bất tuân dân sự

Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy.
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy.

Bất bình vì tiền phí vô lý dẫn đến bất tuân dân sự kéo dài của giới tài xế tại nhiều trạm thu phí BOT trong năm qua.

Vụ phản đối đầu tiên nổ ra hồi tháng Tư, 2017 ở Hà Tĩnh, lan tới Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang.

“Chiến thuật” phổ biến nhất là tài xế trả tiền lẻ, gây ùn tắc, buộc một số trạm giảm hoặc miễn phí. Phản ứng này được xem là ôn hòa, thông minh.

“Chiến thắng” nổi bật nhất là đầu tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trạm Cai Lậy tạm dừng thu phí một tháng.

Nhưng đầu năm 2018, có lẽ do e sợ hệ lụy khó lường, chính quyền trở nên cứng rắn. Thủ tướng Phúc chỉ thị xử lý nghiêm những ai lợi dụng cuộc phản đối để “chống phá, làm mất an ninh trật tự, phá hoại chính sách của Đảng, Nhà nước.”

Một cảnh sát cám ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22 tháng Tư, 2017.
Một cảnh sát cám ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22 tháng Tư, 2017.

Gần thời điểm nổ ra phản kháng BOT, nông dân Đồng Tâm, một xã của Hà Nội, cũng đứng lên hồi giữa tháng Tư, chống lại việc cưỡng chế đất bất công.

Người dân nói quân đội “nhập nhèm” để lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài “mục đích quốc phòng.”

Tiếc phần đất canh tác ít ỏi còn lại, người dân chống lực lượng cưỡng chế, bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát trong nhiều ngày, chỉ thả ra sau khi chủ tịch Hà Nội cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự nhân dân Đồng Tâm.

Sau 2 tháng, chính quyền ra quyết định khởi tố điều tra vụ “bắt người trái luật” ở xã. Nhưng do có nhiều phản ứng từ xã hội, chưa có bị can nào bị khởi tố.


5. Người Việt với nguy cơ trục xuất

Từ Campuchia...

Trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)
Trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)


Cuối năm 2017, chính quyền Campuchia do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo ra chiến dịch tước giấy tờ nhắm vào 70.000 người gốc Việt. Trong tuần đầu của tháng 12/2017, hơn 1.700 gia đình gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang bị thu hồi giấy tờ.

Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè Biển Hồ. Một người Việt sống ở khu vực này nói với VOA rằng chiến dịch có thể có “động cơ chính trị” nhằm vận động cho ông Hunsen tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa trước làn sóng đảng đối lập chỉ trích ông “là con rối” của Hà Nội.

Bộ Nội vụ Campuchia nói sẽ không trục xuất người bị tịch thu giấy tờ, nhưng khẳng định nếu muốn tiếp tục lưu trú tại, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân.


… tới Mỹ

Biểu tình phản đối chính sách di dân của Tổng thống Trump ở Bắc California trong năm 2017. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Biểu tình phản đối chính sách di dân của Tổng thống Trump ở Bắc California trong năm 2017. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


2017 cũng đánh dấu âu lo của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với chiến dịch truy quét gắt gao chưa từng có đối với người bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.

Luật sư Khanh Phạm từ văn phòng BPSOS cho VOA Việt Ngữ biết đối tượng bị nhắm đến là người chưa có quốc tịch Mỹ, phạm tội hình sự, từng bị tuyên án, hay người vi phạm luật di trú tới Mỹ bất hợp pháp, lưu trú trái phép sau khi visa du học, du lịch, hay làm việc hết hạn.

Việt-Mỹ vào năm 2008 ký biên bản ghi nhớ trong đó Hà Nội đồng ý nhận người gốc Việt tới Hoa Kỳ sau năm 1995 và có lệnh trục xuất. Trên thực tế, con số Việt Nam đã tiếp nhận không nhiều và tin cho hay Mỹ đang áp lực Việt Nam nhận thêm, kể cả những người tới Mỹ trước năm 1995.


6. Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình năm 1990.
Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình năm 1990.

Từ ngày 21/8 – 27/8/2017, Tòa Trọng tài Quốc tế (ICC) ở Paris xử kín vụ một công dân Hà Lan gốc Việt, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ Việt Nam với cáo buộc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký kết năm 2006.

Ông Bình, người được mệnh danh “Vua Chả Giò”, về Việt Nam đầu tư từ rất sớm, mang theo 2,328,250 đôla và 96 ký vàng. Sau một thời gian thành công, ông lại trở thành một phạm nhân bị cáo buộc tội trốn thuế, bị chính phủ Việt Nam tịch thu toàn bộ tài sản. Trước cáo buộc này, ông Bình “vượt biên” ra khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan. Sau đó, ông kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế năm 2005. Hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa năm 2006, ký kết tại Singapore. Theo thỏa thuận này, ông Bình cho biết, Chính phủ Việt Nam đồng ý bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu của ông trước đây.

Gần 10 năm sau, với cáo buộc Việt Nam vi phạm thỏa thuận vì không trả lại tài sản, tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa ICC lần 2.

Cho tới nay, ICC chưa đưa ra phán quyết chính thức cho vụ kiện này.


7. Chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’

Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh tại tòa Hà Nội.
Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh tại tòa Hà Nội.

Việc ông Đinh La Thăng, ủy viên của Bộ Chính Trị đầy quyền lực, “ngã ngựa” giữa năm 2017 vì các sai phạm thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gây rúng động chính trường.

Nhưng trước đó, sóng gió đã nổi lên, khi ông Trịnh Xuân Thanh, vốn làm dưới quyền của quan chức từng được tung hô là “Đinh Tư lệnh”, bị truy tố “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô” thời còn làm ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam, công ty con của PVN.

Trong khi cựu quan chức này “cao chạy xa bay” sang Đức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ông Thanh “không thoát được”, gây nhiều ngờ vực về khả năng truy bắt nhân vật từng “gặp nạn” từ vụ chiếc xe sang cá nhân mang biển của cơ quan nhà nước trị giá nhiều tỷ đồng. Nhưng ít lâu sau đó, phía Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh ở ngay thủ đô Berlin, rồi đưa về nước, trong khi Hà Nội nói ông ra “đầu thú.” Khi ông Thanh đã “lọt lưới”, sinh mệnh chính trị của ông Thăng cũng đến hồi kết.

Những tình tiết từ vụ Thăng - Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” không khoan nhượng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng quyết tâm của Tổng bí thư kiêm Trưởng ban chống tham nhũng của Việt Nam còn mạnh tới đâu và liệu nó có động cơ chính trị như nhiều nhà phân tích nhận định hay không, thời gian mới có câu trả lời.


8. Nhiều ‘thái tử Đảng’ bị ‘trảm’

Nguyễn Xuân Anh, lúc còn là Bí Thư Đà Nẵng.
Nguyễn Xuân Anh, lúc còn là Bí Thư Đà Nẵng.

Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ xử lý các “thái tử Đảng,” trong đó nổi bật nhất là vụ cách chức Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Nguyễn Xuân Anh, xóa tên đảng viên, bãi tất cả các chức vụ; và vụ hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm đối với Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo.

Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Văn Chi.

Cùng với Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Anh được báo chí ca tụng là một trong hai bí thư tỉnh tiềm năng và trẻ nhất Việt Nam khi trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính trong nhiều sai phạm về mặt Đảng, nhưng dư luận để ý nhất là vụ ông nhận và sử dụng xe hơi và 2 căn nhà do tư doanh biếu.

Ngay sau vụ Nguyễn Xuân Anh là đến “hạt giống đỏ” Nguyễn Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, Lê Phước Thanh, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xóa tên đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm khác.

Lê Phước Hoài Bảo (giữa), được bổ nhiệm giám đốc Sở khi 30 tuổi. Ảnh: Sở Kế hoạch Quảng Nam.
Lê Phước Hoài Bảo (giữa), được bổ nhiệm giám đốc Sở khi 30 tuổi. Ảnh: Sở Kế hoạch Quảng Nam.

Ông Bảo được xem là tỉnh ủy viên trẻ nhất Việt Nam, với quan lộ “thần tốc”, leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, ở tuổi 30.

Ngoài Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo, một số “thái tử Đảng” khác, trong đó có Huỳnh Minh Phong, con trai nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cũng bị chú ý vì “quan lộ thần tốc”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG