Đường dẫn truy cập

Các đồng minh NATO biện hộ việc chi tiêu quân sự giữa chỉ trích của Trump


Một bản của lá thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đòi Na Uy tăng chi tiêu quốc phòng cho NATO, chụp ở Washington, ngày 3 tháng 7, 2018.
Một bản của lá thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đòi Na Uy tăng chi tiêu quốc phòng cho NATO, chụp ở Washington, ngày 3 tháng 7, 2018.

Các đồng minh NATO đang phản bác chỉ trích của Mỹ nói rằng họ chi tiêu chưa đủ cho quốc phòng, trong khi Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép trước một hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này vào tuần sau.

Trong những tuần gần đây trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 7 của NATO tại Brussels, ông Trump đã gửi thư đến Na Uy, các đồng minh Châu Âu khác và Canada yêu cầu họ gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, các đồng minh NATO đã nhất trí vào năm đó là sẽ chấm dứt cắt giảm ngân sách quốc phòng, bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trong khi nền kinh tế của họ tăng trưởng và tiến tới mục tiêu 2 phần trăm GDP cho chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập niên.

Trong một email gửi hôm thứ Ba cho hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói "Na Uy vẫn tán thành quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 và đang có hành động theo sau quyết định này."

Na Uy đã chi "nhiều hơn nhiều" so với mục tiêu của NATO về thiết bị quân sự mới, ông nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hôm thứ Ba nói "chúng tôi vẫn tán thành mục tiêu 2 phần trăm mà chúng tôi đã ấn định." Bà nói thêm "chúng tôi đang trên đường đạt được mục tiêu đó. Và chúng tôi đã sẵn sàng … gánh vác trách nhiệm đáng kể trong liên minh."

Khi nghe ý kiến nói rằng những lời giải thích của Đức về việc không chi tiêu 2 phần trăm GDP có thể vẫn không gây ấn tượng với ông Trump, bà vặn lại: "Chúng tôi không muốn gây ấn tượng với bất cứ ai."

Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới là cuộc họp quan trọng đầu tiên kể từ các cuộc họp G7 đầy những bất đồng ở Canada vào tháng trước. Các quan chức NATO lo ngại những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về vấn đề thuế quan thương mại và việc Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm suy yếu sự thống nhất liên minh.

Trong thư gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, đề ngày 19 tháng 6, ông Trump viết rằng dù đất nước của bà đóng vai trò quan trọng trong liên minh, song Na Uy "vẫn là đồng minh NATO duy nhất có chung đường biên giới với Nga mà vẫn không có một kế hoạch khả tín để chi tiêu 2 phần trăm tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng."

Lập trường này được nhắc lại trong một lá thư tương tự gửi cho Bỉ, trong đó ông Trump nói rằng "sẽ ngày càng khó biện minh với người dân Mỹ là tại sao một số nước tiếp tục không đáp ứng các cam kết an ninh tập thể của chúng ta."

Năm ngoái, ông Trump đã phê phán gay gắt các đối tác NATO của Mỹ, công khai chỉ trích họ vì chi tiêu chưa đủ và tuyên bố họ nợ tiền của Mỹ. Khi ông mới nhận nhiệm sở, ông thậm chí còn gợi ý rằng Mỹ - tới giờ là đồng minh hùng mạnh nhất của NATO - có thể không phòng vệ cho các quốc gia không làm tròn nghĩa vụ của họ.

Bất chấp những luận điệu chính trị từ chính quyền Trump, con số 2 phần trăm không liên quan đến chi tiêu cho NATO và không nước nào nợ liên minh hay bất kì đồng minh nào bất kì khoản tiền nào.

Mỹ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với tất cả các nước khác cộng lại — 3,61 phần trăm GDP trong năm 2016, hoặc khoảng 664 tỉ đôla.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG