Đường dẫn truy cập

Bộ Tư pháp Mỹ: Hoạt động của cảnh sát Baltimore vi phạm Hiến pháp


Bà Vanita Gupta (giữa), người đứng đầu bộ phận Dân quyền của Sở Tư pháp, thảo luận về những phát hiện khi điều tra Sở cảnh sát Baltimore.
Bà Vanita Gupta (giữa), người đứng đầu bộ phận Dân quyền của Sở Tư pháp, thảo luận về những phát hiện khi điều tra Sở cảnh sát Baltimore.

Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng sở cảnh sát của thành phố Baltimore thuộc bang Maryland đã vi phạm Hiến pháp và luật chống kỳ thị của liên bang bằng việc thực hiện một cách có hệ thống những vụ chặn xe, lục soát, bắt giữ bất hợp pháp và sử dụng vũ lực thái quá, đặc biệt là đối với nhóm dân người Mỹ gốc Phi của thành phố.

Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch phát biểu hôm thứ Tư: "Niềm tin của công chúng rất quan trọng đối với hoạt động cảnh sát hữu hiệu và an toàn công cộng. Kết quả cuộc điều tra khơi lên những mối lo ngại nghiêm trọng, và trong những ngày tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để bảo đảm rằng tất cả cư dân Baltimore đều được thụ hưởng sự an toàn, an ninh, tôn trọng mà họ mong muốn và xứng đáng có được."

Phúc trình phát hiện những tập tục của Sở Cảnh sát Baltimore kéo lê nhiều vấn đề bắt nguồn từ sự nghèo khó và chủng tộc, tập trung hoạt động chấp pháp nhắm vào những cộng đồng thiểu số có thu nhập thấp một cách không cần thiết và không hiệu quả.

Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake nói với báo giới hôm thứ Tư tại một cuộc họp báo: "Những kết luận này khó nghe, nhưng để tôi nói cho rõ, tôi không bao giờ tô hồng các vấn đề chúng ta đang gặp phải hoặc trốn tránh những thách thức cấp bách nhất của chúng ta. Báo cáo xác định những vấn đề cụ thể trong sở cảnh sát, nhưng tính minh bạch của báo cáo này cung cấp một nền tảng quan trọng nếu chúng ta tiến về phía trước."

Các nhà điều tra đã phỏng vấn những lãnh đạo thành phố hiện nhiệm và tiền nhiệm, cảnh sát trưởng và cảnh sát viên, người dân và các tổ chức trong cộng đồng. Họ cũng đi theo các cảnh sát viên trong giờ thi hành nhiệm vụ và xem lại hàng trăm ngàn trang tài liệu.

Cuộc điều tra của của Bộ Tư pháp được tiến hành sau cái chết gây bão công luận của Freddie Gray, người Mỹ gốc Phi 25 tuổi, tử vong vì chấn thương cột sống trong khi bị cảnh sát câu lưu. Cái chết của Gray khơi lên những lo ngại tiếp diễn về hoạt động cảnh sát ở Baltimore. Thành phố 620.000 dân này có số vụ giết người tăng cao kỷ lục vào năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra di sản kéo dài từ nhiều năm qua của sở cảnh sát trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 ưu tiên cho cảnh sát thực hiện số lượng lớn những vụ chặn xe, lục soát và bắt giữ. Báo cáo nói rằng những người quản lý hiện thời bắt đầu sự nghiệp của mình trong thời kỳ đó vẫn tập trung vào những con số này để đo lường thành tích.

VOA Express

XS
SM
MD
LG