Tiếp nối làn sóng biểu tình tại hội nghị APEC 2023, hôm 15/11 các nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến trung tâm thành phố San Francisco để phản đối phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đang tham gia sự kiện này, yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện đời sống người dân, tuân thủ các cam kết quốc tế, mở rộng dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Ông Lê Trung Khương, một thành viên trong ban tổ chức cuộc tuần hành, nói với VOA:
“Chúng tôi tổ chức biểu tình để phản đối sự hiện diện của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước và phái đoàn của ông, là những kẻ cầm quyền đã đưa dân tộc đến chỗ nghèo nàn, lạc hậu và nền đạo đức bị suy đồi.
“Họ đã nhốt khoảng 243 nhà bất đồng chính kiến và đấu tranh cho dân chủ, đẩy những nhà đấu tranh đến chỗ suy sụp tinh thần, dân oan bị cộng sản cướp đoạt đất đai, cũng như các hình thức tra tấn và bắt bớ người dân với những tội rất bất công”.
Những người biểu tình tụ tập tại khu bảo tàng Sáng tạo cho Thiếu nhi Yerba Buena và tuần hành đến trước trung tâm hội nghị Moscone West, nơi tổ chức Hội nghị APEC 2023, lúc 13 giờ (giờ địa phương) và hô vang các khẩu hiệu phản đối phái đoàn ông Thưởng. “Đả đảo Cộng sản Việt Nam”, “Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, người biểu tình đồng thanh hô lớn, trang Facebook của Việt Tân tường thuật trực tiếp.
Ông Khương cho VOA biết có khoảng 200 người gốc Việt tham gia biểu tình chiều ngày 15/11.
Ông Nguyễn Viết Nhân, một người dân ở Stockton, bang California, tham gia biểu tình, chia sẻ:
“Dự APEC và kêu gọi đầu tư là chuyện đương nhiên, nhưng đối với Việt Nam hiện tại, sự tự do và dân chủ của người dân trong nước không có, nên tôi tham dự cuộc biểu tình với mục tiêu phản đối chính quyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục đàn áp người dân.
“Cá nhân tôi và chắc chắn cũng như người dân Việt Nam mong muốn rằng sẽ có thay đổi nhiều hơn về tự do dân chủ. Đó vừa là nguyện vọng, vừa là xu hướng của thế giới ngày hôm nay: một đất nước có tự do, dân chủ thì mới phát triển được”.
Từ hôm 12/11, nhiều nhóm biểu tình khác nhau đã có mặt ở trung tâm San Francisco, phản đối Hội nghị thượng đỉnh thương mại toàn cầu, nơi sẽ có mặt Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ gần 20 quốc gia. Những người biểu tình phản đối doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc tồi tàn và cuộc chiến Israel-Hamas, theo AP.
Trước đó, các cộng đồng gốc Việt đã phát đi lời kêu gọi biểu tình chốn phái đoàn của Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng dẫn đầu.
“Trong khi mục tiêu của APEC là gia tăng phúc lợi cho mọi người và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong khu vực, chúng tôi khẳng định rằng nhân quyền vẫn là yếu tố cốt lõi của phúc lợi đó”, lời kêu gọi viết.
Thay mặt cộng đồng người Mỹ gốc Việt Bắc California, ông Jimmy Phan nói trong một lời kêu gọi: “Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không phải là đối tác đáng tin cậy. Chúng là những kẻ ăn bám và đâm sau lưng, bằng chứng là qua những hành vi khúm núm gần đây của chúng đối với Trung Cộng và Nga, ngay sau khi được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Lợi ích của chúng hoàn toàn mang tính tư lợi và gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ”.
VOA đã liên lạc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Đại sứ quán Việt Nma tại Hoa Kỳ, và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu cho ý kiến về cuộc biểu tình này, nhưng chưa được phản hồi.
Ban tổ chức cho biết các mạnh thường quân gốc Việt hỗ trợ nhiều chuyến xe buýt đưa đồng hương từ Nam California đến Bắc California để tham gia cuộc biểu tình này.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 15/11 cho biết sáng ngày 14/11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay Quốc tế San Francisco.
Theo chương trình, trong khuôn khổ các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, ông Thưởng sẽ cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực; đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, ông Thưởng cũng sẽ kết hợp thực hiện các hoạt động song phương tại Mỹ.
Dự kiến trong chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit); tham dự các buổi đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với đối tác, khách mời; dự Hội nghị Cấp cao Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vẫn theo TTXVN, dự kiến ông Thưởng sẽ có các buổi tiếp xúc các nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ; tham dự và phát biểu, trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR); dự Bàn tròn kết nối doanh nghiệp, địa phương về công nghệ cao, gặp gỡ lãnh đạo một số công ty và tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ.
Các ưu tiên của Diễn đàn năm nay do nước chủ nhà Hoa Kỳ chọn là “Kết nối, Sáng tạo và Bao trùm”, với chủ đề cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 là “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”.
Phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC hôm 14/11, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC gồm: tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC, theo truyền thông trong nước.
APEC, một diễn đàn kinh tế khu vực, được thành lập năm 1989 và có 21 quốc gia thành viên, trong đó có hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, cũng như Mexico, Brazil và Philippines.
Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào 2006 và 2017.
Diễn đàn