Đường dẫn truy cập

TT Biden cho Intel hưởng tài trợ và vay 19,5 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip ở Mỹ


Tổng thống Mỹ Joe Biden và CEO của Intel Pat Gelsinger (trái) thăm cơ sở Intel Ocotillo, bang Arizona, 20/3/2024 (REUTERS/Kevin Lamarque).
Tổng thống Mỹ Joe Biden và CEO của Intel Pat Gelsinger (trái) thăm cơ sở Intel Ocotillo, bang Arizona, 20/3/2024 (REUTERS/Kevin Lamarque).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp cho Intel gần 20 tỷ đô la gồm các khoản tài trợ và cho vay hôm thứ Tư 20/3, thể hiện khoản chi lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ nhằm trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip tiên tiến và tăng mạnh sản lượng chip bán dẫn trong nước của hãng Intel.

Ông Biden công bố thỏa thuận sơ bộ về khoản tài trợ 8,5 tỷ đô la và khoản vay lên tới 11 tỷ đô la dành cho Intel ở bang Arizona. Một phần số tiền sẽ được dùng để xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện có.

Ông phát biểu rằng đại dịch đã góp phần gây ra tình trạng thiếu hàng bán dẫn trầm trọng, buộc các nhà máy phải đóng cửa và giá cả tăng cao, và kể từ đó ông quyết tâm đầu tư cho nước Mỹ.

Hôm 19/3, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo gọi đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất hàng bán dẫn của Hoa Kỳ. Bà nói rằng chính quyền của ông Biden hy vọng sẽ tăng thị phần sản xuất chip tiên tiến của Hoa Kỳ từ 0% lên 20% vào năm 2030 thông qua chương trình trợ cấp.

Khoản chi lịch sử này cho thấy chính quyền Biden đang đặt cược lớn vào Intel trong khuôn khổ Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước với khoản tài trợ 52,7 tỷ đô la.

Việc này cũng có thể giúp ông Biden lại giành chiến thắng ở Arizona trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đảng Dân chủ đã thắng với tỉ lệ sít sao ở bang dao động miền Tây Nam này hồi năm 2020. Trong cảm nhận của cử tri hiện nay, ông Biden bị xem là không bằng ông Trump về khả năng quản lý nền kinh tế Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, mục tiêu của Đạo luật CHIPS là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan, vì năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ so với toàn cầu đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020.

Khoản tiền cấp cho Intel là khoản được công bố mới nhất trong một loạt các thông báo về trợ cấp.

Dự kiến cũng sẽ có các khoản tài trợ dành cho Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan được công bố trong những tuần tới.

Bộ Thương mại Mỹ đang và sẽ chi 28 tỷ đô la là các khoản trợ cấp của chính phủ cho hoạt động sản xuất chip tiên tiến - mặc dù bộ nhận được các đơn xin trợ cấp lên đến hơn 70 tỷ đô la - và họ cũng có thẩm quyền cho vay 75 tỷ đô la.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG