Đường dẫn truy cập

Bầu cử Iran: Thắng lợi của phe bảo thủ không đe dọa đến thỏa thuận hạt nhân, thương mại


Những người phụ nữ Iran xếp hàng tại một trạm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội và Hội đồng Chuyên gia ở Qom, 125 km (78 dặm) về phía nam thủ đô Tehran, Iran, thứ Sáu ngày 26/2/2016.
Những người phụ nữ Iran xếp hàng tại một trạm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội và Hội đồng Chuyên gia ở Qom, 125 km (78 dặm) về phía nam thủ đô Tehran, Iran, thứ Sáu ngày 26/2/2016.

Giờ bỏ phiếu tại Iran đã được kéo dài ngày thứ Sáu để bầu ra một quốc hội mới và Tập thể Chuyên gia, trắc nghiệm công luận đầu tiên kể từ khi Iran ký một thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Việc kiểm tra kỹ lưỡng các ứng viên của các giới hữu trách tôn giáo có nghĩa là các thành phần cải cách có phần chắc sẽ không thực hiện thắng lợi mà Tổng thống Hassan Rouhani đã hy vọng. Vậy, số phận của thỏa thuận hạt nhân, và các nỗ lực của tổng thống mở cửa nền kinh tế sẽ ra sao?

Một truyền thuyết mô tả ông Rouhani là một người mang viễn kiến lẻ loi, cấp tiến đối lại với các giáo sĩ theo chủ trương cứng rắn chống đối cả thỏa thuận lẫn việc mở cửa nền kinh tế. Nhưng sự thực, theo ông Alizera Nader, một chuyên gia phân tích chính sách quốc tế tại Công ty Rand, tỏ ra bớt bi quan hơn.

Ông Nader nói, “Trước hết, tôi nghĩ điều quan trọng phải ghi nhớ là ông Rouhani không phải là một nhà cải cách. Ông chưa hề tự gọi mình là một nhà cải cách.”

Thực vậy, năm 1999, ông Rouhani đã có một lập trường cứng rắn chống lại sinh viên biểu tình. Một năm sau, khi cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright đề nghị mở một chương mới trong bang giao của Hoa Kỳ với Iran, ông Rouhani đã gọi phát biểu của bà là “ghê tởm và không thể chấp nhận được.”

Ông Nader nói, “Trong 2 năm rưỡi ông Rouhani làm tổng thống, ông ấy chưa thi hành được một cải cách quan trọng nào ở Iran, hoặc thậm chí các cải cách nhỏ bé nữa. Đó là vì hoặc ông ấy không có thiện chí hoặc không có khả năng.”

Thỏa thuận hạt nhân không bị đe dọa

Một số bản tin đã gây nghi ngờ về tương lai của thỏa thuận hạt nhân, lo ngại rằng các thành phần cứng rắn có thể tìm cách phá hoại.

Ông Patrick Clawson, giám đốc nghiên cứu tại Học Viện Washington về Chính sách Cận đông, có nhận xét: “Điều đó thực sự không xảy ra ở đây. Thỏa thuận hạt nhân tiêu biểu cho một điểm lợi đối với Iran bởi vì Iran được nới lỏng chế tài phần nào và đổi lại được tiếp cận với nhiều tiền.”

Một số người lập luận rằng ông Rouhani sẽ không bao giờ có được thỏa thuận hạt nhân nếu như Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khameini thực sự chống lại thỏa thuận đó.

Ông Mehrzad Boroujerdi, giáo sư và là khoa trưởng phân khoa khoa học chính trị tại trường Công dân và Công vụ Maxwell của trường Đại học Syracuse, nói: “Ông Rouhani và các bộ trưởng của ông đã tìm cách thuyết phục Lãnh tụ Tối cao và nói, hãy nhìn xem: các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm tê liệt nền kinh tế, và nếu quý vị lo cho sự vững mạnh của chế độ, thì suy cho cùng đây là viên thuốc quý vị cần nuốt”.

Hơn nữa, ông nói ông Khamenei đã tham gia nhiều vào quá trình đàm phán.

"Ông đặt ra các lằn ranh đỏ cho các nhóm đàm phán. Vì vậy, giờ đây ông thực sự không thể chối từ thỏa thuận hạt nhân”,ông nói.

Vệ binh Cách mạng cũng sẽ được lợi nhiều

Nhưng theo ông Boroujerdi, nhà Lãnh đạo Tối cao không phải là thế lực duy nhất ở Iran. Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) mạnh đến mức các học giả thường tranh luận xem ai thực sự nắm quyền ở Tehran.

Được cựu Lãnh tụ tối cao thành lập năm 1979, nhiệm vụ của IRGC là bảo vệ Iran khỏi các mối đe dọa nội bộ và bên ngoài. Để đổi lại sự ủng hộ của họ, họ được nhận các hợp đồng kinh doanh béo bở và các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Ngày nay chính một trong những thành viên sáng lập ra IRGC gọi lực lượng này là một hỗn hợp gồm "Đảng Cộng sản, KGB, một khu kinh doanh và mafia".

Họ có một phần to lớn trong các chương trình hạt nhân và vũ khí của Iran, nhưng các nhà phân tích nói ít có khả năng họ sẽ chống lại thỏa thuận hạt nhân. Ít nhất một nhà quan sát cho rằng IRGC có thể đã tích cực tìm cách đạt thỏa thuận và hỗ trợ cuộc đàm phán bí mật năm 2012 giữa Mỹ và Iran ở Oman.

IRGC kiểm soát một phần lớn nền kinh tế - từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đến nông nghiệp, khai thác mỏ, vận tải, viễn thông, ngân hàng và nhiều hơn nữa. Người ta cũng tin là họ cũng điều hành hoạt động buôn lậu và mậu dịch chợ đen nhộn nhịp đã phát triển mạnh mẽ cho dù có lệnh trừng phạt.

"IRGC đang lo lắng rằng ông Rouhani muốn mở cửa Iran về kinh tế cũng như chính trị và văn hóa. Và các vệ binh đã tích lũy được nhiều sức mạnh kinh tế đến mức một số các hoạt động độc quyền mà họ đã thiết lập đối với nền kinh tế có thể sẽ bị hủy hoại nếu Iran mở cửa với phương Tây", ông Nader Rand nói.

Nhưng ông Boroujerdi cười về ý nghĩ đó.

"Những người đó ngồi đắc chí và họ sẽ hưởng lợi cho dù nền kinh tế của Iran đóng cửa hay mở cửa. Nói cách khác, nếu nó đóng cửa, việc buôn lậu cho phép họ kiếm lời", ông nói. "Và nếu nó mở cửa, những người đó sẽ ăn vận những bộ comple và sẽ là những người đầu tiên ngồi đàm phán với quý vị".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG