Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên đẩy nhanh nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, phi đạn


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ra chỉ thị trong một cuộc thị sát vào tháng 8/2014. Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ, chống lại một cuộc xâm lăng mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ra chỉ thị trong một cuộc thị sát vào tháng 8/2014. Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ, chống lại một cuộc xâm lăng mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.

Trong thời gian qua Hàn Quốc đã ra sức tăng cường vị thế trên trường ngoại giao, trong lúc Bắc Triều Tiên có những hành động khiêu khích làm cho căng thẳng trong vùng Đông Bắc Á leo thang. Thông tín viên đài VOA Brian Padden gởi về bài tường thuật từ Seoul.

Bắc Triều Tiên dường như đang gia tăng các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo, và điều này có thể làm cho chế độ Kim Jong Un bị cộng đồng quốc tế chế tài nhiều hơn nữa.

Thông tấn xã KCNA do nhà nước Bắc Triều Tiên kiểm soát ngày hôm nay cho biết khu liên hợp hạt nhân chính Yongbyon của nước này đang hoạt động hết công suất.

Lò phản ứng này đã ngưng hoạt động vào năm 2007. Tuy nhiên, tiếp theo cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 của BắcTriều Tiên vào năm 2013, Bình Nhưỡng cho biết sẽ cho cơ sở này bắt đầu hoạt động trở lại.

Một số nhà phân tích quân sự, khi nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh của khu liên hợp vào tháng Giêng năm nay cho rằng lò phản ứng chế tạo nguyên liệu bom hạt nhân đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên cho đến nay chưa có bất cứ sự xác nhận chính thức nào cả.

Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia của Bắc Triều Tiên ngày hôm qua cho biết họ đang chuẩn bị để phóng một vệ tinh có thể sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Thông tấn xã KCNA cho biết “Thế giới sẽ thấy rõ ràng một loạt các vệ tinh của BắcTriều Tiên bay trên bầu trời vào thời gian và địa điểm do Uỷ ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên ấn định.”

Các nhà phân tích bên ngoài đồn đoán là Bắc Triều Tiên đã có kế hoạch phóng hỏa tiễn tầm xa, có thể vào tháng 10 năm nay, để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng đương quyền.

Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng những vụ phóng thử nghiệm như vậy có tính cánh hòa bình, không có mục đích quân sự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh nói những vụ phóng này chính yếu là nhằm phát triển công nghệ phi đạn đạn đạo tầm xa, là những công nghệ đã bị những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm đoán.

Loan báo về việc tinh chế hạt nhân và phóng rốckết được đưa ra vài tuần lễ sau khi một biến cố tại biên giới làm cho Nam và Bắc Triều Tiên suýt xảy ra một cuộc xung đột quân sự qui ước.

Liên hợp hạt nhân chính Yongbyon
Liên hợp hạt nhân chính Yongbyon

Những cuộc họp khẩn ở cấp cao đã giải quyết vụ đối đầu và cả hai miền đều hứa tổ chức xum họp cho các gia đình bị chia cách kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên phân chia bán đảo này vào năm 1950. Họ cũng đồng ý tiến hành những cuộc thảo luận thêm nữa để giảm bớt căng thẳng trong vùng.

Theo nhà phân tích về Triều Tiên Daniel Pinkston của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột thuộc Trường đại học Babes-Bolyai ở Romania, Hàn Quốc đã có lợi thế đáng kể về những vũ khí qui ước hiện đại so với kho vũ khí thời chiến tranh lạnh của miền Bắc.

"Tôi nghĩ ở một thời điểm nào đó, Bắc Triều Tiên đã nhận thức được điểm yếu của họ trong tương quan chiến lược này và đang tìm cách thoát ra khỏi thế yếu."

Bắc Triều Tiên vẫn cho rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ, chống lại một cuộc xâm lăng mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.

Tuy nhiên, những hoạt động phát triển mới về hạt nhân và phóng phi đạn có thể gây nên những chế tài quốc tế mới, làm tăng sự xa cách giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng và phá hoại những nỗ lực giao tiếp liên Triều mới đây.

Khiêu khích của miền Bắc, ngoại giao của miền Nam

Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tại Bắc Kinh.
Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tại Bắc Kinh.

Trong khi lãnh tụ Kim Jong Un làm cho Bắc Triều Tiên tiếp tục bị cô lập và giữ nguyên lập trường ương ngạnh về hạt nhân và phi đạn, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye càng ngày càng trở thành một sức mạnh có lợi cho sự ổn định và những mối bang giao trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc, đồng minh chính của BắcTriều Tiên.

Tổng thống Park đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, gần đây nhất là đến Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Ông Kim Jong Un đã vắng mặt trong sự kiện này và chưa hề gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Là đồng minh chính của Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc bị một số người chỉ trích vì đã tham dự cuộc duyệt binh của Trung Quốc. Một số người cho rằng việc này chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Seoul. Tuy nhiên nhà phân tích Robert Kelly, phó giáo sư tại Trường đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc nói chính Tổng thống Park đã kéo Chủ tịch Tập Cận Bình gần hơn qua nỗ lực ngoại giao cá nhân và gia tăng các quan hệ kinh tế.

"Bà có mặt tại đó nói chuyện với ông Tập để cố xây dựng mối quan hệ và trong lâu dài là từ từ kéo Trung Quốc cách xa Bắc Triều Tiên. Đây là một hành động rất khôn khéo. Theo quan điểm của tôi, đây là điều tốt nhất bà làm trong nhiệm kỳ tổng thống này.”

Tổng thống Park tháng tới sẽ đến thăm Washington để khẳng định liên minh quân sự mạnh mẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Pinkston nói Washington và Seoul đang làm việc để đi đến cùng mục tiêu, thống nhất trong hòa bình một nước Triều Tiên dân chủ. Tuy nhiên các giới chức Mỹ vẫn còn lo ngại về những dấu hiệu củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, như là việc bà Park tham dự cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh.

“Chắc chắn việc này làm một số người tại Washington không thoải mái, hay nghi ngờ, về ý đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên đối với bà Park thì vị thế của bà hoàn toàn khác biệt.”

Mới đây Tổng thống Park cũng cho thấy ý muốn giảm bớt căng thẳng với Nhật Bản về những vấn đề lịch sử.

Tổng thống Hàn Quốc đã từ chối gặp Thủ tướng Shinzo Abe cho tới khi nào nhà lãnh đạo Nhật trực tiếp xin lỗi về việc hàng trăm ngàn phụ nữ châu Á bị quân đội Nhật Bản buộc làm điếm hay còn gọi là “an ủi phụ” trong thời kỳ chiến tranh.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, bà Park nói bà chấp nhận lời hứa của ông Abe ghi nhận những lời xin lỗi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong quá khứ, trong đó có Tuyên bố Kono năm 1993 đưa ra lời xin lỗi và hối tiếc đối với các an ủi phụ.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu lập kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay. Đó sẽ là cuộc họp thượng đỉnh ba bên đầu tiên kể từ năm 2012.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG