Đường dẫn truy cập

Ấn Độ yêu cầu Canada rút 41 nhà ngoại giao về nước


Cộng đồng người Sikh tại Pakistan biểu tình tại Lahore ngày 20/9/2023, phản đối vụ sát hại lãnh tụ người Sikh tại Canada Hardeep Singh Nijjar.
Cộng đồng người Sikh tại Pakistan biểu tình tại Lahore ngày 20/9/2023, phản đối vụ sát hại lãnh tụ người Sikh tại Canada Hardeep Singh Nijjar.

Ấn Độ yêu cầu Canada rút 41 trong số 62 nhà ngoại giao của họ tại Ấn về nước, một quan chức quen thuộc với vấn đề cho biết ngày 3/10, làm gia tăng cuộc đối đầu giữa hai nước về những cáo buộc của Canada rằng Ấn Độ có thể liên quan đến vụ sát hại một nhà lãnh đạo ly khai người Sikh ở ngoại ô Vancouver.

Quan chức này, người đã xác nhận một bản tin trước đó của tờ Financial Times, đã nói với điều kiện giấu tên vì không được phép phát biểu công khai.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận, nhưng người phát ngôn của Bộ, Arindam Bagchi, trước đó đã kêu gọi giảm số lượng các nhà ngoại giao Canada ở Ấn Độ, nói rằng họ đông hơn số lượng nhân sự của Ấn Độ ở Canada.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tháng trước cho biết có “những cáo buộc đáng tin cậy” về sự liên quan của Ấn Độ trong vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar, một lãnh tụ người Sikh 45 tuổi, người đã bị các tay súng đeo mặt nạ giết chết vào tháng 6 năm nay ở Surrey, ngoại ô Vancouver. Trong nhiều năm, Ấn Độ nói ông Nijjar, một công dân Canada sinh ra ở Ấn Độ, có liên quan đến khủng bố, một cáo buộc mà ông Nijjar phủ nhận.

Việc dàn xếp vụ sát hại một công dân Canada ở Canada, nơi có gần 2 triệu người gốc Ấn sinh sống, nếu đúng như vậy, sẽ là chuyện chưa từng có trước nay.

Hôm 3/10, ông Trudeau không xác nhận số lượng các nhà ngoại giao được yêu cầu rời đi nhưng cho biết Canada sẽ không trả đũa.

“Rõ ràng, hiện tại chúng ta đang trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn với Ấn Độ, nhưng đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với chúng ta là phải có các nhà ngoại giao tại hiện trường làm việc với chính phủ Ấn Độ và ở đó để hỗ trợ người dân Canada và các gia đình Canada,” ông Trudeau nói. “Chúng tôi cực kỳ coi trọng vấn đề này nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác một cách có trách nhiệm và mang tính xây dựng với chính phủ Ấn Độ.”

Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho biết bà đang liên lạc với chính phủ Ấn Độ.

Bà Joly nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giao tiếp một cách riêng tư vì chúng tôi nghĩ rằng các cuộc trò chuyện ngoại giao sẽ tốt nhất khi chúng vẫn có tính cách riêng tư”.

Ấn Độ nhiều năm qua đã cáo buộc Canada cho phép các phần tử ly khai Sikh lộng hành, bao gồm cả ông Nijjar.

Ấn Độ cũng đã hủy visa cho người Canada. Canada đã không trả đũa vì điều đó. Ấn Độ trước đó đã trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Canada sau khi Canada trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Ấn Độ.

Ông Trudeau trước đó cũng tỏ ra cố gắng xoa dịu xung đột ngoại giao, nói với các phóng viên rằng Canada “không có ý định khiêu khích hay leo thang”.

Cáo buộc về sự liên quan của Ấn Độ trong vụ giết người một phần dựa trên việc giám sát các nhà ngoại giao Ấn Độ ở Canada, bao gồm cả thông tin tình báo do một đồng minh lớn cung cấp, một quan chức Canada trước đây cho AP biết.

Quan chức này nói rằng các thông tin liên lạc dính líu tới các quan chức và các nhà ngoại giao Ấn Độ ở Canada và một số thông tin tình báo được cung cấp bởi một thành viên của liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ Nhãn”, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc và New Zealand, cộng thêm Canada. Quan chức này nói với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận vấn đề này một cách công khai.

Những vụ trục xuất mới nhất của Ấn Độ đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Ông Trudeau đã có cuộc gặp gỡ tẻ nhạt với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp G20 vào tháng trước ở New Delhi, và vài ngày sau, Canada đã hủy bỏ phái đoàn thương mại tới Ấn Độ dự kiến vào mùa thu.

Ông Daniel Béland, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học McGill ở Montreal, nói: “Đây là một màn giương oai diễu võ rõ ràng của chính phủ Modi, người không ngại leo thang cuộc khủng hoảng ngoại giao này”. “Đó là một động thái mạnh mẽ làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của cơ quan ngoại giao Canada ở Ấn Độ.”

Ông Béland cho biết điều này sẽ gây tổn hại cho nhiều công dân Ấn Độ, bao gồm cả sinh viên nước ngoài và người lao động tạm thời cần visa Canada.

Ông nói: “Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao này.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Ấn Độ vào tuần trước trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Ottawa. Một quan chức Mỹ cho biết chủ đề này đã được nêu ra.

Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng hậu quả từ các cáo buộc có thể có tác động sâu sắc đến quan hệ với Ấn Độ, nhưng đã cẩn thận để không đổ lỗi cho vụ sát hại ông Nijjar.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên khi được hỏi về vụ việc và về việc Ấn Độ trục xuất 41 nhà ngoại giao Canada: “Chúng tôi đã, đang và sẽ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc này”.

“Điều quan trọng là cuộc điều tra của Canada được tiến hành và thủ phạm phải được đưa ra công lý. Chúng tôi đã, một cách công khai lẫn riêng tư, kêu gọi Ấn Độ hợp tác. Chúng tôi nghiêm túc xem xét những cáo buộc này.”

Cô Maitreyi Bhatt, một công dân Ấn Độ 27 tuổi ở Toronto có bạn đời là người Canada và cần visa, đã hủy đám cưới dự kiến diễn ra ở Ấn Độ vào cuối tháng 10, khi người bạn đời gặp gia đình cô lần đầu tiên. Cô Bhatt nói, số tiền đặt cọc bị mất và các chuyến bay không hoàn lại là một đòn giáng mạnh nhưng “chẳng là gì so với sự hỗn loạn về tinh thần và cảm xúc”.

Cô nói: “Với tình hình đang ngày càng gia tăng, tôi không thấy họ sẽ sớm đưa ra giải pháp cho vấn đề này.” “Thật là kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một phần của chuyện này, nhưng thật đáng buồn là tôi lại như vậy.”

Ông Nijjar, một thợ sửa ống nước, cũng là người đi đầu trong phong trào mạnh mẽ một thời nhằm tạo ra một quê hương độc lập của người Sikh, được gọi là Khalistan. Một cuộc nổi dậy đẫm máu của người Sikh kéo dài hàng thập niên đã làm rung chuyển miền bắc Ấn Độ vào những năm 1970 và 1980, cho đến khi nó bị dập tắt trong một cuộc đàn áp của chính phủ khiến hàng nghìn người thiệt mạng, trong đó có các nhà lãnh đạo nổi tiếng của người Sikh.

Phong trào Khalistan đã mất phần lớn quyền lực chính trị nhưng vẫn có những người ủng hộ ở bang Punjab của Ấn Độ, cũng như cộng đồng người Sikh hải ngoại khá lớn. Trong khi cuộc nổi dậy sôi nổi đã kết thúc nhiều năm trước, chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần cảnh báo rằng những phần tử ly khai người Sikh đang cố gắng quay trở lại.

Ông Nelson Wiseman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, cho biết hành động của Ấn Độ “phù hợp với các báo cáo quốc tế về việc suy giảm quyền tự do báo chí” ở nước này.

Ông Wiseman nói: “Giống như chính phủ Trung Quốc, chính phủ Modi cho rằng họ đang ở vị thế mạnh mẽ hơn trước đây để thể hiện sức mạnh của mình trên trường quốc tế”.

Ông Wiseman cũng nói rằng nếu số lượng du học sinh từ Ấn Độ giảm đáng kể, các trường đại học Canada có thể bị tổn thất, mất mát nguồn thu học phí.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG