Đường dẫn truy cập

Ai Cập, Ukraine nằm trong số 5 nước được bầu vào Hội đồng Bảo an


Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu để thông qua Nghị quyết tại trụ sở LHQ ở New York, ngày 20/7/2015.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu để thông qua Nghị quyết tại trụ sở LHQ ở New York, ngày 20/7/2015.

Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm đã bầu chọn năm nước vào Hội đồng Bảo an cho nhiệm kỳ hai năm. Nhật Bản, Ai Cập, Ukraine, Senegal và Uruguay sẽ tham gia cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc vào ngày 1 tháng 1 năm 2016.

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gây ít hào hứng vì các nhóm khu vực đã quyết định với nhau chọn nước nào làm ứng cử viên và không có sự cạnh tranh cho năm ghế thành viên này.

Nhưng mỗi nước vẫn cần có được sự ủng hộ của đa số hai phần ba các nước thành viên. Cả năm nước đều vượt xa con số bắt buộc và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Tương tác trong hội đồng

Ông Richard Gowan của Đại học Columbia cho biết sự hiện diện của Ai Cập trong hội đồng gồm 15 thành viên có thể gây xáo trộn những liên minh truyền thống. "Vị trí của Ai Cập trong hội đồng sẽ rất thú vị, bởi vì họ là một đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng gần đây đã phát triển những liên kết mạnh mẽ với Nga."

Ông nói thêm rằng đối với Ai Cập, cuộc khủng hoảng đáng quan tâm nhất là Libya và vấn đề liệu một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc có thể cần được đưa tới đó hay không.

Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry, nói với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu rằng Ai Cập ủng hộ những nỗ lực của nhà điều giải Liên Hiệp Quốc Bernardino Leon và hy vọng thỏa thuận mà ông đang đàm phán với các bên ở Libya sẽ được ủng hộ và sớm được thi hành.

Tương tác trong hội đồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc Ukraine được bầu vào ghế Đông Âu giữa lúc họ đang có xung đột với một thành viên thường trực của hội đồng là Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói với các nhà báo hồi đầu tuần này rằng mối quan hệ của hai nước "chắc chắn sẽ không hòa dịu." nhưng Ukraine sẽ đi theo một "chương trình nghị sự toàn diện và toàn cầu" bao gồm nhiều vấn đề trong hội đồng.

Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine vào năm ngoái và tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy thân Nga đang chiến đấu ở miền đông của Ukraine. Liên Hiệp Quốc cho biết gần 8.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào giữa tháng 4 năm 2014.

"Nga cần cho thấy họ sẵn lòng cư xử một cách văn minh với Ukraine," ông Gowan nói. "Và cho phép Kiev có một chỗ trong Hội đồng Bảo an là một cách ít gây tổn hại đối với Moscow để làm điều đó."

Giữ ghế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản tham gia hội đồng với nhiệm kỳ thứ 11 trước đây chưa từng có. Lần gần đây nhất mà họ phục vụ là năm 2009-2010.

Quan sát viên Liên Hiệp Quốc lâu năm Jeffrey Laurenti nói Nhật Bản "chèn ép" Bangladesh trong nhóm khu vực để ngăn họ tranh chiếc ghế thành viên. "Không nghi ngờ gì, Thủ tướng (Shinzo) Abe xem đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của ông ta biến Nhật Bản thành một thế lực lớn hơn trên trường quốc tế, và về mặt quân sự, ông ta có thể đang xúc tiến tìm cách để Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc như là một cách che giấu ý định nâng cao hình ảnh của quân đội trong xã hội Nhật Bản. "

Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc Motohide Yoshikawa xác nhận nước ông có kế hoạch tham gia nhiều hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình. "Trọng tâm của chúng tôi cũng là làm thế nào để nâng cao năng lực của binh sĩ gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở châu Phi." Ông lưu ý rằng Nhật Bản vẫn đang làm việc với Liên Hiệp Quốc kể từ năm ngoái để thiết lập một cơ sở huấn luyện cho binh sĩ gìn giữ hòa bình ở Kenya và hy vọng cơ sở này sẽ hoạt động đầy đủ đến trước năm 2016.

Senegal và Uruguay đều là những nước đóng góp binh sĩ và cảnh sát nhiều nhất cho những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nhưng các nhà phân tích đồng ý rằng họ không có khả năng gây tác động lớn đến hoạt động của hội đồng.

Năm nước thường trực

Điểm mấu chốt, theo ông Laurenti, là tầm quan trọng của 10 nước thành viên hội đồng được bầu chọn đã suy giảm. "Năm nước thường trực đã trở thành những nước chủ chốt thúc đẩy thực hiện bất cứ điều gì trong Hội đồng Bảo an, thậm chí vai trò còn lớn hơn so với truyền thống."

Ông Gowan đồng ý. "Thực tế là ngay bây giờ, chỉ có ba nước quan trọng trong Hội đồng Bảo an là Mỹ, Trung Quốc và Nga."

Những thành viên mới của hội đồng được bầu sẽ thay thế Chad, Chile, Jordan, Lithuania và Nigeria, sẽ mãn nhiệm vào ngày 31 tháng 12.

Các thành viên mới của hội đồng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày đầu tiên của tháng 1. Họ sẽ góp mặt cùng năm thành viên thường trực của hội đồng là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ và năm thành viên không thường trực khác là Angola, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha và Venezuela.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG