Đường dẫn truy cập

Dân chúng Nhật yêu cầu áp dụng biện phát trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên


Năm triệu người Nhật đã ký tên vào một đơn thỉnh nguyện hồi đầu tuần yêu cầu chính phủ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế chính thức đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên hôm thứ sáu, trong chuyến đi thăm thành phố Sapporo thuộc miền bắc Nhật Bản, Thủ Tướng Nhật Junichiro Koizumi nói rằng chưa đến lúc hành động như vậy.

Ông Koizumi nói rằng ông hiểu rằng ngày càng có nhiều người muốn chính phủ có biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên, nhưng ông tin rằng cách tốt nhất là phối hợp giữa việc mở đối thoại và cùng lúc tạo áp lực đối với nước này.

Một số đông dân chúng Nhật yêu cầu trừng phạt Bắc Triều Tiên vì nước này không chịu cung cấp đầy đủ thông tin về các công dân Nhật đã bị họ bắt cóc trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Chính phủ Nhật không áp dụng biện pháp trừng phạt vì lo ngại Bình Nhưỡng sẽ trả đũa bằng cách không trở lại bàn thương nghị về chương trình phát triển võ khí hạt nhân của họ. Mặc dù vậy trước đây trong tuần, các giới chức Bắc Triều Tiên đã loan báo rằng họ sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán. Và cùng lúc tuyên bố là họ có võ khí hạt nhân.

Ông Koizumi cho rằng không nên vội vàng hành động, hy vọng có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Ông nói rằng việc áp dụng chế tài cần phải được thảo luận với các nước đối tác trong các cuộc đàm phán là Nga, Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các giới chức cao cấp trong đảng đương quyền của ông là đảng Dân Chủ Tự Do đã tỏ lập trường cứng rắn hơn. Quyền Tổng Thư Ký đảng ông Shinzo Abe nói với các nhà báo tại Tokyo rằng đã đến lúc cần áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.

Năm quốc gia đã mở 3 vòng đàm phán với Bắc Triều Tiên đều phản ứng một cách bình tĩnh về tuyên bố thách thức mới nhất của Bình Nhưỡng và nói rằng các cuộc đàm phán 6 nước là phương cách tốt nhất để giải quyết chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hôm thứ sáu, phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc lại đưa ra lời yêu cầu đàm phán song phương với Hoa Kỳ nhưng một lần nữa Washington từ chối yêu cầu này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG