Đường dẫn truy cập

Bộ Nội vụ Kampuchia tố cáo cơ quan tị nạn LHQ dụ dỗ những người Thượng ở Việt Nam trốn sang Kampuchia. - 2004-04-09


Tin của hãng thông tấn Pháp đánh đi từ Phnom Penh hôm thứ Sáu cho biết Bộ Nội vụ Kampuchia tố cáo rằng cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc lén lút hoạt động trong vùng biên giới và dụ dỗ những người Thượng ở Việt Nam trốn sang Kampuchia.

Phái viên AFP trích thuật một bản tin của tờ Cambodia Daily cho biết trong một văn thư gởi cho Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, bộ Nội vụ Kampuchia nói rằng cơ quan Liên Hiệp Quốc này "đã tự thiết lập quyền hạn và vi phạm chủ quyền của vương quốc Kampuchia."

Theo văn thư vừa kể, sau khi đồng ý đóng cửa các trại tị nạn ở hai tỉnh Mondolkiri và Ratanakiri, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc vẫn có nhân viên lén lút hoạt động trong vùng biên giới và có những hành động nhằm dụ dỗ và tập hợp những người Thượng từ Việt Nam trốn sang Kampuchia.

Nguồn tin vừa kể được loan báo một ngày sau khi bộ Nội vụ ở Phnom Penh nói rằng có hơn 40 người Thượng đã tới Phnom Penh để nhờ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc giúp đỡ. Bộ Nội vụ Kampuchia còn nói rằng trong hai năm qua, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã lén lút đưa 46 người Thượng đến Phnom Penh và dành cho những người đó qui chế tị nạn, trong đó có 16 người đến Phnom Penh hồi tháng 2 năm nay.

Phía Kampuchia cũng cảnh báo rằng những hành động như thế có thể biến vương quốc này thành nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố quốc tế. Đại diện Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Kampuchia chưa bình luận gì về cáo giác vừa kể.

Trong cuộc tiếp xúc dành cho AFP, phát ngôn viên bộ Nội vụ Kampuchia ông Khieu Sopheak nói rằng ông không thể xác nhận là có một văn thư với nội dung vừa kể hay không.

Nhưng ông nói thêm rằng các mối quan hệ giữa Kampuchia và Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã bị suy sụp vì điều mà ông gọi là cơ quan của Liên Hiệp Quốc tìm cách tự giải quyết những vấn đề của những người xin tị nạn.

Theo ông Khieu Sopheak, hành động của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã tạo ra thêm nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ông cũng đề nghị Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để giải quyết vấn đề này với chính phủ ở Hà nội thay vì ngồi chờ ở Kampuchia để đón những người tị nạn.

Tưởng cũng nên nhắc lại là nhiều người Thượng trong vùng Tây Nguyên của Việt Nam đã tìm cách trốn sang Kampuchia từ khi xảy ra vụ đàn áp năm 2001.

Các tổ chức nhân quyền tố cáo rằng nhân viên an ninh của Việt Nam và Kampuchia đã truy bắt những người tị nạn ở Kampuchia và đưa họ về Việt Nam.

Chính phủ Kampuchia nhiều lần nói rằng họ xem những người Thượng xin tị nạn là những di dân bất hợp pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG