Đường dẫn truy cập

Chuyến đi Việt Nam của Dân Biểu Hoa Kỳ Mac Collins. - 2004-03-08


Thay vì đem đến quý vị tin kinh tế trong tuần qua, chúng tôi xin đem đến quý vị tin tức về kết quả chuyến đi của một Dân Biểu Hoa Kỳ mới đây, đánh giá mức độ hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích, mà Việt Nam hay gọi là vấn đề MIA.

Dân Biểu 5 nhiệm kỳ của bang Georgia, ông Mac Collins, vừa trở về từ Việt Nam sau chuyến đi có mục đích tiếp cận các hồ sơ văn khố về tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích. Dịp này ông đã tiếp xúc với một số giới chức của Việt Nam.

Dân Biểu Collins, thành viên của Ủy ban đặc biệt về Tình báo của Hạ Viện Hoa Kỳ, nói rằng chuyến đi này là để đáp ứng đề nghị của ông Nguyễn Đức Hùng, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái.

Sở dĩ Thứ Trưởng Nguyễn Đức Hùng đưa ra đề nghị này là vì, vào tháng 8 năm ngoái, khi ghé Việt Nam trong chuyến đi Đông Nam Á , Dân Biểu Collins có nói với các giới chức của Việt Nam rằng Việt Nam vẫn chưa tích cực trong việc khui mở tất cả các hồ sơ văn khố liên quan đến số phận của 1.866 người Mỹ vẫn còn ghi nhận là mất tích trong chiến tranh.

Thứ Trưởng Nguyễn Đức Hùng đã bác bỏ cáo buộc này, và đã mời Dân Biểu Collins trở lại Việt Nam để đích thân xem xét các hồ sơ đó. Và đó là lý do đưa đến chuyến đi Việt Nam của Dân Biểu Collins vừa qua.

Trong chuyến đi lần này, Dân Biểu Collins đã gặp các giới chức trong ngành dân sự, quân sự , và an ninh tại Hanoi; trong đó có các Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Vũ Khoan, các Thứ Trưởng Quốc Phòng, Công An và Ngoại Giao. Rời Hanoi, Dân Biểu Collins đã đến Đà Nẵng, một trong những nơi đóng quân lớn của quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh.

Tại Đà Nẵng, Dân Biểu Collins có dịp nói chuyện với 2 cán bộ cao cấp trong thời kỳ chiến tranh. Người thứ nhất là một cán bộ lớn tuổi, trước đây là Bí thư khu ủy Khu 5, chịu trách nhiệm khu vực miền Trung. Ông này đã cho Dân Biểu Collins biết một số thông tin về tù binh và người Mỹ mất tích. Mặc dù thông tin này có tính cách giới hạn nhưng cũng đủ để các chuyên gia Hoa Kỳ trở lại sau này để phỏng vấn tiếp.

Người thứ nhì là một cán bộ trẻ hơn, trong thời kỳ chiến tranh là Bí Thư huyện ủy của một huyện ở miền Trung. Ông này đã cung cấp cho Dân Biểu Collins một số thông tin liên quan đến một binh sĩ Mỹ bị bắt sống vào năm 1971. Ngoài ra, viên cựu Bí Thư Huyện Ủy này còn cung cấp một số thông tin có thể giúp phát hiện hài cốt của những người Mỹ mất tích khác. Tuy nhiên, theo nhận xét của Dân Biểu Collins, ông cựu Bí Thư Huyện Ủy này dường như vẫn chưa nói hết những điều ông muốn nói, có lẽ là vì có một số nhân viên an ninh chung quanh.

Dân Biểu Collins cho biết, trong những tuần lễ tới đây, các chuyên viên của Hoa Kỳ sẽ mở những buổi phỏng vấn kế tiếp với cựu Bí Thư Huyện Ủy này, và hy vọng là ông ta có thể cung cấp thêm thông tin giúp tìm ra các binh sĩ Hoa Kỳ mất tích.

Chuyến đi của Dân Biểu Collins diễn ra với sự kết hợp của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Hội Gia Đình Tù Binh Và Quân Nhân Mỹ Mất Tích. Một vài giới tại Hoa Kỳ vẫn còn hoài nghi về mức độ hợp tác của phía Việt Nam trong vấn đề thường được gọi là vấn đề MIA; nhất là về mặt tiếp cận các hồ sơ văn khố.

Trước ngày lên đường, Dân Biểu Collins đã gửi thư yêu cầu phía Việt Nam cho xem một số hồ sơ cụ thể, và xin được phỏng vấn 3 cán bộ cộng sản. Cuối cùng chỉ được nói chuyện với 2 trong số 3 cán bộ được yêu cầu, còn các hồ sơ thì không.

Theo nhận định của Dân Biểu Collins, kết quả chuyến đi lần này của ông sẽ biết được trong những tháng sắp tới, và ông tin tưởng rằng phía Việt Nam sẽ sẵn lòng giúp đỡ nhiều hơn trong vấn đề MIA. Tuy nhiên, đôi lúc ông cũng tỏ vẽ bực bội khi nói rằng phía chính phủ Việt Nam đã sử dụng đồng đôla của người thọ thuế Hoa Kỳ đóng góp trong nhiều năm, và dường như vẫn có ý định tiếp tục làm như vậy.

Ông nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng thời gian là yếu tố cốt lõi, do đó vấn đề MIA cần phải được giải quyết. Theo ông phía Việt Nam cần phải xúc tiến vấn đề này nếu muốn tiếp tục nhận được những cơ hội thương mại với Hoa Kỳ.

Theo các tư liệu của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì sau chiến tranh vẫn còn 2.583 trường hợp tù binh Mỹ vẫn chưa được kết thúc hồ sơ. Đây là trường hợp của những người mất tích, hoặc bị giết, hoặc chưa thể thu hồi được hài cốt.

Hiệp định hòa bình ngày 27 tháng giêng năm 1973 quy định ngưng bắn, trao trả tù binh, và kiểm kê người mất tình trong thời hạn 60 ngày. Trong khoảng thời gian đó, đã có 591 tù binh Mỹ được hồi hương. Cả chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ do Tổng Thống Nixon lãnh đạo và chính phủ Việt Nam đều nhất quyết là tất cả những người thuộc diện MIA đã được trở về, nhưng trong thực tế có nhiều người Mỹ được báo cáo là còn sống khi bị bắt hoặc vẫn còn sống trong vùng xung quanh chỗ bị bắt, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa trở về.

Ngoài vấn đề MIA, Dân Biểu Collins cũng thảo luận với các giới chức Việt Nam về vấn đề thương mại. Ông nói với phía Việt Nam rằng Hoa Kỳ chán ngán với chính sách thương mại tự do, và đã đến lúc phải theo chính sách thương mại công bằng.

Trong thập niên 1990, Việt Nam đã nhiều lần xác định là sẽ hợp tác đầy đủ với phìa Hoa Kỳ, nhưng theo Dân Biểu Collins, những mong đợi của phía Hoa Kỳ về mặt tù binh và người Mỹ mất tích vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG