Đường dẫn truy cập

Harry Belafonte: Cuộc đời một nghệ sĩ và một người tranh đấu cho dân quyền và những hoạt động xã hội tại Hoa Kỳ. - 2003-12-31


Harry Belafonte, một nghệ sỹ da đen đa tài và thành công trong rất nhiều bộ môn nghệ thuật, còn được biết đến nhờ cuộc tranh đấu cho dân quyền và những hoạt động xã hội tại Hoa Kỳ cũng như cho rất niều nước Phi Châu. Mới đây nhân chuyến ghé thủ đô Washington, các đài phát thanh và truyền hình đã mở cuộc phỏng vấn người nghệ sỹ này. Lá thư Mỹ quốc tuần này sẽ thuật lại cùng quí vị vài nét về giọng hát từng nổi tiếng với những bài ca như Day O, Island In the Sun, Jamaica Farewell, etc. . .

Khi được phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình mới đây nhân dịp ông đến thủ đô dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thư viện Arthur R. Ashe Jr trữ các tài liệu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ liên quan đến Phi Châu, Harry Belafonte bày tỏ lập trường cố hữu của ông là chống chiến tranh. Khi được hỏi là tại sao giới nghệ sỹ không chỉ lo trình diễn mà lại còn can dự vào chuyện chính trị thì ông phát biểu rằng đó là bổn phận công dân của tất cả mọi người.

Harry Belafonte, giọng hát độc đáo đã đưa ông lên đến đỉnh cao danh vọng là một nghệ sỹ da đen thành công trong tất cả các bộ môn nghệ thuật trình diễn.

Trong suốt cuộc đời dài của ông Harry Belafonte đã được công nhận và tôn vinh trong cả 2 lãnh vực, nghệ thuật và cuộc tranh đấu cho các lý tưởng về xã hội.

Xuất thân từ một gia đình di dân gốc Jamaica, Harry Belafonte ra đời tại khu Harlem, thành phố New York, sau đó mẹ ông gửi ông về Jamaica trong những năm thơ ấu và đến khi thế chiến thứ hai bùng nổ, mẹ ông mới đem ông trở lại New York. Phải thích ứng với khung cảnh sống mới, ông gặp nhiều khó khăn và đã không hoàn tất xong bậc trung học. Ông đăng lính hải quân trong một thời gian rồi sau đó xin giải ngũ , làm cho xưởng may quần áo lẫn nghề lau chùi quét dọn. Một hôm ông được cho 2 vé đi xem nhạc kịch. Thế là giấc mơ trở thành diễn viên trên sân khấu bắt đầu theo đuổi ông từ đấy.

Ông đã theo học kịch nghệ nhưng vận may đến với ông trước hết lại là ca nhạc. Ông được nhiều nguời biết đến nhờ các buổi trình diễn ca nhạc tại các hộp đêm. Từ một ca sỹ nổi tiếng dần dần ông đi vào ngành thu dĩa, kịch nghệ, phim ảnh, và rồi truyền hình. Ông đã đoạt được giải thưởng danh dự trong tất cả những bộ môn nghệ thuật này. Album nhạc thứ ba của ông có tên là Calypso đã đoạt kỷ lục đầu tiên của thế giới, bán được hơn 1 triệu đĩa. Kể từ ngày đó thì các chuyến lưu diễn ca nhạc của ông liên tiếp phá kỷ lục thế giới về số khán giả.

Năm 1953 ông đoạt giải thưởng Tony Award về kịch nghệ trên sân khấu Broadway qua vở Almanac. Sau đó ông được mời diễn xuất trong rất nhiều phim cho Hollywood và đến năm 1959 ông đoạt giải thưởng Emmy về phim truyền hình trong chương trình Tonight with Harry Belafonte. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho một người Mỹ da den. Năm 1994 ông được tổng thống Clinton trao tặng Huân Chương Quốc Gia về Nghệ Thuật.

Về mặt tranh đấu cho các lý tưởng xã hội, ông đã sát cánh với mục sư Martin Luther King trong phong trào dân quyền và đã giúp đỡ tài chính và gây quĩ đắc lực cho phong trào này. Ông cũng tích cực tranh đấu trong phong trào chống phân chủng tại Nam Phi, tổ chức chương trình hòa nhạc và ghi âm thành công rực rỡ để gây quĩ giúp các trẻ em lâm nạn đói ở Châu Phi.

Năm 1987 ông được cử làm đại sứ thiện chí của quĩ Bảo Trợ Nhi đồng LHQ tức UNICEF và vẫn hoạt động không ngưng nghỉ. Đầu thập niên 1960 ông là người đầu tiên trong ngành trình diễn trở thành cố vấn văn hóa cho đoàn phụng sự hòa bình của Hoa Kỳ, và năm 1985 ông đã vận động và qui tụ được 45 nghệ sỹ trình diễn thượng thặng để ghi âm bài hát “We Are The World” đạt thành công rực rỡ, thu được hàng triệu đô la để trợ giúp khẩn cấp cho Phi Châu.

Ngay sau khi được cử làm đại sứ thiện chí cho Quĩ Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ, Harry Belafonte bắt tay ngay vào công việc. Ông lên đường sang Dakar, thủ đô của Senegal, nơi ông phục vụ trong tư cách chủ tịch của nghị hội chuyên đề quốc tế qui tụ các Văn Nghệ Sỹ và các nhà Trí Thức giúp cho trẻ em Phi Châu. Cùng với 20 nghệ sỹ trình diễn, ông đã tổ chức một buổi hòa nhạc lớn nhất tại vùng dưới sa mạc Sahara. Năm 1994 ông cùng hiền thê thực hiện chuyến đi đến Rwanda gặp gỡ tổng thống Bizimungo và viếng thăm các trung tâm được UNICEF trợ giúp dành cho các trẻ em tỵ nạn. Trở về Hoa Kỳ ông đã vận động với các cơ quan truyền thông để nêu rõ nhu cầu của trẻ em tại Rwanda.

Từ giữa năm 2001 hai ông bà đã theo đuổi công cuộc vận động chống siêu vi HIV và bệnh AIDS, thực hiện các chuyến đi đến Nam Phi, chứng kiến tận mắt ảnh hưởng của chứng bệnh và các nỗ lực chống căn bệnh này. Trở về New York, Harry Belafonte đã lại vận động và quảng bá những nỗ lực của UNICEF với các cơ quan truyền thông.

Giữa những chuyến đi như vậy, Harry Belafonte tham dự vào không biết bao nhiêu buổi hòa nhạc đặc biệt và các chương trình truyền thông để gây quĩ cho UNICEF và quảng bá cho các chương trình của quĩ này. Ông đã sử dụng mọi cơ hội để giúp cho các hoạt động của ủy ban UNICEF đặt ở nhiều quốc gia và để cổ võ cho quyền của trẻ em. Những nỗ lực của ông vận động quốc hội Hoa Kỳ hầu tạo ảnh hưởng về chính sách để làm sao mang lại lợi ích cho trẻ em là điều hết sức quan trọng đối với UNICEF cũng như cho trẻ em ở khắp nơi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cho các lý tưởng xã hội, Harry Belafonte đã được ban tặng nhiều giải thưởng. Trong số này phải kể đến giải Hòa bình Martin Luther King, giải Dũng Cảm Nelson Mandela. Ngoài ra ông đã nhận được vô so ávăn bằng tiến sỹ danh dự do các trường đại học như New York, Spellman tại Atlanta, đại học Tuft, đại học Columbia v..v.. trao tặng. Harry Belafonte, một nghệ sỹ đa tài với tấm lòng nhân ái đã đem lại lợi ích cho rất nhiều trẻ thơ kém may mắn, và rất xứng đáng để chúng ta nhắc tới ông nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày bản tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG