Đường dẫn truy cập

Huy Phương giới thiệu về Văn Khố Việt Nam, một cơ sở biến trường Ðại học miền Tây Texas thành nơi chứa các tư liệu chiến tranh VN lớn nhất thế giới. - 2003-12-03


Trong bài tường trình hôm qua, Huy Phương đã thuật lại các chương trình giúp đỡ nhân đạo và kỹ thuật của Trường Đại Học Tổng Hợp Miền Tây Texas. Hôm nay, anh xin giới thiệu Văn Khố Việt Nam, một cơ sở đã biến trường này thành nơi chứa các tư liệu về chiến tranh Việt Nam có thể nói là lớn nhất thế giới.

Những ai đã từng quan tâm đến chiến tranh Việt Nam mỗi khi ghé thành phố Lubbock ở miền Tây Texas, không mấy ai là không ghé thăm Trung Tâm Việt Nam, một cơ sở đặc biệt của Trường Đại Học Tổng Hợp. Trung tâm này rộng khoảng 50 ngàn mét vuông, với phân nửa diện tích được dành cho một viện bảo tàng. Kinh phí xây trung tâm là 40 triệu đôla, với khoảng 35 nhân viên làm việc.

Người đã bỏ ra nhiều công sức để thực hiện công trình này là giáo sư Tiến Sĩ James Reckner, một cựu sĩ quan Hải quân đã từng phục vụ 2 nhiệm kỳ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo lời ông Rechner, nơi đây đã từng diễn ra nhiều cuộc hội nghị về chiến tranh Việt Nam.

Các hội nghị của chúng tôi quy tụ đủ mọi xu hướng. Chúng tôi có những tham dự viên như ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ; hoặc Nguyễn Khánh, cựu tướng lãnh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trong hội nghị vào năm 1999, có tướng Nguyễn Đình Ước, Viện Trưởng Viện Sử Học của quân đội nhân dân Việt Nam ngồi thảo luận chung với các ông Bùi Diễm và Nguyễn Khánh. Phải thành thực mà nói trong khi thảo luận có những phút căng thẳng, nhưng mọi người đều tôn trọng ý kiến của nhau, thảo luận trong tinh thần xây dựng. Chúng tôi quan niệm rằng nếu mỗi bên tranh chấp cho phía bên kia có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, thì đôi bên sẽ hiểu nhau hơn. Riêng hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề kỷ niệm 40 ông Ngô Đình Diệm bị thảm sát. Nhân dịp này, diễn giả Bùi Tín, một cựu đảng viên cộng sản đã đọc một bài tham luận so sánh giữa ông Ngô Đình Diệm ở miền Nam và ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Bài tham luận sau đó đã được đăng tải trên nhiều tờ báo người Việt ở nước ngoài.

Cách nay hai năm, nhờ sự tài trợ của liên bang, Trung Tâm đã lập một kho dữ liệu trên Internet để khắp nơi trên thế giới có thể truy cập miễn phí các thông tin liên quan đến war Việt Nam mà không cần phải đến Texas. Theo lời ông Rechner, Trang Web này có 750 ngàn trang tài liệu, 51 ngàn hình ảnh, 150 bài phỏng vấn được thu âm, 3 ngàn 700 bản tin của các hội đoàn cưu chiến binh, và nhiều loại dữ liệu khác. Trang web này cũng được xem là khá đông khách, mỗi ngày trung bình có khoảng 3 ngàn lượt người truy cập.

Tuy nhiên, cơ sở độc đáo nhất vẫn là Văn Khố Việt Nam. Ông Rechner cho biết Văn Khố Việt Nam có bộ vi phim đầy đủ nhất nói về chiến tranh Việt Nam, đầy đủ hơn cả bộ vi phim của thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Riêng chi phí cho bộ vi phim này cũng mất nửa triệu đôla. Báo chí bằng tiếng Việt Nam có những tờ xuất bản từ trận chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những bản tin chính thức của chế độ VNCH hầu như có gần đủ, kể cả bộ Công Báo VNCH.

Những tài liệu bằng giấy được giữ trong những tấm bìa hoặc những thùng có hóa chất chống mối mọt, và được bảo quản bởi những nhân viên chuyên nghiệp. Ông Rechner nói rằng cần phải giữ gìn các tài liệu này cho các thế hệ kế tiếp sử dụng, mỗi người sử dụng sẽ tìm lấy câu kết luận riêng cho mình, và đó mới chính là mục tiêu của một văn khố.

Khi mới bắt đầu thu thập tài liệu vào năm 1989, chỉ có một xấp thư của binh sĩ Mỹ gửi cho gia đình và một thùng sách. Ngày nay, Văn Khố Việt Nam có 51 ngàn hình ảnh, trên 2 ngàn băng cátxét, video, CD gần 2 ngàn bản đồ, gần 4 triệu trang tài liệu mà nếu xếp chồng lên nhau sẽ cao hơn 300 mét. Ông Rechner cho biết tiếp:

Chúng tôi lưu trữ tất cả mọi tài liệu thuộc mọi quan điểm. Những món này được cung cấp cho văn khố từ nhiều nguồn khác nhau, từ diều hâu đến bồ câu, từ phản chiến đến chủ chiến, từ trung lập cho tới cộng sản hoặc chống cộng sản. Chúng tôi không cần bận tâm về xuất xứ các các tài liệu.

Ông Rechner nói rằng các đề tài này thường hay dẫn đến những cuộc tranh cãi sôi nổi, do đó, nếu mọi phía đều ghét ông thì ông coi như đã thành công.

Ông Rechner còn kể lại một câu chuyện có thật. Cách nay không lâu, một quan chức ở Hà Nội có đến tham quan Văn Khố Việt Nam, và nói riêng với ông rằng mai mốt, nếu người Việt Nam muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn 60 và 70, thì có lẽ phải đến Texas.

Ông Rechner kết luận rằng xét đến tình hình kinh phí tài trợ của chính phủ Hanoi hiện nay cho việc bảo quản văn khố, thì điều này có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Trong trường hợp quý vị muốn truy cập Trang Web của trường này, địa chỉ là http://www.vietnam.ttu.edu

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG