Đường dẫn truy cập

Vụ kiện đòi trường Woodrow Wilson trả lại ngân quĩ quyên trợ trị giá hơn 500 triệu đô la. - 2003-10-13


Trường Quốc tế và Công cộng Sự vụ Woodrow Wilson, thuộc đại học Princeton, là một học viện hàng đầu ở Mỹ về chính sách công cộng và là nơi mà nhiều sinh viên ở Hoa Kỳ cũng như ở các nước khác trên thế giới mơ ước được nhận vào học. Mới đây, một vụ kiện tụng đòi học viện này trả lại ngân quĩ quyên trợ trị giá hơn 500 triệu đô la đã trở thành một đề tài bàn tán khá sôi nổi trong giới sinh viên và các giới chức đại học.

Trường Woodrow Wilson được thành lập ở đại học Princeton vào năm 1930 với tên gọi là Trường Quốc tế và Công cộng Sự vụ. Trong thời gian đầu, trường này chỉ có một chương trình liên ngành dành cho sinh viên bậc cử nhân. Đến năm 1948, trường được đổi tên là Trường Woodrow Wilson để vinh danh một cựu sinh viên của Princeton và là người đã trở thành vị Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ. Cũng trong năm 1948, những chương trình nghiên cứu hậu đại học đã được thiết lập để thu nhận nghiên cứu sinh bậc cao học và tiến sĩ. Trong những năm của thập niên 1960, chương trình nghiên cứu của Trường Woodrow Wilson đã được tăng cường đáng kể nhờ vào một khoản tiền quyên tặng được xem là khoản quyên trợ lớn nhất trong lịch sử của các đại học ở Hoa Kỳ, và hiện nay, trường Woodrow Wilson đã trở thành một trung tâm nổi tiếng thế giới về đào tạo chuyên viên cao cấp và nghiên cứu trong lãnh vực chính sách công cộng.

Khoản quyên trợ cho trường Woodrow Wilson được một cựu sinh viên của Princeton, ông Charles Robertson, cung cấp vào năm 1961 bằng một số cổ phiếu trị giá 35 triệu đô la. Khoản tiền này đã được điều hành bởi một tổ chức có tên là Quĩ Robertson và nhờ vào những hoạt động đầu tư có hiệu quả cao, giá trị của khoản quyên trợ này đã tăng lên tới 550 triệu đô la. Từ khi được thành lập cho đến nay, Quĩ Robertson đã cung cấp cho đại học Princeton hơn 200 triệu đô la và đài thọ khoảng 75% ngân sách hoạt động của Trường Woodrow Wilson.

Vụ tranh chấp liên quan đến Quĩ Robertson đã công khai hóa hồi tháng 7 năm ngoái, khi người con trai của ông Charles Robertson, là ông Bill Robertson, đệ đơn tại một tòa án ở tiểu bang New Jersey để đòi lấy lại khoản quyên trợ mà gia đình ông đã dành cho Trường Woodrow Wilson. Theo lập luận của ông Bill Robertson, các giới chức của Trường Woodrow Wilson đã không tôn trọng ý nguyện, mà cha mẹ ông đã nói rõ khi quyên tiền, là họ muốn có một trường đại học chuyên đào tạo nghiên cứu sinh để làm việc trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lãnh vực quan hệ quốc tế. Tường thuật của nhật báo Washington Post, số ra ngày thứ Tư vừa qua, trích lời ông Bill Robertson nói rằng từ nhiều thập niên qua, Đại học Princeton đã biết rõ mục tiêu của Quĩ Robertson là đưa sinh viên vào chính phủ liên bang nhưng họ đã làm ngơ trước yêu cầu đó.

Ông Robertson cho biết thêm rằng gia đình ông không có ý định lấy lại tiền cho mình, mà sẽ đem số tiền đó tặng cho một trường khác với điều kiện là trường đó đồng ý tôn trọng ý nguyện của cha mẹ ông. Ông Robertson cũng nêu lên những số liệu cho thấy là từ năm 1961 đến nay, chỉ có 200 trong số 1,720 sinh viên tốt nghiệp từ Trường Woodrow Wilson làm việc cho chính phủ liên bang, và trong niên khóa vừa qua, chỉ có 3 trong số hơn 60 sinh viên phục vụ trong chính phủ liên bang sau khi ra trường.

Theo tường thuật của tạp chí Thế giới Do Thái, số ra ngày thứ 6 vừa qua, các sinh viên và nhân viên giảng huấn của Trường Woodrow Wilson nói rằng: vụ tranh chấp về Quĩ Robertson không gây gián đoạn cho những công trình nghiên cứu và học tập của họ về những vấn đề như an ninh quốc gia, vấn đề nghèo túng của các nước thuộc thế giới thứ ba, hay những chính sách về giao thông. Tuy nhiên vụ tranh chấp này cũng nêu ra những vấn đề gai góc hơn, như hướng đi của Trường Woodrow Wilson và mối liên hệ tình cảm khá phức tạp của giới trí thức và sinh viên đối với chính phủ ở Washington.

Tạp chí thế giới Do Thái trích lời một vị giáo sư kỳ cựu của Trường Woodrow Wilson, ông William Branson cho biết: "Trong những năm đầu của thập niên 1960, hầu hết những người trẻ ở Mỹ có lý tưởng đều muốn làm việc cho chính phủ ở Washington để thay đổi thế giới, nhưng thế giới hiện nay đã thay đổi và Trường Woodrow Wilson cũng vì thế mà phải thay đổi."

Trong các văn kiện phản bác nộp cho tòa án, đại học Princeton cho rằng: những sự kiện; như cuộc chiến Việt Nam và vụ tai tiếng Watergate; đã tạo ra một hình ảnh tiêu cực về chính phủ trong công chúng và làm giảm sút ước muốn phục vụ trong chính phủ liên bang nơi những người trẻ có lý tưởng. Cũng theo lập luận của đại học Princeton, chính phủ liên bang đã không còn áp dụng những chủ trương thu dụng chuyên viên như trước, và điều này khiến cho những người có ý muốn phục vụ công chúng phải đi tìm việc làm ở những cơ quan nghiên cứu tư nhân và những tổ chức bất vụ lợi.

Các giới chức của Princeton cho rằng đào tạo chuyên viên để phục vụ trong chính phủ liên bang về lãnh vực quan hệ quốc tế chỉ là một mục tiêu có tính chất nguyện vọng chứ không phải là một đòi hỏi của Quĩ Robertson; và trước đây, ông Charles Robertson cũng thừa nhận rằng khoản quyên trợ của ông có thể dùng cho việc đào tạo sinh viên trong lãnh vực phục vụ công chúng. Dựa theo định nghĩa vừa kể, Trường Woodrow Wilson đã đạt được những thành tích khả quan vì trong số sinh viên ra trường có đến 41% phục vụ trong các chính phủ tiểu bang và địa phương, các tổ chức bất vụ lợi, những tổ chức giáo dục và nghiên cứu, các tổ chức đa phương và chính phủ nước ngoài.

Theo nhận xét của tạp chí Thế giới Do Thái, những sinh viên ở Mỹ, đặc biệt là những người theo học ngành chính sách công cộng, thường có xu hướng chính trị tả khuynh, nhưng trong 22 năm qua, có đến 14 năm Tòa Bạch ốc nằm trong tay những chính khách thuộc đảng Cộng hòa có chủ trương bảo thủ; và điều này đã làm giảm thiểu số người xin vào làm việc cho chính phủ liên bang. Một nữ sinh viên của Trường Woodrow Wilson nói rằng cô muốn hoạt động về vấn đề khí hậu địa cầu ấm dần, nhưng chính phủ hiện nay ở Washington có vẻ không quan tâm đến vấn đề này, cho nên có phần chắc là cô sẽ tìm việc làm ở các tổ chức bất vụ lợi.

Theo tường thuật của tờ Washington Post, khi được hỏi ý kiến về những lập luận của các giới chức và sinh viên của Trường Woodrow Wilson, ông Bill Robertson nói rằng: những lập luận đó đi ra ngoài khuôn khổ của vấn đề và không liên hệ đến vụ kiện của ông. Theo lời ông Robertson, có nhiều sinh viên muốn theo đuổi những hoạt động nhân đạo hay phục vụ công chúng nói chung, và ông rất tán thành mục tiêu của những người này. Tuy nhiên, trường Woodrow Wilson không nên thu nhận những sinh viên nào không muốn phục vụ trong chính phủ, vì văn kiện thành lập của Quĩ Robertson có ghi rõ là dành để đào tạo những chuyên viên phục vụ trong chính phủ và còn ghi thêm một cách rõ ràng hơn là trong lãnh vực quan hệ quốc tế.

Trong khi đó, một nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của Trường Woodrow Wilson, anh Aaron Levine, nói rằng anh rất quí trọng cơ hội mà Quĩ Robertson đã dành cho anh, nhưng nếu các giới chức của Princeton và Quĩ Robertson không áp dụng một định nghĩa rộng rãi hơn về mục tiêu phục vụ công chúng, thì trường này sẽ bị mất đi tính chất đa dạng trí thức, một yếu tố mà anh cho là đã giúp cho Trường Woodrow Wilson xứng đáng với sự ngưỡng mộ của nhiều người trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG