Đường dẫn truy cập

Kỷ Niệm Biến Cố Ngày 11 tháng Chín - Tác Động tại Châu Á. - 2003-09-15


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, ngày 11 tháng Chín vừa qua, Hoa Kỳ dừng lại trong phút mặc niệm để tưởng nhớ hàng ngàn người đã bị sát hại trong các cuộc tấn công khủng bố đánh vào thành phố New York và thủ đô Washington. Hai năm sau ngày định mệnh này, đất nước Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi, và thế giới hầu như đã đổi hẳn bộ mặt. Từ Châu Mỹ, Châu Aâu, Châu Phi tới Châu Á, dân chúng đang tìm cách thích nghi với một thế giới khác đầy bất định. Một số chi tiết về những đổi thay này sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:

Thưa quý thính giả, tại nhiều nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, hầu hết mọi sinh hoạt đã dừng lại trong một phút mặc niệm vào đúng 8 giờ 46 phút ngày 11 tháng 9, giây phút chiếc phi cơ đầu tiên đâm vào tòa nhà thứ nhất của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York cách đây 2 năm về trước.

Như lời Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, người dân Hoa Kỳ và thế giới tưởng niệm hơn 3000 người cha, người mẹ, người bạn đã bị tước đoạt sự sống trong các cuộc tấn công khủng bố mà thế giới chưa từng chứng kiến trước đó. Nhiều người cũng tưởng niệm điều mà họ gọi là cái chết của hai tòa tháp của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, một thời từng vươn cao trên nền trời New York trong bỗng chốc đã trở thành những đống đổ nát phủ đầy tro bụi.

Các đống đổ nát tại địa điểm này đã được dọn quang, các tòa nhà chung quanh hầu hết đã được tân trang và sửa chữa, sinh hoạt chung quanh đã trở lại bình thường, thành phố New York đã có kế hoạch xây cất lại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, nhưng đối với nhiều người, nơi này vẫn là một nấm mồ tập thể.

Đó là giọng của những đứa trẻ, con cái của các nạn nhân, có em chỉ mới lên 7, đọc tên những người thân đã chết tại địa điểm này. Các buổi lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại tòa nhà 5 góc của Ngũ Giác Đài ở Washington, và tại Shanksville ở Pensylvannia, nơi 40 hồi chuông ngân vang để tưởng niệm mỗi hành khách trên chuyến bay 93 của United Airlines.

Như Tổng Thống Hoa Kỳ, ông George W. Bush đã nói, các biến cố ngày 11 tháng 9 sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức chúng ta, chúng ta không bao giờ quên được cảnh hai tòa tháp bốc lửa ở New York, những cú điện thoại giã biệt thân nhân của các nạn nhân, và cảnh khói lửa bốc lên trên nền trời Arlington, nơi mà biểu tượng quyền lực quân sư của Hoa Kỳ là Ngũ Giác Đài, bị tấn công.

Theo bỉnh bút Ehsan Ahrari của Asia Times, thì các biến cố ngày 11 tháng 9 đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bất kể tôn giáo, quốc gia hay nguồn gốc sắc tộc. Hầu như thế giới đã đánh mất một cái gì rất quý giá trong các cuộc tấn công khủng bố đó, có người mất thân nhân, nhưng những người khác may mắn hơn không có người thân chết trong ngày 11 tháng 9, cũng cảm thấy như đã mất mát một phần sự tự do, cái cảm giác an toàn, và niềm tin vào bản tính thiện nơi con người.

Trong cuộc tìm kiếm những nguyên do đưa đến các cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng vì sao 19 người trẻ tuổi theo đạo Hồi, lại hận thù Hoa Kỳ đến mức có thể đánh đổi mạng sống của mình để thực hiện hành vi bạo động vô tiền khoáng hậu đó. Vì tất cả những kẻ không tặc đều là tín đồ Hồi giáo, nên những người theo đạo Hồi sinh sống ở Hoa Kỳ bỗng nhiên trở thành những người bị xã hội nghi kỵ.

Hơn 11 ngàn tín đồ Hồi giáo đã bị bắt giữ, trong số này, chắc chắn có nhiều người hoàn toàn vô tội. Hàng trăm người bị giam cầm trong thời gian lâu dài. Rất nhiều người bị trục xuất vì những tội nhẹ, không liên quan gì đến khủng bố. Đạo luật Aùi Quốc được Quốc Hội thông qua, và xã hội Mỹ thay đổi từ một cộng đồng thường nhật vẫn vô tư thành một cộng đồng luôn luôn đề cao cảnh giác, để chuẩn bị đề phòng một cuộc tấn công khủng bố mới. Trong thế giới sau ngày 11 tháng 9, ngành tình báo và an ninh trở thành những ngành phát triển mạnh. An ninh quốc nội là ưu tiên hàng đầu, trong sinh hoạt xã hội và trong chính sách đối ngoại.

Với sự toàn cầu hóa của cuộc chiến chống khủng bố, cục diện thế giới cũng thay đổi. Nhiều người cho rằng trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố, các quyền công dân và quyền dân chủ đã trở nên thứ yếu, và tại một số quốc gia, cuộc chiến chống khủng bố đã được dùng như một thứ vũ khí để đàn áp quyền của công dân.

Tại nhiều nước Châu Á, người ta thấy khuynh hướng độc tài, và các lực lượng quân sự lại được đóng một vai trò quan trọng, bởi vì an ninh là nỗi ám ảnh được Hoa Kỳ đặt lên trên tất cả. Tại Philippine, người ta lo ngại những cuộc đảo chính quân sự mới. Tại Indonesia, lực lượng quân đội của chính phủ đang làm mưa làm gió tại tỉnh Aceh. Và ngay cả Thái Lan cũng bị chỉ trích về các luật chống khủng bố mới, mà có nhà phân tích cho là có thể đe dọa các quyền của người dân.

Vì Hoa Kỳ cần củng cố quan hệ quân sự với các quốc gia trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố, nên vô hình chung, Washington đã khuyến khích sự tái xuất hiện của các thành phần có khuynh hướng độc tài. Một trường hợp điển hình là Tướng Pervez Musharraf của Pakistan, người đã chiếm quyền hành bằng một cuộc đảo chánh quân sự hồi năm 1999. Vị tướng lãnh nay đã trở thành Tổng Thống của Pakistan đã cố tạo tính chính đáng cho chính phủ của ông qua một cuộc trưng cầu dân ý bị các giám sát viên độc lập cho là gian lận, nhưng điều này đã không ngăn cản Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush đón tiếp trọng thể ông Musharraf đến trang trại của gia đình Bush ở Texas, bởi vì Pakistan là một đồng minh thiết yếu trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố.

Trong cái thế giới sau các biến cố ngày 11 tháng 9, Washington một mặt phải cân bằng các ưu tiên an ninh quốc nội với quyền tự do của công dân trong nước, và trên bình diện quốc tế, Hoa Kỳ phải đưa lên bàn cân nhu cầu vận động sự hậu thuẫn của các nước trong cuộc chiến chống khủng bố với nỗ lực thăng tiến các giá trị tự do và dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG