Đường dẫn truy cập

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau ngày 11 tháng 9. - 2003-09-11


Sau khi 19 tên không tặc cho phi cơ đâm vào trung tâm Thương Mại Thế Giới tại New York và Ngũ Giác Đài ở thủ đô Washington ngày 11 tháng 9 năm 2001, tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã tuyên bố mở một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Các lực lượng Hoa Kỳ đã tấn công các thủ lãnh của mạng lưới khủng bố Al Qaida tại các căn cứ của chúng ở Afghanistan, và lật đổ chính phủ Hồi giáo cực đoan tại đó . Từ Washington, Thông tín viên Laurie Kasman của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tường trình rằng kể từ đó khu vực Trung Đông hầu như được xem là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Hai năm sau ngày xảy ra vụ tấn công hôm 11 tháng 9 , tổng thống Hoa Kỳ George Bush khẳng định rõ là cuộc chiến chống khủng bố vẫn là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Chúng ta đã tấn công thẳng vào kẻ thù. Chúng ta đang đẩy lui mối đe dọa khủng bố để nó phải nhường bước cho văn minh, không phải là chúng ta chỉ tấn công vào ảnh hưởng bên lề của nó mà là vào tận trung tâm sức mạnh của nó.

Trong những tháng đầu tiên sau các vụ tấn công 11 tháng 9 , các lực lượng Hoa Kỳ đã tấn công thẳng vào Afghanistan, đánh đuổi quân khủng bố Al Qaida ,lực lượng đứng đằng sau các vụ tấn công tại New York và Washington. Trận chiến này đã mang đến kết quả là sự thay đổi chính phủ tại Kabul và những nỗ lực tái thiết nước này đang được tiến hành. Giờ đây thì chính phủ đang chuyển trọng tâm cuộc chiến chống khủng bố sang Trung đông, đáng kể nhất là Iraq.

Giờ đây Iraq là mặt trận trung ương. Những kẻ thù của tự do đang cố gắng một cách tuyệt vọng để bám víu lấy phần đất này và chúng sẽ bị đánh bại.

Nhưng quyết định của tổng thống Bush can thiệp quân sự vào Iraq để đánh đuổi Saddam Hussein mà không có sự chấp thuận của LHQ đã khiến cho mối bang giao với các nước từ trước đến giờ vẫn là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trở nên cay đắng.

Mối căng thẳng còn kéo dài cho đến nay đang làm cho những nỗ lực của Washington vận động LHQ chia xẻ gánh nặng tái thiết và tái lập an ninh cho Iraq gặp khó khăn.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đang trông đợi các nước thành viên LHQ hãy loại bỏ những tranh chấp trong quá khứ để giúp Iraq chuyển đổi chính trị. Sau đây là lời ngoại trưởng Powell:

Chúng ta có cùng chung một mục tiêu: trả lại chủ quyền cho nhân dân Iraq sớm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sớm, nhưng phải phù hợp với thực tế. Và nếu như tất cả chúng ta đều đồng lòng tiến đến mục tiêu chung thì theo tôi dường như chúng ta sẽ có thể đạt tới một nghị quyết được nhiều người ủng hộ và tôi hy vọng là các nước sẽ nhất trí ủng hộ.

Đa số các nước thành viên LHQ đều ngần ngại không muốn tham gia nỗ lực tái thiết trừ phi Washington nói rõ các chi tiết về kế hoạch chia sẻ trách nhiệm. Ngay tại nội địa chính phủ Bush cũng bị các nhà làm luật chỉ trích nặng nề. Họ than phiền rằng chính phủ đã không chuẩn bị chu đáo để đối phó với giai đoạn sau cuộc chiến. Họ đã chỉ trích lời yêu cầu của hành pháp muốn được chấp thuận ngân khoản 87 tỉ đô la để chi trả cho các chương trình an ninh và tái thiết Iraq mà không có sẵn một chiến lược rõ ràng để chấm dứt can thiệp tại đó.

Nhưng các giới chức chính phủ Mỹ quyết tâm muôn thấy một cuộc chuyển đổi sang dân chủ tại Iraq mà theo họ có lẽ sẽ là một kiểu mẫu cho phần còn lại của khu vực này.

Chuyên gia phân tích tình hình trung đông William Nash cảnh báo rằng sự bất lực của quân đội Hoa Kỳ không nhanh chóng tái lập an ninh và các dịch vụ căn bản cho nguờ dân Iraq đang làm mất uy tín của Hoa Kỳ và châm ngòi cho những vụ bạo động bài Mỹ. Cựu chỉ huy trưởng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Bosnia và Kosovo giờ đây đang điểu khiển công cuộc nghiên cứu về chính sách Ngoại Giao Phòng Ngừa tại Hội Đồng đặc trách Quan Hệ Nước Ngoài, phát biểu như sau:

Trong những điều tôi học được là người dân trong vùng này mang ý nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Vì thế theo họ, điều gì mà Hoa Kỳ không làm được có nghĩa là vì chúng ta không muốn làm.

Các học giả và các nhà ngoại giao Ả Rập cho hay cái ý nghĩ đó còn mở rộng thêm ra đến cuộc tranh chấp Israel và Palestine, cuộc tranh chấp mà theo họ là một trong những căn nguyên gây ra nạn khủng bố.

Sau khi loại bỏ Saddam Hussein khỏi chính trường Iraq , tổng thống Bush thúc đẩy mạnh để nốí lại các cuộc thương thuyết tìm hòa bình và hứa là Hoa Kỳ sẽ can dự lâu dài ở cấp cao vào tiến trình này. Bản lộ đồ hòa bình cho Israel và Palestine kêu gọi thiết lập một quốc gia của người Palestine trễ nhất là năm 2005.

Chỉ mấy tháng sau dường như nỗ lực này lại trên bờ vực sụp đổ giữa những tranh giành quyền lực giữa nguơiø Palestin với nhau, cùng với những vụ đánh bom tự sát của nguời Palestine đã bắt đầu lại, và những vụ hạ sát các phần tử Hồi giáo cực đoan do Israel thực hiện.

Một số các nhà phân tích thời cuộc Trung đông bày tỏ lo ngại rằng việc Hoa Kỳ đặt trọng tâm chú ý vào Iraq đang chuyển hướng năng lực chính trị vô cùng cần thiết của Hoa Kỳ ra khỏi tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG