Đường dẫn truy cập

Chưa rõ số phận nhà truyền giáo Mỹ mất tích ở Bắc Triều Tiên


<!-- IMAGE -->

Đúng một tháng đã trôi qua kể từ khi nhà hoạt động Ky tô giáo người Mỹ Robert Park vượt biên giới bất hợp pháp sang Bắc Triều Tiên. Cho tới nay, gia đình và bạn bè của ông vẫn chưa hay biết gì về số phận của ông. Từ Seoul, thông tín viên Kurt Achin gửi về bài tường trình sau đây.

Một cộng sự viên thân tín của ông Robert Park nói rằng dự kiến sẽ có hơn 2.000 người đến từ nhiều quốc gia tham gia cuộc tuần hành vào ngày 25 tháng Hai sắp tới tại Seoul, để ủng hộ nhà truyền giáo người Mỹ này.

Ông Jo Sung-rae người dẫn đầu một nhóm hoạt động tích cực tại thủ đô của Nam Triều Tiên, nói:

"Tôi vẫn giữ niềm tin rằng ông Park sẽ tai qua nạn khỏi. Tôi không lo ngại gì cả, bởi vì Thượng Đế sẽ lo lắng cho ông Park."

Các đồng nghiệp nói rằng ông Park, một cư dân của bang Arizona, Hoa Kỳ, đã băng qua một dòng sông đông đá ở biên giới để sang Bắc Triều Tiên vào đúng ngày lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12.

Họ cho biết ông Park có mang theo một quyển Kinh thánh và một bức thư gửi đến lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, kêu gọi ông hãy chấp nhận tình yêu của Chúa và đóng cửa các trại lao động khổ sai, nơi mà các chuyên gia tin rằng khoảng 200.000 người Bắc Triều Tiên đang bị giam giữ về các tội chính trị.

Cơ quan thông tấn chính thức của Bình Nhưỡng đã ra một thông cáo hồi tháng trước, thừa nhận rằng một công dân Mỹ đã bị bắt giữ, tuy nhiên Bắc Triều Tiên chưa hề công khai nhắc đến tên của ông Park.

Bắc Triều Tiên không dung chấp bất cứ ảnh hưởng nước ngoài nào nếu không được mời, và cũng không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào nhắm đến ý thức hệ chính thức của nhà nước, theo đó các thành viên của gia đình đương kim Chủ tịch Kim Jong Il được tôn vinh như những vị thánh sống.

Các nhà hoạt động bênh vực nhân quyền nói những người theo Ky tô giáo đặc biệt bị chú ý để bị trừng trị nghiêm ngặt.

Nhà hoạt động Jo nói cha mẹ của ông Park hoàn toàn ủng hộ việc làm của ông Park.

Trong một chuyến đi thăm Seoul mới đây, ông Robert King, đặc sứ Mỹ đặc trách vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nói rằng Washington đang làm việc với các quốc gia hữu nghị để truy tìm thông tin về tình trạng an sinh của ông Park.

Ông nói tiếp: "Chúng tôi đã yêu cầu 'thế lực bảo vệ chúng tôi' tại Pyongyang xác định tình trạng của ông Park, nhưng cho tới bây giờ chúng tôi chưa nhận được tin tức gì về tình trạng của ông."

Cụm từ "thế lực bảo vệ chúng tôi" mà ông King đề cập đến là đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô của Bắc Triều Tiên.

Thụy Điển đôi khi thực hiện một số chức năng ngoại giao thay mặt cho Hoa Kỳ, bởi vì Hoa Kỳ không có quan hệ bang giao chính thức với Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG