Đường dẫn truy cập

Tiếng Việt: Vật và người


<!-- IMAGE -->

Về phương diện ngôn ngữ, hình như trên cơ thể con người chỗ nào cũng thoang thoảng mùi... các loài vật: thú vật, súc vật, côn trùng, chim cá, và cả các giống vật chỉ có trong huyền thoại.

Này nhé, đầu thì có đầu hổ, đầu trâu, đầu chó, đầu rồng, đầu hươu, đầu rái cá, đầu voi, đầu rắn...; mặt thì có mặt chuột, mặt dơi, mặt khỉ, mặt ngựa, mặt gà mái, mặt cú da dơi, mặt rồng, mặt gan (gan lim); mắt thì có mắt lươn, mắt cú vọ, mắt phượng, mắt bồ câu, mắt nai, mắt ếch, mắt ốc bươu, mắt ốc nhồi, mắt diều hâu, mắt dơi (mày chuột), mắt cú (da lươn), mắt lợn luộc; mũi thì có mũi kéc, mũi trâu, mũi kỳ lân; râu thì có râu hùm (hàm én), râu dê hay râu cá trê; miệng thì có miệng hùm, miệng cá ngao, miệng lằn (lưỡi mối); lưng thì có lưng ong, lưng tôm; chân thì có chân voi, chân le, chân vịt; còn trong nội tạng thì nào là phổi bò, gan sứa, gan thỏ hay gan cóc tía, nào là máu dê, ruột ngựa, dạ sói, lòng lang, v.v...

Sự xuất hiện của tên gọi các loài động vật trong các từ ghép kể trên không cho thấy quan niệm của người Việt Nam về con người nói chung mà chủ yếu cho thấy cách nhìn của họ về các loài động vật ấy: trong quá trình ẩn dụ hoá, động vật không còn là những con thú, những con vật cụ thể nữa mà đã trở thành những biểu tượng, những đặc điểm chung nhất có thể chia sẻ được với loài người. Từ chức năng định danh, chúng biến thành định tính. Sự chuyển hướng ấy không những làm mở rộng ý nghĩa của các danh từ chỉ động vật mà còn làm chuyển cả từ loại của chúng: từ danh từ biến thành tính từ, trạng từ hay động từ.

Ðiều thú vị là mức độ chuyển nghĩa và chuyển từ loại ở mỗi loài vật rất khác nhau. Không phải con thú nào được đặt nhiều tên cũng đều có khả năng chuyển nghĩa và chuyển từ loại rộng rãi.

Như cọp, chẳng hạn. Trong rất nhiều tên gọi khác nhau của giống cọp, chỉ có hai tên hổ và hùm là được sử dụng như một hình dung từ, chỉ sự dữ và độc, trong các từ ghép: rắn hổ, nhện hắc hổ hay nhện hùm, v.v… Riêng chữ cọp, từ lâu, đã biến thành một ẩn dụ: cọp cái, chỉ những người đàn bà hung hãn. Cọp, khi được dùng như một trạng từ, chỉ hành động xài bòn, lợi dụng, thiếu sòng phẳng. Trong Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, các ví dụ của chữ “cọp” này được nêu lên là: đi xe cọp, chơi cọp, hút cọp, đọc báo cọp, coi hát cọp. Theo sự hiểu biết của tôi, hình như chỉ có nhóm từ “đọc báo cọp” và “coi hát cọp” là phổ biến.

Trong các trường hợp khác, hình như người Việt Nam thường dùng chữ “chùa” hơn là “cọp”: ăn chùa, ở chùa, đi chơi chùa, hút thuốc lá chùa, v.v… Hơn nữa, chữ “cọp” này hình như ra đời khá muộn và chỉ thông dụng ở miền Nam: hầu hết các từ điển xuất bản ở miền Bắc đều không có từ này. Trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng chưa thấy có.

Kể ra, quá trình chuyển nghĩa từ một cái gì độc dữ hay hung hãn (rắn hổ / cọp cái) đến hình ảnh những kẻ xài bòn, chỉ thích đọc ké, đọc chùa, chứ không chịu mua và trả tiền đàng hoàng rõ ràng là một chuyển biến thú vị, ở đó, uy thế và hào quang của loài chúa tể sơn lâm dường như không còn nữa. Cọp bị truất ngôi.

Tương tự là trường hợp của con cò. Trong ca dao Việt Nam, con cò là một trong những con vật xuất hiện nhiều nhất, và nói chung, với nhiều ưu ái nhất. Cò được xem là hình ảnh của những người dân quê thật thà, chất phác, hay lam hay làm và chịu thương chịu khó, thỉnh thoảng, còn bị oan khuất nữa.

Trong lãnh vực ngôn ngữ, cò là một trong những chữ có khả năng chuyển nghĩa rộng rãi và đa dạng nhất trong các từ chỉ động vật. Trước hết, cò có nhiều loại: cò bợ, cò dang, cò đen, cò đĩa, cò độc, cò hương, cò lửa, cò ma, cò ngà, cò trâu, cò quăm, v.v… Không phải cò nào cũng trắng nhưng dù sao màu trắng cũng là màu chủ đạo của giống cò; do đó, cò trở thành từ đồng nghĩa với trắng. Ở Nam Bộ, người ta gọi vịt trắng là vịt cò, chó trắng là chó cò, và trâu trắng cũng là trâu cò… Hình ảnh mảnh mai và gầy guộc của cò thâm nhập vào hình ảnh của con người với cổ cò và thân cò (nhớ hình ảnh bà vợ của Tú Xương: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”). Hình ảnh có “cái cổ cong cong” và “cái cẳng cao cao” ấy cũng trở thành tên gọi của một số vật dụng: chiếc bẫy cò ke và cái cò trong các khẩu súng hiện đại. Ði lóm thóm, chúng ta nói: cò rò. Tính cần cù, hiền lành và từ tốn của cò làm nảy ra các tính từ “cò con” và “cò rỉa” chỉ những việc làm có quy mô nho nhỏ, lợi lộc nho nhỏ, với những tính toán và những ước mơ nho nhỏ. Cò kè thì mang âm hưởng xấu hơn, không chừng do ảnh hưởng của Truyện Kiều với hình ảnh của Mã Giám Sinh, nhất là lúc mua Thuý Kiều “Cò kè bớt một thêm hai…”

Dù sao, điều thấy rõ nhất là càng ngày chữ cò càng nghiêng về những hình ảnh tiêu cực. Ở Việt Nam hiện nay, chữ cò được sử dụng rất rộng rãi: cò đĩ điếm, cò bến xe, cò bệnh viện, cò nhà đất, cò thi cử, cò lao động xuất khẩu, v.v… Ở đâu cò cũng ám chỉ những người mối lái, mánh mung, chụp giật, chuyên làm những điều bất chính và bất hảo. Từ hình ảnh những người lam lũ trong “cái cò đi đón cơn mưa” và những người chịu oan khuất trong “không, không, tôi đứng trên bờ / mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi”, cò hiện đại lại là những kẻ đi lừa gạt người khác. Cũng là một thoái bộ. Y như cọp.

Hình như trong tiếng Việt, và từ đó, trong tâm thức người Việt, con heo chưa bao giờ là biểu tượng của cái gì tốt đẹp cả. Nghĩ đến heo, người ta thường nghĩ đến thói tham ăn, lười biếng, dơ dáy và ngu ngốc: lười như heo, dơ như heo, ngu như heo, v.v… Sau này, có lẽ do ảnh hưởng của phương Tây, heo còn tồi tệ hơn nữa: nó trở thành biểu tượng của nhục dục, thậm chí, dâm dục: “con lợn lòng” hay “phim con heo”, v.v…

Các con vật khác ít thay đổi hơn. Voi và trâu được xem là biểu tượng của sự to lớn, dềnh dàng, do đó, chúng ta có sâu voi, châu chấu voi, cá voi, chân voi... ruồi trâu, đỉa trâu, hổ trâu… Có thai quá ngày mà không sinh được, người ta gọi là chửa trâu hay nghén trâu... Ðể tả tính cách của con người, nói đến rùa là nói đến sự chậm chạp; nói đến gấu là nói đến sự dữ dằn; nói đến cáo hay rắn là nói đến những mưu mô thâm độc; nói đến ruột ngựa là nói đến sự ngay thẳng nhưng nói đến tính ngựa thì lại nói đến sự dâm đãng ở phụ nữ, tương tự như chữ dê xồm dành cho nam giới.

Ngoài ra, một số tên động vật cũng trở thành hình dung từ miêu tả một trạng thái nào đó của con người hay liên hệ đến con người: bơi bướm, tin vịt, học vẹt, nảy đom đóm, ngủ gà (ngủ gật), chim chuột, nhảy (lò) cò, v.v…

Bạn có biết còn những chữ nào khác nữa không?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG