Đường dẫn truy cập

Nữ lao động người Việt và nạn buôn bán lao động ở Malaysia


Ký túc xá có tường rào bao quanh, nơi các công nhân Việt Nam ở sau khi bị Sony sa thải
Ký túc xá có tường rào bao quanh, nơi các công nhân Việt Nam ở sau khi bị Sony sa thải

30 nữ công nhân Việt Nam đã trở thành nạn nhân của tình trạng buôn bán lao động tại Malaysia, nước bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách các nước có tình trạng buôn người tồi tệ nhất. Hiện tại họ đang được Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) trợ giúp để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. CAMSA là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở Á Châu và khắp nơi trên thế giới.

Việt Nam với dân số khoảng 86 triệu người trong đó có hơn một nửa ở độ tuổi lao động, và mỗi năm lại có thêm khoảng 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động, vì vậy xuất khẩu lao động được coi là một giải pháp hữu hiệu để tạo công ăn việc làm cho lực lượng đông đảo này. Hơn nữa xuất khẩu lao động còn giúp cải thiện đời sống cho công nhân, đem lại nguồn thu nhập ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

Với những lợi ích đó hàng năm hàng chục ngàn công nhân Việt Nam đã lên đường đi lao động xuất khẩu nơi xứ người với mong muốn có được một mức thu nhập khá hơn để giúp gia đình họ có được cuộc sống bớt khó khăn.

Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm 2009 đã có 65.787 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bất chấp tình hình suy thoái kinh tế khiến mức cầu về nguồn lao động nước ngoài suy giảm.

Tuy nhiên, không phải người lao động nào ra nước ngoài cũng toại nguyện với mơ ước thoát nghèo và một số trường hợp đã rơi vào hoàn cảnh đáng thương đặc biệt là các lao động nữ. Họ đã trở thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người, buôn bán lao động hay những vụ ngược đãi. 30 nữ công nhân làm việc tại công ty Sony ở Malaysia là một trường hợp điển hình trong năm nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển Hoa Kỳ(Boat People SOS ), là tổ chức đồng sáng lập Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á Châu (CAMSA), những nữ lao động này được đưa sang Malaysia vào cuối năm 2007 trong hợp đồng đã ký với thời hạn 27 tháng để làm việc cho công ty Sony, nhưng chưa được 1 năm thì họ đã bị sa thải và bị giao lại cho một công ty môi giới của Malaysia, công ty này sau đó đã bán họ cho các chủ sử dụng lao động khác nhau. Tại những công ty mới các nữ công nhân đã phải làm việc gần như không có lương mà còn bị đánh đập trong rất nhiều tháng.

“Chúng tôi đã gặp các nạn nhân người Việt trong chuyến đi hồi tháng 6 thì lúc gặp họ rất khủng hoảng, vì họ bị thiếu ăn, bị đàn áp, bị nhốt trong một cơ sở rõ ràng giống như nhà tù, bởi có lính gác, có hàng rào kẽm gai, có cổng sắt, và đèn đuốc sáng choang để không ai chạy thoát đi được. Thành ra trong tâm trạng khủng hoảng đó khi gặp chúng tôi họ rất mừng.”

Sau khi chứng kiến và điều tra vụ việc, CAMSA đã đứng ra giúp giải cứu các nữ công nhân này và đại diện cho họ trong việc điều đình với công ty Sony và công ty môi giới của họ ở Malaysia là JR Holdings."

Tiến sĩ Thắng, người đang có mặt tại Malaysia để họp trực tiếp với tổng giám đốc và ban điều hành của công ty Sony nhằm tiếp tục yêu cầu họ có biện pháp giải quyết trường hợp của các công nhân này, cho hay, CAMSA đã đòi hỏi để các công nhân được trả lại các tháng lương mà họ bị thiếu đồng thời bồi thường tất cả tổn hại đối với tinh thần và vật chất. Còn đối với các công nhân không thể đi làm được do họ bị khủng hoảng tinh thần sau vụ việc này thì công ty phải trả toàn bộ số lương cho đến hết thời hạn 27 tháng.

Tiến sĩ Thắng cho biết về một số kết quả sau các cuộc đàm phán tính tới thời điểm này:

“Hiện nay công ty Sony thứ nhất họ đã đồng ý đưa tất cả các công nhân người Việt trở lại làm việc. Công ty môi giới tuyển người cho công ty Sony đồng ý trả 1.900 ringit (khoảng 550 đôla), tuy nhiên con số này còn quá thấp so với khoản lương của các tháng không được trả là khoảng 2.000đôla. Chúng tôi đang tiếp tục đòi họ trả đầy đủ các khoản lương đã thiếu cộng vào đó tất cả các tổn hại về tinh thần và vật chất chưa được bồi thường. Ngày 5 tháng 1 tới công ty Sony sẽ yêu cầu cơ quan tuyển nhân sự JR Holdings họp trực tiếp với luật sư của CAMSA để giải quyết trực tiếp những điều kiện mà chúng tôi đưa ra.”

Khi được hỏi về sự hỗ trợ của giới hữu trách Việt Nam ở nước sở tại, cụ thể là Đại sứ quán Việt Nam trong trường hợp này, TS Thắng cho biết. Đại sứ quán cũng đã yêu cầu đại diện của công ty tuyển người môi giới ở Việt Nam sang Malaysia và cũng có một giới chức của đại sứ quán VN đến gặp công nhân và cũng cùng họ điều đình. Ông cho biết thêm:

“Tuy nhiên có điều đáng tiếc là khi điều đình với công ty JR Holdings có lẽ nhân viên đại sư quán đã không rõ ràng thành ra khoản tiền 1.900 ringit để bồi thường tạm thời lại bị diễn giải là sự thoả thuận để thanh lý mọi điều khoản khiếu nại của công nhân. Do chính vì sự ngộ nhận có lẽ do giới chức của sứ quán không rõ ràng thành ra hiện nay JR Holdings vin vào đó để nói rằng chúng tôi đã trả 1900 và tất cả các công nhân đồng ý không thưa kiện gì nữa và chúng tôi biết rằng đó không phải là thực tế. Thành ra chúng tôi đang phải bổ sung điều đình.”

CAMSA cũng đồng thời đã đưa vụ việc ra toà án lao động để phòng trường hợp công ty Sony và JR Holdings không thanh khoản tất cả điều kiện mà CAMSA đưa ra cũng như nguyện vọng của công nhân.

Vậy để tránh tình trạng này trong tương lai và để bảo vệ cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài thì giới hữu trách Việt Nam nên có hành động gì? Tiến sĩ Thắng đưa ra một số gợi ý sau:

“Thứ nhất là phải xử trí các công ty môi giới tuyển công nhân đi lao động ở ngoài nước. Có rất nhiều hành vi đã vi phạm chính luật xuất cảnh lao động hiện nay của nhà nước Việt Nam nhưng chính phủ chưa hề điều tra chứ chưa nói đến vấn đề truy tố và xử phạt. Thứ hai có những quĩ mà công nhân đã đóng góp để hỗ trợ cho công nhân lao động nước ngoài thì nên trích ra để giúp cho công nhân trong thời gian không có thu nhập hoặc để giúp họ hồi hương vì bị khủng hoảng tâm lý và không làm việc được. Cái quan trong nhất là phải chứng tỏ được rằng chính quyền Việt Nam bênh vực cho quyền và lợi ích của công dân Việt Nam được gửi đi lao động ở Malaysia và các quốc gia khác và phải lên tiếng mạnh mẽ với chính phủ Malaysia đòi hỏi rằng phải bảo vệ cho quyền và lợi ích của công nhân Việt Nam đang lao động ở Malaysia”.

Ngoài ra TS. Thắng cũng cho rằng chính phủ cần phải lên tiếng để đòi hỏi các công ty sử dụng lao động ở Malaysia phải tôn trọng lợi ích của công nhân cũng như cần phải phối hợp với các tổ chức như CAMSA để đưa ra những vụ kiện về dân sự và đồng thời yêu cầu chính phủ Malaysia phải có biện pháp hình sự để xử lý và truy tố các thủ phạm buôn người và bóc lột lao động người Việt.

Còn về phía người lao động Việt Nam TS. Thắng cho rằng chính bản thân của mỗi người cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng từng công ty một, những công ty môi giới nào có thắc mắc thì cần phải tránh xa.

“Chúng tôi mong rằng các công nhân hiểu được quyền và lợi ích của mình khi đi lao động như vậy thì được sự bảo vệ không những của luật pháp quốc gia Việt Nam mà còn được bảo vệ bởi luật pháp quốc gia của nước tiếp nhận và họ biết chỗ nào để kêu gọi sự can thiệp. Chẳng hạn ở Malaysia chúng tôi có đường dây hỗ trợ toàn quốc để nếu người Việt gặp nạn thì có thể liên lạc với chúng tôi để có sự can thiệp.”

CAMSA cũng đã lập một trang mạng để liệt kê ra những công ty nào đã bê bối, lường gạt công nhân hoặc tắc trách không can thiệp cho công nhân khi họ gặp nạn chiếu theo hợp đồng và luật pháp quốc gia để các công nhân tránh né các công ty đó.

CAMSA được thành lập vào tháng Hai năm 2008 và hiện gồm bốn thành viên Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (Hoa Kỳ), Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (Hoa Kỳ) và Liên Hội Người Việt Canada (Canada).

Quí vị có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về CAMSA ở địa chỉ http://www.camsa-coalition.org

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG