Đường dẫn truy cập

Chưa đạt được thỏa thuận về khí hậu


<!-- IMAGE -->

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen đang tới gần cao điểm khi các nhà lãnh đạo của hơn 100 quốc gia bắt đầu tới để tham dự hai ngày cuối cùng của hội nghị. Theo dự kiến, hội nghị này sẽ kết thúc vào ngày mai. Mục đích là đạt được một thoả thuận hay ít nhất một khung sườn khả thi để ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt trên trái đất. Nhưng, theo tường thuật của thông tín viên đài VOA, Sonja Pace gởi về từ Copenhagen thì những khác biệt quan trọng trong lập trường các nước vẫn còn tồn tại.

Khi hội nghị này bắt đầu hơn một tuần trước, phái đoàn các nước đã được nghe rằng thời gian hành động để chấm dứt biến đổi khí hậu không còn nhiều nữa.

Trong những ngày cuối của hội nghị này thông điệp đó vẫn còn hầu như nguyên vẹn khi Thủ Tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhắc nhở những người tham dự hội nghị.

Ông Rasmussen nói: "Tôi nghĩ rằng, thế giới đang trông đợi chúng ta đạt được một loại hiệp định nào đó về biến đổi khí hậu."

Bộ trưởng môi trường các nước đã tham gia cùng phái đoàn nước họ trong tuần này và các cuộc đàm phán đã kéo dài suốt đêm khi các vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước bắt đầu tới thủ đô Đan Mạch.

Nhưng những khác biệt quan trọng giữa các nước vẫn còn tồn tại và các bài diễn văn thường vẫn mang cùng giọng điệu - biểu lộ sự bất đồng giữa Bắc với Nam, giầu với nghèo. Nước nào đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và nước nào là nạn nhân của hiện tượng này.

Nhận định của Tổng Thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe là một trường hợp điển hình.

Ông Mugabe nói: “Chúng ta đang đứng trước vấn đề quyền lợi. Chúng ta phải đối phó với các nền kinh tế lớn dựa trên một mô hình phát triển sai lầm gây tai hại cho môi trường, và có khát vọng thống lãnh thế giới.”

Nhưng cũng có những giải pháp khác, một biểu thị từ các nước Châu Phi cho thấy rằng họ có thể giảm bớt số tiền mà họ nói là họ cần để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Và Hoa Kỳ cũng đã hứa cung cấp từ 1 tỉ đô la cho một ngân khoản toàn cầu trị giá 3,5 tỉ đô la để ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vì nạn phá rừng.

Giám đốc cơ quan khí hậu Liên Hiệp Quốc, ông Yvo de Boer, nói rằng, đã có một số tiến bộ.

Ông De Boer cho biết: "Đã có những số tiền đáng kể được đề nghị, và cũng có những mục tiêu trong một số lãnh vực được đưa ra thảo luận như khả năng xây dựng, kỹ thuật, giảm bớt khí thải từ nạn phá rừng, chúng tôi đã thấy những tiến bộ thật sự về vấn đề này."

Nhưng những bất đồng ý kiến khác vẫn còn tồn tại – trong đó có việc gia hạn Nghị Định Thư Tokyo năm 1997 qua kỳ hạn chót để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2012. Những câu hỏi liên quan tới việc nước nào sẽ cắt giảm khí thải, ít nhất là bao nhiêu, việc đó tốn kém bao nhiêu, và nước nào sẽ chi trả số tiền đó vẫn chưa được giải đáp.

Đã có những mối nghi ngờ được nêu ra rằng hội nghị này sẽ đạt được một thỏa thuận có tính cưỡng chế về tình trạng biến đổi khí hậu. Và các chuyên gia phân tích nói rằng họi nghị có thể phải kết thúc bằng việc đạt được một khung sườn với các chi tiết sẽ cần phải được điền khuyết về sau này.

Nhưng ông Yvo de Boer của Liên Hiệp Quốc vẫn tỏ ra lạc quan.

Ông De Boer nói tiếp: “Tôi vẫn tin rằng có thể đạt được một thành quả thực sự. Nhưng tôi phải nói rằng 24 tiếng đồng hồ sắp tới là tuyệt đối cấp thiết.”

Sẽ có thêm các nhà lãnh đạo trên thế giới đến Copenhagen để xem liệu có thể san bằng những cách biệt nhằm đạt được một thỏa thuận về khí hậu hay không. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự trù sẽ phát biểu trước hội nghị vào ngày mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG