Đường dẫn truy cập

Bảng nào là 'bảng tử thần' tại Nam Phi 2010?


Lễ rút thăm hoành tráng tại Cape Town hồi cuối tuần qua đã thực sự khởi động cơn sốt World Cup khi lá thăm may rủi đưa nhà vô địch thế giới 5 lần Brazil vào 'bảng tử thần', đưa đội tuyển Mỹ vào đụng lại Anh sau 60 năm, trong khi đó lại để đương kim vô địch Ý vào một bảng 'ưu đãi'. Phóng viên Tấn Chương đã trao đổi với các nhà bình luận World Cup để gởi đến quý thính giả thêm các nhận định ban đầu của giới am tường về các bảng đấu của vòng chung kết Nam Phi 2010.

Bình luận viên thể thao Sonny Young của đài VOA nhận định rằng: "Một trong các bảng được gọi là 'bảng tử' là Bảng G. Đội hạt giống số một của bảng này là nhà vô địch thế giới 5 lần Brazil. Ba đội kia là Bắc Triều Tiên, Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) – một trong những đội mạnh nhất của châu Phi, và Bồ Đào Nha. Đặc biệt trong đội tuyển Bồ Đào Nha rất mạnh và đồng đều này còn có ngôi sao đoạt giải Cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới năm 2008 của FIFA, Cristiano Ronaldo."

Anh Huy Hoàng, một cựu biên tập viên thể thao của một nhật báo thể thao Việt Nam, có cùng nhận định rằng các bảng đấu World Cup kỳ này khá cân bằng, tuy nhiên Bảng G với sự có mặt của hai đội bóng 'họ hàng' nói tiếng Bồ Đào Nha vẫn là gây cấn hơn cả.

Anh Huy Hoàng: "Thực ra kết quả bốc thăm lần này xem ra khá cân bằng, không có sự chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên Bảng G có thể được xem là 'bảng tử thần'. Ngoại trừ Bắc Triều Tiên, dù là một bất ngờ của châu Á, vẫn chỉ là đội lót đường của cuộc chơi lần này mà thôi. Ba đội còn lài là Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà đều có cơ hội sẽ đi tiếp. Theo tôi Bờ Biển Ngà là đội sẽ gây khó dễ cho Brazil và Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, có những phân tích và chọn lựa khác nhau về bảng được cho là 'dễ chịu nhất'. Điều này cũng dễ hiểu là vì 32 đội bóng có mặt tại vòng chung kết là các đội mạnh nhất thế giới, do đó khó có thể đánh giá đội nào là 'dễ chịu'.

Bình luận viên Sonny Young nói về các bảng được xem là 'dễ chịu' rằng: "Hôm thứ Sáu, huấn luyện viên Bob Bradley của đội tuyển Mỹ đã bày tỏ hài lòng với kết quả rút thăm đưa đội Mỹ vào Bảng C để đụng với đội hạt giống số một của bảng này là Anh. Hai đội còn lại là Algeria và Slovenia không được xem là những đội mạnh trong làng bóng đá quốc tế. Do đó bảng này được đánh giá là bảng tương đối dễ."

Cũng theo bình luận viên Sonny Young thì ở Bảng F, đương kim vô địch Ý ắt hẳn rất hài lòng với các đối thủ cùng bảng vì 3 đội còn lại có lẽ khó làm nên được chuyện lớn, và rõ ràng là Ý được đánh giá cao hơn hẳn.

Nhưng theo bình luận của anh Huy Hoàng thì Bảng H của hạt giống số một Tây Ban Nha là có vẻ 'nhẹ cân' nhất.

Anh Huy Hoàng: "Theo tôi bảng nhẹ cân nhất dành cho đội gọi là ứng cử viên chính là Bảng H, trong đó có Tây Ban Nha. Tây Ban Nha sẽ là đội cảm thấy dễ dàng nhất, 'dễ thở' nhất là vì Thụy Sĩ, Honduras và Chilê xét về phong độ, và đẳng cấp ở thời điểm hiện tại thì cả ba đội bóng này đều chưa phải là đối thủ thật sự của Tây Ban Nha."

Cho tới nay thì thứ tự đẳng cấp bóng đá thế giới vẫn chưa có sự thay đổi nào lớn. Theo bình luận của anh Huy Hoàng thì vẫn các 'đại gia' truyền thống sẽ là các ứng cử viên cho chức vô địch, trong khi các đội bóng châu Á vẫn chưa thể tiến lên vị trí hàng đầu được.

Anh Huy Hoàng: "Sau kết quả bốc thăm nào thì các chuyên gia cũng dễ dàng đưa ra danh sách các ứng cử viên được đánh giá cao, và lần này vẫn là Brazil, Argentina, Ý, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp.

Tuy nhiên theo tôi thì tôi sẽ gạch tên Pháp, Ý và Bồ Đào Nha ra khỏi danh sách ứng cử viên vô địch lần này, là vì Ý thì quá già nua; Pháp dường như mất phương hướng trong đấu pháp và thiếu cả thủ lĩnh; Bồ Đào Nha thì quá thiếu ổn định.

Ngược lại tôi sẽ bổ sung Đức vào danh sách ứng cử viên lần này, bởi vì người ta nói rằng đừng bao giờ xem thường 'cỗ xe tăng Đức', ngay cả ở thời điểm họ không được đánh giá cao, chẳng hạn như tại World Cup 1990 ở Ý, lúc đó họ không được đánh giá cao, nhưng đã trở thành nhà vô địch.

Trong số các đội bóng đá châu Á và châu Đại Dương hiện nay thì tôi vẫn đánh giá Úc là đội có nhiều cơ hội để tiến sâu, chứ chưa thể là ứng cử viên cho chức vô địch, bởi vì họ có nhiều cầu thủ đang chơi cho các đội bóng lớn ở châu Âu, nên sẽ không cảm thấy quá ngộp ở đấu trường lớn như World Cup. Hơn nữa họ cũng đã có dịp được cọ xát ở World Cup 2006. Đẳng cấp của các đối thủ cùng bảng của họ kỳ này là Đức, Serbia và Ghana không phải là quá cách biệt đối với họ.

Trong khi đó Nhật thì khó 'có cửa' với với Hà Lan, Đan Mạch và Cameroon.

Hàn Quốc hiện tại không còn mạnh như trước đây nữa. Họ không còn một huấn luyện viên khôn khéo, biết kích thích tinh thần cả đất nước Hàn quốc lên cao như vậy.

Bắc Triều Tiên theo thôi cũng chỉ là đội lót đường cho những 'ông lớn' như Bồ Đào Nha, Brazil và thậm chí cho cả Bờ Biển Ngà nữa.

New Zealand thực ra còn quá non nớt ở đấu trường này. Họ có cơ hội đến được World Cup là nhờ Úc chuyển qua khu vực châu Á. Đẳng cấp của họ chưa thể sánh được với Ý, Paraguay, và kể cả Slovakia."


Tổng thống Jacob Zuma của nước chủ nhà đã phát biểu tại lễ bốc thăm rằng chiếc cúp sẽ ở lại châu Phi sau khi World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại châu lục này. Tuy nhiên giới am tường bên ngoài châu Phi cho rằng phát biểu đó là khá lạc quan.

Bình luận viên Sonny Young nói rằng: "Cá nhân tôi không nghĩ đội chủ nhà Nam Phi sẽ nâng cao chiếc cúp vào ngày 11 tháng 7 khi trận chung kết diễn ra ở Johannesburg. Tuy nhiên đây là cơ hội tốt nhất để các đại diện của châu lục này tiến sâu hơn vào các vòng trong – bán kết, kể cả chung kết.

Trước đây mới chỉ có 2 đội châu Phi tiến được đến tứ kết, đó là Cameroon ở Italy 1990, và Senegal ở World Cup 2002. Theo tôi thì nếu Côte d'Ivoire vượt qua được 'bảng tử thần' thì họ sẽ có nhiều cơ hội tiến xa hơn."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG