Đường dẫn truy cập

LHQ: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương là 6%


Một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng khắp châu Á Thái bình dương trong năm tới, đánh dấu sự hồi phục hoàn toàn sau tình trạng suy thoái toàn cầu. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben, thì các nhà kinh tế học của Liên Hiệp Quốc nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra, trong đó có việc các chính phủ sẽ cắt giảm việc chi tiêu để kích hoạt kinh tế quá sớm.

Các kinh tế gia thuộc Ủy ban Kinh Xã Liên Hiệp Quốc đặc trách vùng châu Á Thái bình dương – còn gọi tắt là UNESCAP - nói rằng Trung Quốc sẽ cho thấy sự tăng trưởng nhanh nhất trong vùng, ở mức hơn 9% trong năm tới. Bản phúc trình công bố hôm nay nói rằng Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ báo cáo mức tăng trưởng hơn 5%.

Các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc nói rằng các chỉ số kinh tế chính đã ổn định trong khu vực, bởi vì tăng trưởng đã lấy lại được đà trong nửa thứ nhì của năm nay.

Kinh tế gia trưởng tại UNESCAP, ông Nagesh Kumar đã đưa ra một nhận định thận trọng.

Ông Kumar: “Chúng tôi hy vọng sẽ có được mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2010, khiến cho biểu đồ tăng trưởng kinh tế sẽ có dạng chữ V. Nhưng chúng tôi phải thận trọng nói thêm ở đây rằng dự báo này tùy thuộc vào một số rủi ro tiêu cực. Chẳng hạn như sự trở lại của luồng vốn, luồng tín dụng đổ vào khu vực, nhất là các thị trường đang trỗi dậy, tạo thêm áp lực đối với giá tích sản. Quả bóng tích sản đang phình ra ở một số nền kinh tế chính trong vùng.”

Những quả bong bóng tích sản – tức là giá cả leo thang trong những vụ đầu tư như địa ốc và chứng khoản – có thể sụp đổ, để lại cho các nhà đầu tư những khoản đầu tư có trị giá thấp hơn là số tiền họ chi ra.

Các rủi ro khác cho khu vực gồm vấn đề khi nào các chính phủ sẽ ngưng các chính sách mở rộng. Số chi để kích hoạt kích tế trong năm vừa qua đã giúp nhiều nền kinh tế hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Kumar nói rằng việc đình chỉ quá sớm các chính sách như thế có thể làm tổn hại tình cảm công chúng và gây phương hại đến công cuộc phục hồi.

Các áp lực về lạm phát cũng đã xuất hiện ở một số nền kinh tế, nhất là Ấn Độ, nơi giá nhiên liệu cao hơn đang đẩy giá thực phẩm lên.

Ông Kumar cho rằng các chính phủ cần phải thận trọng tránh việc cắt đứt chi tiêu kích hoạt quá sớm, trong khi bảo đảm rằng việc này không góp phần tạo ra tình trạng lạm phát vào năm tới.

Ông Kumar nói: “Tác động quân bình giữa việc phục hồi tăng trưởng – tức là duy trì động năng tăng trưởng này – trong khi kiềm chế giá cả sẽ là một thách thức quan trọng. Vì thế, chúng ta đang bước vào một lãnh vực môi trường chính sách rất gay go trong năm tới.”

Ông Kumar cho rằng Châu Á cần phải lệ thuộc ít hơn vào thu nhập do xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu bằng cách thăngtiến sự hợp tác về kinh tế, thương mại và tiền tệ trong khu vực.

Các nền kinh tế Tây phương lớn dự trù sẽ vẫn yếu ớt và bị vướng mắc nợ nần trong vài năm nữa do tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng và sự mất quân bình mậu dịch.

Bản phúc trình còn nêu lên vai trò ngày càng tăng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong nền kinh tế toàn cầu, với sự kiện khu vực này dự kiến sẽ là khu vực đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2010.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG