Đường dẫn truy cập

Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết nhân quyền VN


Hôm 26/11, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết về nhân quyền Việt Nam, kêu gọi Hà Nội thả tất cả các nhà hoạt động nhân quyền, các tù nhân lương tâm và chính trị, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý và luật sư Lê Thị Công Nhân.

Nghị quyết của cơ quan lập pháp thuộc Liên minh Châu Âu cũng "lên án việc sử dụng bạo lực xua đuổi hơn 150 sư thầy và sư cô khỏi các tu viện, và kêu gọi chấm dứt việc đàn áp các nhà tu hành."

Nghị quyết có đoạn: "Hôm 27/9/2009, hàng trăm tăng ni Phật giáo trẻ tuổi từ tu viện Bát Nhã bị tấn công và đánh đập một cách tàn bạo trong khi tu viện của họ bị phá hoại, nhưng giới hữu trách và cảnh sát làm ngơ trước lời kêu cứu của họ."

Các nghị viên Châu Âu cũng yêu cầu Việt Nam "thả vô điều kiện" nhà tu hành bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ và "tái lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" hiện bị cấm hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, EP cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam "hạn chế vi phạm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp."

Cơ quan lập pháp của Châu Âu này cũng đề nghị "đưa một điều khoản bắt buộc thực hiện và cụ thể về nhân quyền và dân chủ vào tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới với Việt Nam."

Hôm 8/10, Bộ ngoại giao Việt Nam nói rằng "không có cái gọi là Việt Nam ép 400 người theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã."

Bộ này cũng nói rằng thông tin về đụng độ giữa các sư thầy, sư cô tại tu viện này và chính quyền là "hoàn toàn sai sự thật."

Hà Nội cũng từng khẳng định không bắt các tù nhân chính trị mà chỉ giam những người vi phạm pháp luật.

Cuối tháng mười, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố "Phúc trình về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2009," trong đó nói rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam "tiếp tục được cải thiện" nhưng "những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại."

Với hơn 700 nghị viên được bầu trực tiếp từ 27 nước thành viên của Liên minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu được coi là một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG