Đường dẫn truy cập

Ngành Việt học tại trường Victoria University ở Úc


Trường Victoria University ở Úc, tên tắt là V.U., thường được nhiều người gọi đùa là Vietnamese University, trường Đại Học của người Việt.

Tên gọi ấy xuất phát từ ba lý do chính.

Thứ nhất, mặc dù trường V.U. có đến 12 cơ sở (campus), nhưng cơ sở chính lại nằm ngay tại Footscray, nơi được xem là thủ phủ và cũng là trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria.

Thứ hai, trường V.U. có rất đông sinh viên Việt Nam. Có năm số sinh viên Việt Nam chiếm đến gần mười phần trăm tổng số sinh viên của đại học.

Thứ ba, trường V.U. là đại học có ngành Việt ngữ và Việt học đầu tiên (từ năm 1982) và, trong một thời gian khá dài, được xem là mạnh nhất tại Úc. Mạnh đến độ ông Viện trưởng, Peter Laver, vào giữa thập niên 1990, coi bộ môn tiếng Việt là một trong vài điểm son của trường V.U., là nơi trường có thể khẳng định thế đứng đầy tự hào so với bất cứ một đại học nào khác. Sau này, vì nhiều lý do, uy thế của ngành Việt ngữ và Việt học có phần sút giảm, tuy nhiên, với trường V.U., đó vẫn là một điểm son. Năm 2009, trong nỗ lực tái cấu trúc các ngành học và quân bình ngân sách, trường V.U. quyết định cắt bỏ toàn bộ các ngôn ngữ. Trừ tiếng Việt. Tiếng Nhật: Bỏ. Tiếng Hoa: Bỏ. Tiếng Tây Ban Nha: Bỏ. Duy có tiếng Việt là vẫn còn. Hiện nay tiếng Việt là ngoại ngữ duy nhất được giảng dạy tại V.U. Và trường V.U. là trường đại học duy nhất giảng dạy tiếng Việt tại tiểu bang Victoria., nơi có hơn 72 ngàn người Việt sinh sống.

Ở trên, tôi dùng chữ Việt ngữ và Việt học là có chủ ý. Bởi V.U. không phải chỉ dạy tiếng Việt mà còn dạy cả về văn học, văn hoá và chiến tranh Việt Nam.

Trước hết, về ngôn ngữ, tại trường V.U. có nhiều lớp thuộc nhiều trình độ khác nhau.

Có các lớp tiếng Việt sơ cấp (Basic Vietnamese A & B) dành cho những người mới bắt đầu học tiếng Việt. Học từ abc. Học nghe. Học nói. Học đọc. Học viết. Học từ cách chào đến cách hỏi đường xá, gọi món ăn, diễn tả sở thích, bày tỏ ý kiến về một vấn đề gì đó. Trước, sinh viên các lớp Sơ Cấp này toàn là sinh viên ngoại quốc. Gần đây, có cả sinh viên gốc Việt: những em sinh đẻ ở Úc và chưa bao giờ học tiếng Việt thời tiều học cũng như trung học.

Ngoài các lớp Sơ Cấp, còn có các lớp tiếng Việt trung cấp (Intermediate Vietnamese A & B) dành cho các sinh viên Việt Nam hoặc sinh viên ngoại quốc đã học tiếng Việt được một năm. Mục tiêu là để nâng cao trình độ tiếng Việt, giúp sinh viên nói tiếng Việt trôi chảy hơn. Không những nói, còn đọc được nữa. Dĩ nhiên là đọc những văn bản ngắn và đơn giản.

Cuối cùng, còn có các lớp tiếng Việt cao cấp chủ yếu dành cho sinh viên Việt Nam. Trước đây, sinh viên các lớp này khá giỏi tiếng Việt. Họ là những người sinh ra và có khi lớn lên ở Việt Nam, đã học tiểu học hay trung học tại Việt Nam, do đó, trình độ tiếng Việt của họ rất khá. Sau này, phần lớn các sinh viên thuộc lứa tuổi từ 18 đến 20, 21 đều là những người sinh ra tại Úc hoặc sang Úc từ nhỏ, do đó, trình độ tiếng Việt của họ có phần hạn chế. Chính vì vậy, chương trình giảng dạy trong các lớp Tiếng Việt Cao Cấp này không ngừng thay đổi để làm thế nào cho phù hợp với trình độ thực sự của sinh viên hàng năm.

Hiện nay, chương trình trong các lớp Tiếng Việt Cao Cấp này khá đa dạng và thực dụng. Mục đích đặt ra là làm sao giúp cho các sinh viên Việt Nam sinh ra hoặc lớn lên tại Úc có thể sử dụng tiếng Việt tương đối thông thạo để có thể làm việc được với các khách hàng Việt Nam, với cộng đồng người Việt Nam tại Úc cũng như khắp nơi.

Ngoài các lớp về ngôn ngữ, từ sơ cấp đến trung cấp và cao cấp, tại trường V.U. còn có hai lớp về văn hoá Việt Nam được giảng dạy bằng tiếng Anh cho cả sinh viên Việt Nam lẫn sinh viên ngoại quốc.

Lớp đầu, ACV3001 Vietnamese Culture and Society, tập trung khảo sát văn hoá truyền thống Việt Nam. Đề tài bao quát từ lịch sử đến chính trị, tôn giáo, phong tục, văn hóa ẩm thực, cấu trúc gia đình qua các thời, vai trò của người phụ nữ, quan niệm về cái tôi cũng như quan niệm về thân thể và sắc đẹp, v.v…

Lớp sau, ACV3002 Vietnam: Globalisation, Diaspora and Identity, tập trung vào các khía cạnh văn hóa Việt Nam từ sau năm 1975 trước xu hướng toàn cầu hóa và đặc biệt, sự hình thành của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đề tài bao quát từ tính chính trị của toàn cầu hóa đến thi pháp lưu vong, tâm thái hậu thuộc địa cũng như tâm thái hậu cộng sản, mối quan hệ giữa lưu vong và quê nhà, ký ức văn hóa và ý niệm về bản sắc, v.v…

Ngoài ra, tại V.U. còn có một môn học về chiến tranh Việt Nam, AAA2014 Many Vietnams: War Culture and Memory. Tập trung vào chiến tranh Việt Nam, nhưng trọng tâm của môn học không phải là các diễn biến lịch sử mà chủ yếu là góc độ văn hóa. Trong cái gọi là văn hóa ấy, sinh viên sẽ khảo sát cách nhìn chiến tranh từ nhiều góc độ khác nhau, phía người Mỹ, người Úc và người Việt Nam, từ người Việt ở miền Nam đến người Việt ở miền Bắc và cả ở hải ngoại nữa.

Bao gồm nhiều môn như vậy, ngành Việt ngữ và Việt học tại V.U. khá đa dạng. Những sinh viên muốn học Việt ngữ và Việt học như một môn chính (major) trong chương trình Cử nhân thì sẽ lần lượt học 6 môn trong vòng hai hay ba năm. Sinh viên cũng có thể chọn bất cứ môn học nào trong ngành Việt ngữ và Việt học để làm một môn học nhiệm ý (elective).

Không phải chỉ có các sinh viên bậc Cử nhân mới có thể học Việt ngữ và Việt học. Cả các sinh viên hậu đại học, từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ, cũng có thể chọn ngành Việt ngữ và Việt học để học (course work) hoặc để làm luận án (by research).

Điều cần chú ý là theo sự thỏa thuận chung giữa các đại học tại tiểu bang, sinh viên thuộc bất cứ đại học nào ở Melbourne cũng đều có thể ghi danh học Việt ngữ và Việt học tại trường V.U. Đặc biệt sinh viên tại The University of Melbourne thì lại càng dễ: Sinh viên có thể ghi danh các môn Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam tại V.U. ngay trong trường của mình, như một phần trong chương trình Cử nhân của mình.

Chú thích:

1) 11 môn Việt ngữ và Việt học tại Victoria University

CV1001 BASIC VIETNAMESE A
ACV1002 BASIC VIETNAMESE B
ACV2001 INTERMEDIATE VIETNAMESE A
ACV2002 INTERMEDIATE VIETNAMESE B
ACV3011 VIETNAMESE FOR BUSINESS
ACV3013 VIETNAMESE FOLKLORE
ACV3022 VIETNAMESE FILM AND MEDIA
ACV3023 VARIATION AND CHANGE IN THE VIETNAMESE LANGUAGE
ACV3032 SPECIAL TOPICS IN VIETNAMESE LITERATURE

ACV3001 VIETNAMESE CULTURE AND SOCIETY
ACV3002 VIETNAM: GLOBALISATION, DIASPORA AND IDENTITY

Có thể đọc thêm chi tiết các môn học này trên trang mạng của Victoria University, ở:
https://vuwebapps01.vu.edu.au/handbook/CourseUnitSets.aspx?UnitSetCode=ASPVIE&HBID=121

2) Muốn biết thêm chi tiết, có thể liên lạc thẳng với chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học:

Dr Tuan Ngoc Nguyen
Coordinator, Vietnamese Language and Studies
School of Communication and the Arts
Victoria University
Phone: + 61 3 9919 4049
Email: tuan.nguyen@vu.edu.au

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG