Đường dẫn truy cập

Trần Mộng Tú và những nốt trầm vướng gai


Trịnh Thanh Thủy - Bút hiệu khác: Tóc Dài.
Sinh quán: Gia Định.
Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ.
Cộng tác với Hợp Lưu, Việt, Văn, Chủ đề, Tạp Chí Thơ, Thế Kỷ 21, Văn Học, Người Việt hải ngoại, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Talawas, Tiền vệ, Da Màu.

Bốn mươi năm, một con số không tròn cho một đời người nhưng là một con số rất đẹp cho một đời thơ. Trần Mộng Tú, một nhà thơ nữ, đã bốn mươi năm đàn những nốt trầm vướng gai rươm rướm máu, để cho ra đời một tập thơ tuyển vào đầu mùa thu. Mùa có “những chiếc lá thất thân đã sang màu rạo rực”, mùa của “anh là gió tháng mười, em buồn như âm lịch” và cũng là mùa của tình yêu thổi về những hơi thở thơm trăng bạt ngàn.

Stacie Cunningham có nói “Tình yêu ví như một mảnh tác phẩm nghệ thuật, kể cả một mẩu nhỏ cũng tuyệt đẹp”. Từ trong cái đẹp lộng lẫy của tình yêu ấy, thơ ca được sinh ra và lớn lên như chiếc lá non đón nhựa nguyên, trỗi dậy xanh tươi. Thơ ca vì con người mà đến cũng như nhờ cảm xúc chân thành, sâu thẳm, nguyên sơ của con người, mà hạt mầm thi vị nẩy lộc. Phụ nữ xem trọng yêu thương và cảm xúc nên trong thơ ca do người nữ viết, tình yêu nghiễm nhiên đã trở nên một linh vật trong ngôi đền thiêng. Trần Mộng Tú cũng vậy, không ngoại lệ, bà thú nhận: “Tôi thu vào lòng tôi những yêu thương hạnh phúc, những phiền muộn, ngang trái của cuộc đời, để dành mãi trong một góc hồn, không chịu nổi phải viết ra thành thơ.”

Nếu chúng ta để ý kỹ, sẽ thấy phụ nữ làm thơ khác với nam giới. Điều ấy hẳn nhiên vì họ sống và có những trải nghiệm khác với phái nam. Tôi thường nghe một bạn nam phê bình rằng, thơ phụ nữ là những dòng suối róc rách than khóc sướt mướt ỉ ôi, chỉ có những Anh và Em. Nhận xét này không sai nhưng nó nói lên được những trạng thái sinh hoá làm nên giới tính đặc thù của người nữ. Khi tuyệt vọng, buồn chán, mơ mộng vẩn vơ, phụ nữ thường làm thơ. Còn ở nam giới, sự thất tình, hay những thất bại đau đớn ở trường đời hay nhuận sắc cho thế giới thơ ca của họ.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi trong hầu hết những bài thơ của Trần Mộng Tú ta tìm thấy nhân xưng đại danh từ “Em” nhiều nhất. Đó là đặc tính của người viết nữ vì họ hay dùng những đại danh từ như “Anh”, “Em”, “Chính em”.

Những “Em” ấy hiện diện mọi nơi trong thế giới thơ Trần Mộng Tú làm nên phong cách thơ rất mượt mà nữ tính của bà. Càng đọc thơ TMT, đi sâu vào không khí thơ đó, ta sẽ nhận ra được cái giọng thơ rất dịu dàng, bàng bạc cảm tính.

Từ một “Em” trong dĩ vãng xuyên suốt của tình yêu người chồng quá cố

Em giấu em ở trong hạt gạo
nằm rất ngoan giữa những chân nhang
đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa
về chia nhau một thế kỷ tàn

(nhìn nhau rất xa)

Trong một “Em” ở công việc và đời sống thường nhật

Em se mình trong tòa báo
hoang mang
cúi xuống một bản tin mới ra

(bản tin trong ngày)

Đến một “Em” trong hiện thân loài cá vong thân mất quê hương, mất cả lối về. Ôi !!! cố đảo Trường Sa, Hoàng Sa xưa ai đã bán phăng “Em”, cần chi một mảnh giấy thông hành.

Hoàng Sa ơi!
Trường Sa ơi!
Đảo của ta ơi!


Có ai đó nhầm tên em với tên phụ nữ
nên bán em đi không cần giấy thông hành.

(bài ca ngư phủ)

Trong một bài ”Viết ngắn về thơ”, TMT đã tâm sự “Tôi yêu thơ lâu ơi là lâu”. Có lẽ thơ ca từ lâu đã là một phần thân thể của bà. Bà xem thơ như hơi thở. Những lúc làm thơ chính là những phút bà được sống thật là mình. Đó cũng là những giây bà tự phát hiện và soi chiếu bản thân mình để phát huy những khát vọng, những yêu thương vào con chữ. Bà làm thơ dễ dàng từ những lúc thơ thẩn ngắm hoa trong khu vườn sau nhà, trên đường lái xe đi làm, đến cả khi đang đi shopping.

Chúa ngồi đây chỗ ngàn năm
em ngồi đây đợi… như không đợi gì
em nhìn theo đàn chim di
ngậm cành thiên tuế bay về chốn xa

(kinh thơ)

Thơ của TMT góp nhặt những cái nho nhỏ quẩn quanh trong cuộc sống, những cảnh trí, những mảnh đời, những điều giản dị cho đến những suy tư sâu sắc về đất nước và chiến tranh. Nếu gọi thể thơ là cái sườn, cái xương của một bài thơ thì TMT rất nhuyễn nhạy trong thể thơ năm chữ.

Tôi đi lên con dốc
vòng quanh những ngôi nhà
những cánh cửa im lặng
còn khóa từ bên trong

(gọi mình).

Trong một bài phỏng vấn, Trần Mộng Tú cho biết bà rất khao khát đổi mới trong ngôn ngữ, trong thơ. Chúng ta có thể tìm thấy những bài thơ làm theo thể tự do nơi “Thơ tuyển bốn mươi năm” của bà.

Cô gái Nghi Tàm thồ hoa vào thành phố
trên chiếc xe đạp gầy những đóa cúc nằm nghiêng
cô chở hoa hay là hoa chở cô
những cánh cúc vướng vào bâu áo

(cô gái Nghi Tàm).

Bà đăm đắm trong yêu thương. Tim bén lửa như lúc nào cũng sẵn sàng bùng cháy. Tình yêu của người nữ lang thang từ những hệ lụy vợ chồng, con cái, quẩn quanh bên góc bếp ra đến ngoài xã hội, đất nước quê hương. Người nữ trong lúc sửa soạn cho bữa cơm chiều, bỏ cái nhớ của mình vào nồi canh, nhẩn nha nhai cái nũng nịu của mình giữa hai hàm răng thì người nam nào được nhớ tới không giật mình tanh tách trong giấc ngủ.

Chiều hôm nay lòng em như hành úa
thả vào canh không đủ dậy hương thơm
mầu đũa mun như mầu mắt em buồn
cơm làm nũng giữa hai hàng răng nhỏ
(nấu bữa chiều ở Issaquah)

Tấm lòng của mẹ lúc nào cũng bao che dung thứ, Trần Mộng Tú không quên mở vòng tay người mẹ của mình ra trong thơ.

Trong trái tim mẹ có ngăn nhỏ
vừa khít khao đủ chỗ con nằm
những khi con chán khung trời rộng
mẹ mở lòng ra một góc chăn

(mẹ mở lòng ra)

Trần Mộng Tú không phải là người duy nhất mê thơ tình và thích làm thơ tình. Từ xưa đến nay, những biểu tượng của tình yêu như hoa hồng và trái tim được đưa vào thơ cứ được lập đi lập lại mãi không chán. Từ Sappho, Lý Thương Ẩn, đến Elizbeth Browning, đều mê mải với thơ tình. Người Anh đã chọn bài “How do I love thee” của Elizabeth Browning làm bài thơ tình được yêu chuộng nhất. Có phải màu đỏ của máu và trái tim làm con người trẻ lại chăng? Hay khi làm thơ tình, người ta lúc nào cũng thấy mình còn thơ dại? Và Trần Mộng Tú cũng như bao người làm thơ tình khác đã chọn cái ngày mười bảy tuổi ấy để an toàn ở lại, không màng lớn khôn nữa?

Tháng Giêng em nghĩ đến bàn chân anh
những ngón chân hay buồn con phố nhỏ
em đổi cho anh những ngón chân em
hãy sống hãy yêu đơn sơ như cỏ

(tháng giêng và bàn chân)

Nói đến ngôn ngữ thơ, Trần Mộng Tú khẳng định: “Thơ tình không thể thô tháp”. Cho nên bà không chịu được những từ ngữ dung tục trong thơ mình.

Ngày xưa có một thời kỳ con người rất hồn nhiên trong sinh hoạt. Biểu tượng của tình yêu là chày/cối(linga/yoni) ra đời trong dân gian bởi những người hồn nhiên này. Khi tôn giáo khai sinh, sự hồn nhiên vốn đã hao hụt giờ cộng thêm sự giao rảng về tội lỗi cùng sự lập đi lập lại của kinh kệ, luật lệ đã khiến nó mất dần tính hồn nhiên. Thêm nữa bọn buôn bán tình dục lợi dụng và xâm hại hai biểu tượng này để đầu tư, làm giàu trên kỹ nghệ khiêu dâm (porn), biến linga và yoni thành hai biểu tượng nhục thể tục tĩu, nên con người trở nên dị ứng khi nhắc đến nó chẳng?

Có phải khi yêu người ta thường hay mơ, nên có một câu ngạn ngữ rằng “Tình yêu cần sự thơ mộng như lá phổi cần dưỡng khí”. Có lẽ vì quan niệm mỹ học riêng của từng người, mà đôi khi người viết đã tự kiểm duyệt đi rất nhiều. Để có được sự lãng mạn trong tình yêu, người ta có khuynh hướng thanh bạch hoá trong thơ tình. Tác giả tự kiểm duyệt cái xấu và dung tục đời thường để cái tục thăng hoa. Có thể vì trân trọng tình yêu nên TMT không thể chấp nhận những thô tháp trong thơ tình là vậy. Đi vào ngôi đền thơ của Trần Mộng Tú, người đọc sẽ bắt gặp một linh vật “Tình yêu” chễm chệ trên bệ thờ. Không biết có ai ngại khi phải sống và phụng thờ tình yêu không? Tôi nghĩ Trần Mộng Tú sẽ không ngại ngần làm điều này nhất là khi tình yêu trải rộng và lan toả khắp cùng trong nhân loại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG