Đường dẫn truy cập

IMF: Việt Nam nên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô


Một đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) nói Việt Nam nên tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tránh các rủi ro bất ổn như hồi năm 2008.

INTELLASia nói tại một cuộc đối thoại mới đây của Eurocham, Phòng Thương Mại Châu Âu ở Việt Nam, đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Benedict Bingham đã đưa ra một số ý kiến trái ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia về khả năng đưa ra một gói kích hoạt kinh tế thứ nhì.

Ông Bingham nói nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục, và các chỉ số trên thị trường tài chánh đã trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, triển vọng của nền kinh tế thế giới trong năm 2010 vẫn không mấy hứa hẹn vì một số vấn đề đáng lo ngại như: nhu cầu thấp trong lĩnh vực địa ốc, và giới đầu tư vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng.

Vẫn theo nhận định của đại diện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, thì triển vọng của thị trường lao động cũng không mấy sáng sủa, cho đến ít nhất cuối quý đầu tiên của năm 2010.

Ông Benedict Bingham cho rằng nói chung, các nền kinh tế Châu Á sẽ dần dà hồi phục nhờ các gói kích thích kinh tế, và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tin rằng các chính quyền Châu Á nên tiếp tục duy trì các gói kích hoạt kinh tế cho tới khi nào các nền kinh tế đã cải thiện.

Tuy nhiên đối với Việt Nam, thông điệp này có phần khác biệt. Đại diện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói Việt Nam trước hết cần phải bảo đảm tính ổn định của kinh tế vĩ mô để, và nên ngưng chương trình kích thích kinh tế một cách có trật tự, đồng thời siết chặt và củng cố chính sách tài chính.

Mặt khác, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy sĩ vừa công bố thẩm định mới nhất về nền kinh tế Việt Nam, trong chuyến đi thăm của tổng giám đốc Credit Suisse khu vực Châu Á -Thái Bình Dương Kai Nargolwala.

Theo VnbusinessNews, ông Nargolwala dự đoán rằng sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu đi kèm với mức gia tăng của nhu cầu nội địa, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% trong năm 2009, và khoảng 8,5% trong năm 2010.

Ông Kai Nargolwala cam kết sẽ đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam. Ông nói Việt Nam đã thành công trong việc ổn định hóa sự luân lưu của tiền mặt và tín dụng, tránh được cuộc suy thoái kinh tế và nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng, và nhờ đó đã duy trì được sự tin tưởng của các nhà đầu tư.

Nguồn: VnbusinessNews- Intellasia

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG