Đường dẫn truy cập

Sách hướng dẫn giúp truy nguyên người mất tích


Ủy ban Chữ thập Quốc tế và tổ chức liên hiệp các nghị viện gọi là Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phát hành một quyển sách hướng dẫn mới để giúp các nhà lập pháp trên khắp thế giới giải quyết vấn đề những người bị mất tích. Hai tổ chức này tìm cách đặt số phận những bị mất tích lên hàng ưu tiên cao trong nghị trình chính trị. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA về buổi khai mạc của hội nghị lần thứ 121 của Liên Minh Nghị viện Thế giới (IPU) ở Geneve như sau:

Không ai biết con số người bị mất tích trên khắp thế giới là bao nhiêu. Tuy nhiên theo ước lượng của các tổ chức nhân đạo con số này lên đến hàng trăm ngàn.

Nhiều người bị mất tích trong cuộc xung đột võ trang hay hậu quả của một vụ đàn áp chính trị. Phó Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Christine Beerli nói rằng luật nhân đạo quốc tế đòi hỏi giới hữu trách làm tất cả những gì trong khả năng của họ để thông báo cho gia đình biết tin về người thân của họ bị mất tích.

Tuy nhiên, bà nói rằng trên khắp thế giới có vô số người vẫn không có tin tức gì về người thân bị mất tích, đôi khi hàng mấy chục năm.

Bà Beerli nói: “Chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Hơn 20 năm sau cuộc chiến, hàng chục ngàn gia đình của những người bị mất tích ở Iraq lẫn Iran vẫn không có câu trả lời về thân nhân của họ bị mất tích. Và đây cũng là trường hợp của nước Nam Tư cũ, gia đình của hơn 17 ngàn người bị mất tích tiếp tục nuôi hy vọng biết được tin của người thân. Đó là chưa kể đến trường hợp các nước như Kuwait, Peru, Argentina hay Nepal.”

Bà Beerli nói rằng giải quyết vấn đề về người mất tích là một tiến trình khó khăn, chậm chạp và dai dẳng. Tuy nhiên bà nói thêm rằng sự kiên trì sẽ được đền đáp. Bà kêu gọi các đại biểu quốc hội hãy kiên trì và cảnh giác trong các nỗ lực, liên tục đặt các trường hợp người bị mất tích trong nghị trình làm việc của họ.

Quyển sách hướng dẫn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế giải thích rõ ràng những gì các nhà lập pháp có thể làm nhằm ngăn ngừa các trường hợp bị mất tích trong các cuộc xung đột võ trang. Nó cũng giải thích những gì họ cần phải làm để làm sáng tỏ số phận của những người bị mất tích và hỗ trợ hơn nữa cho gia đình của những người này.

Bà Beerli nêu rõ một số vấn đề được khảo sát tỉ mỉ trong cuốn sách hướng dẫn: “Trong đó bao gồm các luật lệ nhằm bảo đảm là các chiến binh và những người thuộc thành phần dễ có nguy cơ được cung cấp giấy tờ tùy thân. Những người bị tước đoạt quyền tự do được đăng ký, được thông báo đầy đủ, và được liên lạc với gia đình, và có những thủ tục để xử xử sự đúng cách đối với vấn đề những trường hợp tử vong, vấn đề hài cốt và còn nhiều điều nữa.”

Bà Beerly nói rằng luật nhân đạo quốc tế phải được thực thi hữu hiệu hơn. Bà nói vấn đề sẽ tùy thuộc các nhà lập pháp, các chính trị gia vận động với chính phủ của họ phê chuẩn các hiệp định và luật lệ liên hệ đến vấn đề này.

Bà nói, khi một cuộc xung đột nổ ra, các nhà lập pháp phải làm những gì cần làm nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các hoạt động nhân đạo, bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG