Đường dẫn truy cập

Tiền


Đôi khi tôi nghe một số người bảo họ không cần tiền. Hoặc thậm chí họ không thích giàu có. Tôi nghĩ có hai giả thuyết đối với những lời tuyên bố như thế. Một là vì câu phát biểu của họ mang tính cách trừu tượng hoặc cường điệu. Hai là họ không thật lòng.

Vì tôi nghĩ trên cõi đời này đối với tuyệt đại đa số mọi người ai cũng luôn mưu cầu được giàu sang, sống trong vui vẻ, sung túc và hạnh phúc. Khó mà tìm ra được một người bình thường nào mà suốt đời bảo chỉ thích sống trong thiếu thốn, chật vật. Mặc cho có những sự lựa chọn khác trong đời.

Bởi tôi nhận thấy hầu như tất cả chúng ta từ nhỏ chẳng cần ai dạy nhưng đã tự biết và thích ăn ngon, mặc đẹp. Thích được ba mẹ mua cho đồ mới khi tết sắp đến và thích được ăn thịt ngon, trái cây tươi (và đắt) hơn là đồ thừa, đồ rẻ.

Đến khi lớn lên mặc dù những cảm tính trực giác ban đầu có thể bị kềm chế tùy hoàn cảnh của mỗi người nhưng nhìn chung ai cũng thế. Thích có nhà rộng, xe to hơn là một căn gác hẹp và… đi xe đạp. Có thể có một số người chọn ở một căn nhà nhỏ, đi xe bus công cộng để có thể dùng tiền hoặc dùng thời gian làm những công việc khác mà đối với họ nó quan trọng, xứng đáng hơn.

Nhưng đấy là một sự lựa chọn rất chủ quan và riêng tư. Họ chọn con đường gian nan, một cuộc sống khó nhọc để đổi lấy những gì mà họ trân trọng, quí mến. Được cái này thì mất cái kia như ông bà mình thường nói. Chứ tự nó không nói lên được điều gì. Là người đó không cần tiền. Hay không thích giàu có.

Tôi có những nhận xét xem ra có vẻ hơi quá hiện thực này vì kinh nghiệm của chính bản thân tôi cũng như của nhiều anh chị em thiện nguyện viên khác lúc chúng tôi còn làm việc tỵ nạn chung ở Phi Luật Tân. Chúng tôi nhận công việc với số tiền phụ cấp là 100 đô mỗi tháng không phải vì chúng tôi không thích tiền. Mà đơn giản là vì đối với chúng tôi lúc ấy, tiền không phải là điều quan trọng nhất trong đời.

Nhưng đối với một số người khác nó lại rất quan trọng. Có sống trong cực khổ, thấy được những hoàn cảnh éo le, “cái khó nó bó cái khôn”, lúc ấy tôi mới cảm nhận được sức mạnh của đồng tiền. Và sự tủi hờn, đau khổ của những người cha, người mẹ không có đủ tiền để chạy chữa cho con thơ lúc bệnh hoạn. Hoặc cần phải có đủ tiền nộp đơn mới được các tòa đại sứ giải quyết hồ sơ.

Tôi vẫn còn nhớ hoài hình ảnh cách đây vài năm của một cặp vợ chồng người Việt tỵ nạn từ ở đảo xa đi phà về Manila để gặp tôi và nghe thông báo là sau bao năm tranh đấu, chính phủ Canada đã đồng ý cho phép những người tỵ nạn cuối cùng như họ được sang Canada định cư.

Nhưng với điều kiện là họ phải tự trang trải tất cả mọi chi phí kể cả tiền lệ phí nộp đơn bao gồm khoảng 1.000 đô mỗi người chưa tính tiền vé máy bay và các chi phí khác.

Nghe tôi nói xong nhưng họ vẫn ngồi lặng yên ra đấy. Dường như là họ chẳng nghe tôi nói gì cả. Bẵng một lúc sau tôi mới thấy từng giọt nước mắt lăn dài trên má của người vợ đang ngồi thẫn thờ trước mặt tôi. Trong khi đó thì người chồng ngập ngừng hỏi nhẹ lại tôi:

Như vậy là sao anh?

Họ biết là đối với gia đình họ có tin vui chừng ấy cũng bằng thừa. Vì làm sao họ có đủ tiền để lo cho cả 2 vợ chồng, 2 đứa con làm hồ sơ nộp cho tòa đại sứ để được giải quyết cho đi?

Bởi vậy mới có câu hỏi: Như vậy là sao anh?

Tiền bạc vì thế đôi khi rất quan trọng. Nếu không có các bạn bè, người thân, những người đồng hương tốt bụng, những cá nhân hảo tâm, hào sảng ở khắp mọi nơi gây quỹ giúp đở tiền bạc cho những người Việt tỵ nạn ở Phi thì khó mà chúng ta giải quyết được hết tất cả những vấn đề tồn đọng, những gia đình tỵ nạn nghèo khó nhất không một ai muốn tiếp đón.

Cũng như trong đêm Thứ Sáu ngày 23 tháng 10 sắp tới đây ở Little Saigon, tôi mong là sẽ có nhiều người đến để cùng các anh chị em nghệ sĩ góp một bàn tay gây quỹ trong đêm văn nghệ cho những nạn nhân bão lụt ở miền Trung trong hai tuần vừa qua.

Họ cần tình thương của chúng ta. Nhưng trên hết họ cần chúng ta giúp đỡ nhiều về mặt tài chính.

Vì tiền xem ra trong những trường hợp khẩn cấp như thế này cần nhiều hơn là tình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG