Đường dẫn truy cập

Nghĩ về viết lách: Trách nhiệm của nhà phê bình


Người ta hay nói đến trách nhiệm của nhà phê bình.

Đó cũng là chuyện bình thường. Sống là có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm của mỗi người mỗi khác, tuỳ theo thế đứng mà họ chọn lựa. Trách nhiệm của nhà phê bình dĩ nhiên không giống trách nhiệm của một thầy giáo hay một nhân viên tuyên truyền hoặc xã hội.

Vậy thì trách nhiệm chính của nhà phê bình là gì?

Theo tôi, nhà phê bình phải có trách nhiệm với chính hắn trước khi có trách nhiệm với bất cứ ai khác, cho dù đó là một thiên tài lỗi lạc nhất của cả một thời đại hay của một dân tộc.

Nhiệm vụ chính của hắn, cũng như của bất cứ một người cầm bút nào, từ một nhà thơ đến một nhà văn, là phải viết cho hay. Càng hay càng tốt. Khi không cảm thấy tự tin là có thể viết hay được thì không viết. Bởi cố viết thì cũng vô ích.

Mà không chỉ vô ích. Những bài phê bình dở còn có hại hơn một sáng tác dở. Một sáng tác dở giống như một con bệnh nặng, có cố ngắc ngoải một chút rồi thì cũng chết; còn một bài phê bình dở thì giống như một con nhặng mang mầm bệnh: chắc chắn nó sẽ chết rất nhanh, nhưng trước khi chết, nó có thể gieo rắc nhiều loại vi trùng cho người khác, trong đó, nguy hiểm nhất là loại vi trùng liệt kháng về thẩm mỹ.

Mắc loại vi trùng ấy, người ta mất khả năng xúc động trước cái đẹp, mất khả năng phân biệt cái mới và cái cũ, cái đẹp và cái đèm đẹp.

Nên chú ý là cái dở của phê bình "đa dạng" hơn cái dở của sáng tác và cái hay của phê bình thì lại giới hạn hơn cái hay của sáng tác.

Sáng tác, nếu dở, chỉ có hai cách dở: hoặc không biết cách viết hoặc viết theo khuôn sáo; nhưng nếu hay, có vô số cách hay khác nhau.

Phê bình, ngược lại, nếu dở, có vô số cách dở, từ dở trong cách hành văn đến dở trong cách phân tích, cách so sánh, cách cảm thụ, cách nhận định, v.v...nhưng nếu hay, chỉ có hai cách hay: hoặc phát hiện ra một cái đẹp mới hoặc phát hiện ra một cách đọc mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG