Đường dẫn truy cập

Kinh tế gia: G-20 có thể giúp nâng nguồn lợi thu thuế ở châu Phi


Đối với các quốc gia ở châu Phi và các khu vực khác của thế giới đang phát triển, tình hình suy sụp của kinh tế toàn cầu dẫn đến sự sút giảm các nguồn lợi tức quốc gia mà chính phủ cần để chi cho các chương trình xã hội. Thông tín viên đài VOA William Eagle tường thuật rằng các chuyên gia về phát triển hy vọng các giải pháp cho vấn đề này sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của khối G-20, là khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ diễn ra trong 2 ngày thứ năm và thứ sáu tại thành phố Pittsburgh của Hoa Kỳ.

Tại các nước nghèo thu thuế có thể là vấn đề gay go ngay cả trong những thời kỳ tốt đẹp nhất.

Các kinh tế gia nói rằng ở các nước châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác, số tiền thất thu thuế hàng năm lên đến 800 tỉ đôla do trốn thuế, lẽ ra có thể được dùng vào công tác phát triển, nhưng thay vào đó làm cho châu Phi thành nước con nợ của phần còn lại của thế giới.

Các kinh tế gia nói rằng các công ty đa quốc tránh đóng thuế cao bằng cách vận dụng phương pháp mà các chuyên gia tài chánh gọi là định giá chuyển giao, tức là họ khai lợi tức và chi phí cao một cách không chính đáng ở những nước họ đang kinh doanh có mức thuế thấp, trong khi đó khai lợi tức và chi phí thấp tại các nước đánh thuế cao.

Kinh tế gia Henri-Bernard Solignac-Lecomte là trưởng ban đặc trách về châu Phi của Trung tâm Phát triển tại trụ sở chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tại thủ đô Paris của Pháp.

Ông Solignac Lecomte nói: “Cần phải có luật lệ qui định trong vấn đề định giá chuyển giao lẫn cách thức để tránh thuế là điều quan trọng. Chính phủ châu Phi thường không có quyền thương thảo với các công ty đa quốc – các công ty mà đôi khi doanh thu còn cao gấp mấy lần tổng sản phẩm quốc nội của nước chủ nhà – về những điều khoản và điều kiện để các công ty này đóng góp đúng mức cho các nền kinh tế ở các quốc gia mà họ đang kinh doanh. Đây là những vấn đề chủ yếu được mang ra thảo luận giữa các đại biểu của những nước giàu hơn, muốn bảo đảm là quốc gia của họ sẽ nhận được phần thuế thích đáng từ các công ty đa quốc kinh doanh trong nước họ. Tuy nhiên người châu Phi vẫn vắng mặt trong cuộc tranh luận này và cần phải đưa họ tham gia.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho tình hình khó khăn hơn. Các nền kinh tế bị suy sụp có nghĩa là có sản phẩm và dịch vụ để chính phủ có thể thu thuế lại ít đi.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 có thể sẽ thảo luận về các phương cách nhằm gia tăng số thuế thu được và cải thiện ngân sách nhằm giúp thêm được cho các chương trình xã hội.

Khối G-20 hứa sẽ có biện pháp đối với các nước che chở cho việc trốn thuế.

Nhật báo Washington Post nói rằng theo các nguồn tin thân cận của khối G-20 thì khối này đang xem xét việc áp dụng biện pháp trừng phạt Uruguay và Panama nếu 2 nước này tiếp tục che chở cho những thành phần trốn thuế.

Một số kinh tế gia đề nghị G-20 xét việc đánh thuế trên các giao dịch tiền mặt quốc tế nhắm giúp các nước đang phát triển xây dựng mạng lưới an toàn xã hội cho người dân. Tuy nhiên ông Solignac-Lecomte nói rằng vấn đề này không có sự đồng thuận; Ông nói châu Âu thường ủng hộ các sắc thuế thuế quốc tế trong khi Hoa Kỳ phản đối biện pháp này.

Khối G-20 có phần chắc sẽ thảo luận một vấn đề khác nữa có lẽ có ảnh hưởng đến chế độ thuế khóa, đó là tất cả các nước cần thực hành các lề lối kế toán như nhau.

Ông John Kirton, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của khối G-20, đặt tại Đại học Toronto, Canada nói: “Có một sự khác biệt về lề lối kế toán, khiến cho các nhà đầu tư tầm cỡ trung bình hay người dân thường khó đọc được bản tổng kết tài sản của công ty, để so sánh chúng với các văn kiện này ở các nước khác, ngay cả khi chúng thuộc cùng một công ty có cơ sở kinh doanh ở những nước khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là chúng theo các tiêu chuẩn nào.”

Ông nói rằng không rõ các đại biểu dự hội nghị có sẽ thảo luận phương cách cơ bản để củng cố ngân sách của các nước đang phát triển - như viện trợ bổ sung hay không.

Khối G-20 hứa cung cấp 50 tỉ đôla để hỗ trợ cho các biện pháp bảo vệ xã hội, đẩy mạnh giao thương và bảo đảm phát triển ở các nước có mức thu nhập thấp. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính châu Phi có thể nhận được từ 21 đến 23 tỉ đôla.

Các nước công nghiệp hóa cũng đã thỏa thuận cung cấp 300 tỉ đô la cho các ngân hàng phát triển đa quốc, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Phi trong một nỗ lực nhằm gia tăng tín dụng dành cho các nước có thu nhập thấp. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Phi đã phân bổ 15 tỉ đôla dành cho châu Phi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG