Đường dẫn truy cập

Chặng nước rút cuộc đua tranh quyền đăng cai Olympic 2016


Cuộc đua tranh quyền đăng cai Olympic mùa Hè 2016 đang bước vào giai đoạn nước rút quyết liệt khi chỉ còn chưa đầy hai tuần lễ nữa là đến 'hồi chung quyết'.

Báo chí tại Mỹ cũng hăng hái đưa tin về cuộc đua quốc tế này, và chắc chắn họ phải bênh cho 'gà nhà', chẳng hạn như một bài báo mới đây trên tờ Los Angeles Times giới thiệu tên tuổi của bốn ứng viên như sau: "Một là thành phố nóng nực và ngột ngạt Madrid, hai là thành phố vừa ở xa, lại có cái tên rất khó phát âm là Rio de Janeiro, ba là thành phố đông đúc, lại hay bị động đất Tokyo, và bốn là thành phố tuyệt đẹp, nhiều gió mát bên bờ hồ Michigan tráng lệ của Ngũ Đại Hồ tên là Chicago.

Quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha và Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil đã loan báo sẽ có mặt cùng với phái đoàn tranh đăng cai của họ tại Copenhagen, Đan Mạch vào ngày chung quyết 2 tháng 10 sắp tới đây.

Trong khi đó Tokyo đang thúc hối tân Thủ tướng vừa nhậm chức hồi tuần qua, ông Yukio Hatoyama phải cố gắng có mặt tại Đan Mạch để 'tăng lực' cho thành phố mà tờ Times của Los Angeles nói là hay bị động đất này.

Thế còn Tổng thống Barack Obama của Mỹ trong tuần qua cho biết rằng ông đang bận rộn với chương trình cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước ông nên sẽ không có mặt ở Copenhagen vào cuối tuần tới để ủng hộ cho 'gà nhà'. Thay vào đó, ông cử đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người quê Chicago đại diện cho Tòa Bạch Ốc dẫn đầu đoàn tranh đăng cai Olympic của thành phố có nhiều gió.

Nói chuyện với các vận động viên Olympic cũ và hiện tại của Mỹ trong một dịp tập trung tại Tòa Bạch Ốc trong tuần qua, Tổng thống Obama đã thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nỗ lực tranh đăng cai Olympic của Chicago.

Tổng thống Obama nói rằng: "Chicago đã sẵn sàng! Nhân dân Mỹ đã sẵn sàng! Chúng tôi muốn làm chủ nhà Thế vận hội 2016!"

Nhiều quan chức trong Ủy ban Olympic Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc Tổng thống Obama không có mặt tại Copenhagen vào cuối tuần tới có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình bầu chọn theo chiều hướng bất lợi cho Chicago.

Phát biểu tại sân cỏ của Tòa Bạch Ốc, nhà lãnh đạo Mỹ đã gởi đến Ủy ban Olympic Quốc tế, tức IOC, thông điệp rằng: "Nếu qúy vị trao cho Chicago vinh dự đó, tôi xin cam đoan rằng Chicago sẽ làm cho nước Mỹ hãnh diện, và nước Mỹ sẽ làm cho thế giới hãnh diện."

Kế đến ông Obama tiến cử một nhân vật mà theo nguyên văn lời ông là "một siêu sao có sức thuyết phục hơn" để đại diện cho nước Mỹ trong nỗ lực này tại Copenhagen, đó là đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Bà Michelle Obama đã giới thiệu về thành phố Chicago, nơi 'chôn nhau cắt rốn' và lớn lên của bà: "Điều làm cho Chicago trở thành chủ nhà Olympic tuyệt vời chính là người dân của thành phố này. Không ai yêu chuộng thể thao hơn người dân thành phố Chicago. Chicago là một thành phố quốc tế, có các sắc dân và cộng đồng đến từ hơn 130 quốc gia, và nói hơn 100 ngôn ngữ khác nhau."

Bà nói tiếp rằng cho dù các vận động viên có phải đi nửa vòng trái đất để đến tranh tài Olympic, thì khi đến Chicago họ sẽ cảm thấy như được tranh tài ngay trên chính quê hương của họ.

Báo chí tại Mỹ đã nhắc lại chuyện năm 2005, sự góp mặt của Thủ tướng Anh lúc đó là ông Tony Blair trong 'hồi chung kết' đã giúp London giành chức chủ nhà Olympic 2012 từ tay đối thủ được đánh giá cao hơn là Paris; cũng như chuyện năm 2007 với sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp Sochi mang về Olympic mùa Đông 2014.

Cuộc đua 2016 này trông có vẽ rất khít khao nên khó có thể đưa ra dự đoán, thế nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng Rio de Janeiro và Chicago được đánh giá cao hơn đôi chút trong báo cáo phân tích về kế hoạch tổ chức của 4 thành phố này vừa được Ủy ban Olympic Quốc tế phổ biến.

Trước đó Chicago trông có vẻ yếu thế hơn do không ký 'Cam kết Thành phố Đăng cai' theo đó miễn trừ trách nhiệm cho IOC trong trường hợp 'lỗ sở hụi.' Tuần trước hội đồng thành phố Chicago đã nhất trí thông qua bảo lãnh chi phí đăng cai cho đại hội thể thao này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG