Đường dẫn truy cập

Giáo dục Việt Nam: Cần thay đổi toàn diện và đồng bộ


Hầu như ai cũng biết là giáo dục Việt Nam lạc hậu. Một trong những sự lạc hậu nhất là thái độ học tập của học sinh và sinh viên: hoàn toàn thụ động; trong lớp chỉ cắm cúi nghe giảng; về nhà chỉ chăm chăm học thuộc lòng; vào phòng thi, chỉ trả bài như vẹt; cuối cùng, lúc ra khỏi phòng thi: quên sạch!

Ai cũng biết như thế. Ngay cả những người có trách nhiệm đối với nền giáo dục Việt Nam, từ giới chuyên gia đến các nhà hành chính, cũng đều biết như thế.

Biết, biết rõ nữa là khác, vậy mà, đến nay, dường như không có một chính sách hay một biện pháp nào được đề xướng và thực hiện cả. Chỉ nghe những lời hô hào rỗng tuếch cứ lặp đi lặp lại mãi.

Nhưng học sinh và sinh viên không thể từ bỏ thái độ học tập thụ động nếu ở các kỳ thi, thầy cô giáo cứ ra đề thi theo kiểu cũ, chủ yếu chỉ nhắm đến việc kiểm tra những kiến thức đã được giảng dạy trong lớp, và chỉ giới hạn trong những kiến thức ấy.

Ví dụ, xin thử đọc các câu hỏi của môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2009 sau đây:

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2009

Môn thi: LỊCH SỬ − Giáo dục trung học phổ thông
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN DÀNH CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Nêu những thành tựu chủ yếu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX.
Câu 2 (4,0 điểm)
Trình bày những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1925 đến năm 1930.
II. PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm một câu dành cho chương trình đó (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
Trình bày những nét chính về cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)
Nêu những thắng lợi lớn trên mặt trận quân sự của quân dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ ở miền Nam (1965 - 1968).
.......................Hết.....................
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.


Nó có bốn câu hỏi. Tất cả bốn câu hỏi đều chỉ yêu cầu học sinh “nêu lên” hay “trình bày” một sự kiện gì đó. Nghĩa là chỉ tập trung hoàn toàn vào trí nhớ. Không cần khả năng phân tích. Không cần nỗ lực tổng hợp. Không cần óc phán đoán hay khiếu biện luận. Người đặt câu hỏi, và từ đó, người chấm bài, chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với học sinh: nhớ đủ các chi tiết liên quan đến một sự kiện lịch sử nào đó. Vậy thôi.

Có thể nói, với lối đặt câu hỏi như vậy, học sinh và sinh viên không cần học bất cứ điều gì khác ngoài các bài giảng. Thậm chí, những kiến thức nằm ngoài bài giảng có khi còn có hại nữa. Nếu không có hại thì cũng vô ích.

Bởi vậy, để thay đổi thái độ học tập của học sinh và sinh viên, từ thụ động sang chủ động, các thầy cô giáo phải thay đổi, trước hết, cách thức kiểm tra và thi cử, ở đó, trọng tâm không phải là kiểm tra kiến thức mà là khả năng phân tích và tổng hợp tài liệu. (Bởi vậy, lối kiểm tra hay thi open book - tự do mang tài liệu vào phòng thi – nên được khuyến khích.)

Các loại đề thi có tính chất phân tích và tổng hợp đòi hỏi học sinh và sinh viên đọc nhiều. Nhưng việc đọc của học sinh và sinh viên cũng cần được hướng dẫn: họ phải biết họ cần đọc gì cho mỗi đề tài được giảng dạy trong lớp. Bởi vậy, việc cung cấp danh sách các những tài liệu tham khảo cần thiết phải trở thành một trong những nội dung chính của chương trình giảng dạy.

Học sinh và sinh viên không những cần được hướng dẫn đọc những gì mà còn cần được giúp đỡ cách phân tích những tài liệu mình đã đọc. Bởi vậy, thầy cô giáo cần thay đổi cách thức giảng dạy: tạo cơ hội cho học sinh và sinh viên thảo luận về những các tài liệu tham khảo, qua đó, giúp họ rèn luyện cách đọc văn bản, phân tích các dữ kiện và tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.

Tất cả những sự thay đổi - từ sự thay đổi trong cách kiểm tra và thi đến những thay đổi trong chương trình và cách thức giảng dạy - kể trên chỉ có thể có hiệu quả với một điều kiện: có đủ tài liệu tham khảo cho học sinh và sinh viên.

Không thể đòi hỏi học sinh hay sinh viên phải biết rộng nếu họ không có sách hay báo để đọc. Một cuộc cải cách giáo dục, do đó, phải được đi kèm với những sự cải cách trong hệ thống thư viện.

Bởi vậy, chỉ thị đòi chấm dứt lối dạy đọc-chép trong vòng hai năm tới mà Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân vừa mới công bố vào đầu tháng 9 vừa qua chỉ là một lời hô hào rỗng tuếch nếu nó không gắn liền với bất cứ một thay đổi nào khác từ hệ thống thư viện đến cách ra đề trong các cuộc thi.

Bảo thầy cô giáo không được dạy theo lối đọc-chép và bảo học sinh, sinh viên không nên học thuộc lòng mà trong các kỳ thi, các câu hỏi chỉ tập trung vào việc kiểm tra trí nhớ như ở trên thì chỉ là một cách đánh lừa người đi học.

Không có gì lạ khi vài chục năm sau một Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo khác lại lên tiếng hô hào y như thế.

Chúng đã lặp đi lặp lại ở Việt Nam từ cả hơn nửa thế kỷ nay rồi!

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG