Đường dẫn truy cập

Các ký giả, học giả quốc tế nhớ gì về ngày 11 tháng 9 năm 2001?


Ngày 11 tháng 9 năm nay là thời điểm đánh dấu 8 năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại New York và Ngũ Giác Đài ở thủ đô Washington. Tại Hoa Kỳ, các vụ tấn công khiến hơn 3 ngàn người thiệt mạng được tưởng nhớ đến như một ngày khi mà thế giới thay đổi. Trong mục Câu lạc Bộ Báo Chí Quốc Tế TTV Judith Latham nói chuyện với các ký giả và các nhà phân tích cấp vùng để xem các quốc gia nhớ gì về ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Giáo sư Akbar Ahmed giảng dạy tại đại học American University, cưụ đại sứ Pakistan, nhà khảo cổ kiêm ký giả, thời điểm đó ông vừa tới Washington để giữ chức vụ Chủ Tịch ban Nghiên Cứu Hồi giáo. Ông cho biết lúc ông đang giảng dạy tại lớp học thì một chiếc máy bay đâm vào Ngũ Giác Đài, chỉ cách đại học ông đang làm việc có mấy kilomét.

Ông kể lại: 'Lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi sự sợ hãi rằng bằng cách nào đó, người Hồi giáo sẽ ra tay khủng bố. Đã có một mô thức sẵn. Quí vị chớ nên quên các vụ tấn công vào các đại sứ quán tại châu Phi, vào chiến hạm USS Cole, và đầu thập niên 1990, vụ mưu toan tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế Giới ở New York. Và dĩ nhiên là nỗi lo sợ của tôi đã thành sự thực. Tất cả 19 tên khủng bố đều là Hồi giáo. Và tôi biết rằng sự kiện này sẽ là một thách thức rất lớn cho bất cứ ai giống như tôi: những người có nhiệm vụ giải thích Hồi giáo, tìm cách bắc nhịp cầu nối những ngăn cách, tạo dựng một số những gắn bó chung giữa người Hồi giáo với người không phải Hồi giáo và cũng là để nhận lãnh những chỉ trích, những vơ đũa cả nắm, nỗi phẫn nộ và lòng thù ghét mà tôi biết thế nào cũng xảy đến. Và đó chính là những gì đã xảy ra'.

Giáo sư Anmed nói rằng người ta thường không để ý đến sự kiện là có rất nhiều cảm thông trong thế giới Hồi giáo đối với những nạn nhân của các vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Tại các buổi lễ ở các Trung tâm Hồi giáo Shia ở Cairo và Iran, các tín đồ cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ông nói: 'Tình cảm đó, dĩ nhiên là tan biến rất nhanh khi cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu diễn ra và binh sỹ Mỹ tấn công, đầu tiên là tại Afghanistan và sau bị sa lầy ở Iraq. Pakistan, lúc đầu ủng hộ Taliban, sau quay sang ủng hộ Hoa Kỳ, và đã trải qua một cơn chấn động chính trị của chính họ. Người Pakistan cảm thấy vụ tấn công khủng bố 9/11 là điều khủng khiếp, trong đó những người dân Mỹ vô tội bị sát hại, nhưng sau họ lại cảm thấy họ bị lôi kéo vào một cuộc chiến gọi là chống khủng bố. Những tay khủng bố đó không phải là người Pakistan hay Taliban. Taliban đặt căn cứ tại Afghanistan. Người dân Pakistan nói rằng trong 8 năm qua họ đã mất đi hàng ngàn mạng sống , cả thường dân lẫn binh sỹ. Và một quốc gia trước đây khá ổn định thì nay đang trên bờ vực đổ vỡ'.

Vào ngày 11 tháng 9 năm đó, khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp của Trung Tâm thương Mại Thế Giới tại New York, ký giả Ả Rập Nadia Bilbassy là trưởng văn phòng châu Phi của đài truyền hình MBC tại Nairobi. Bà cho biết bà và các đồng nghiệp từ hãng tin Associated Press đã kinh ngạc khi cố tìm hiểu xem chuyện gì đang được các chương trình tin tức tường thuật trên đài truyền hình:

Bà kể lại: 'Phản ứng đầu tiên của mọi người đều cho rằng chiếc máy bay đã làm một lầm lỗi gì rồi. Ngay vào giây phút đó không ai nghĩ đó là một vụ khủng bố. Chỉ trong vòng vài phút, chiếc máy bay thứ nhì đâm vào tòa tháp và được truyền hình trực tiếp trên đài. Và theo tôi thì từ ngày đó đến nay thế giới đã vĩnh viễn thay dổi. Mặc dù Osama Bin Laden trước đó đã hoạt động cả 10 năm và đã chủ mưu các vụ tấn công các đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tanzania và Kenya, người ta không cho rằng al-Qiada đủ sức tấn công một cường quốc như Hoa Kỳ và gây ra những tổn thất đến như thế'.

Sau đó, theo bà Bilbass, khi mà thực tế của biến cố này hiển hiện và mọi người cố gắng phân tích xem chuyện gì đã xảy ra và tại sao nó lại xảy ra thì nhiều người lại đưa ra những kết luận hết sức trái ngược nhau.

Bà Bilbass nói: 'Kết quả của vụ này là sau đó mọi người đều cảm thông với những người đã bị mất đi mạng sống . Nhiều người coi những nạn nhân không những chỉ là người Mỹ mà như những nạn nhân như bất kỳ nạn nhân nào. Người ta muốn biết tại sao 19 tên không tặc này lại quyết định thực hiện vụ tấn công khủng khiếp đó nhắm vào Hoa Kỳ. Căn bản họ nối kết các vụ tấn công này vào với chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Không ai ủng hộ cho phe al-Qaida trong vụ này. Nhưng có một số có đôi chút hả dạ khi thấy một nhóm đã làm thức tỉnh Hoa Kỳ với ý nghĩ rằng: quí vị là siêu cường luôn luôn đứng về phe Israel, nước đã chiếm đất của chúng tôi, đất của người Palestin, và của Syria và vùng cao nguyên Golan. Đối với những người ở những nơi đó thì vụ tấn công là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Hoa Kỳ, rằng Hoa Kỳ không thể cứ tiếp tục chính sách đối ngoại như cũ nữa, mặc dù thực tế là rất nhiều người ở đó đã không đồng ý với al-Qaida và không chấp nhận ý thức hệ hay những lời tuyên truyền của phe này'.

Ông Roy Gutman, tổng biên tập về quốc tế của hệ thống nhật báo McClatchy, là tác giả của cuốn How We Missed the Story: Osama bin Laden, the Taliban and the Hijacking of Afghanistan, xin tạm dịch là: Làm Sao mà Chúng Ta bỏ lỡ Câu chuyện: Osama Bin Laden,Taliban và vụ Cưỡng Chiếm Afghanistan. Ông qui lỗi cho cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn báo chí Mỹ đã không nhận ra được mối đe dọa nghiêm trọng từ phía al-Qaida, và sự lơ là đối với Afghanistan kể từ khi binh lính của Liên Xô rút ra khỏi nước này năm 1989. Vào ngày 11 tháng 9, ông Gutman nói rằng ông đang trên đường tới Nam Mỹ với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Colin Powell.

Ông kể lại: 'Lập tức tôi nghĩ ngay rằng vụ này đến từ Osama bin Laden và Afghanistan. Tôi gọi ngay cho người chủ biên, lúc đó tôi đang làm cho tờ Newsweek, và nói rằng chúng ta phải gửi ngay người đến Afghanistan. Tôi không chắc là điều đó có hiển nhiên đối với mọi người hay không, nhưng đây là cái mô thức của bin Laden. Năm 1998, chính bin Laden hoạt động ở bên ngoài Afghanistan đã tổ chức vụ đặt bom hai đại sứ quán Mỹ ở đông Phi'.

Ông Roy gutman cho hay cả chính quyền của Tổng thống Clinton và tổng thống Bush đã không nắm được mức độ nghiêm trọng của Afghanistan, nơi mà bin Laden đã được cho ẩn náu.

Ông nói: 'Thật là đáng tiếc khi phải nói là 2 vị tổng thống của hai chính quyền khác nhau đã chẳng bao giờ chú tâm tới nơi phát xuất. Dưới cả hai chính quyền của tổng thống Clinton và tổng thống Bush, quí vị thấy rằng chính sách ngoại giao được thi hành theo đướng lối của đảng cầm quyền. Vị tổng thống chỉ tham khảo với các đồng minh chính trị của ông rồi hoạch định chính sách theo cung cách làm sao để đảng của vị tổng thống đó được hãnh diện. Cho nên, bài học lớn vào ngày 11 tháng 9 khiến Hoa Kỳ phải xử sự với thế giơí từ một quan điểm chung của một quốc gia chứ không phải từ hai đảng phái khác nhau'.

Theo ông Roy Gutman khi có những lỗi lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại, như tại Afghanistan, thì phải mất một thời gian thật lâu mới có thể sửa chữa.

Ông đánh gia: 'Vì thế kiên nhẫn là một phần của bài toán. Điều thứ nhì là quí vị phải có một chính sách. Một chính sách với một mục tiêu rõ ràng, một chiến lược, và các chiến thuật. Trong suốt những năm dưới chính quyền Tổng thống Clinton, chẳng có một chính sách đối ngoại nào cả. Còn dưới thời chính quyền Tổng thống Bush thì không có một chiến lược mang tính nghiêm túc'.

Ông Gutman nói tiếp: 'Giờ đây thì mọi chuyện đã thay đổi. Họ đã duyệt xét lại chiến lược, nên đã có những thay đổi lớn từ cấp chỉ huy. Trong khi đó thì điều cơ bản là công chúng đang đầu hàng và rất nhiều người chỉ trích cho rằng không thể nào thắng nổi. Tôi thì không thể biết được là sẽ có thể thắng hay không thể thắng. Tất cả những gì mà tôi biết là rút ra khỏi quốc gia này lần thứ ba, lần đầu tiên vào thập niên 1990, lần thứ hai vào dưới thời Tổng thống Bush khi mà chẳng có một chiến lược gì cả, mà nếu rút ra khởi đây lần thứ ba sẽ gây ra tai hại rất lớn cho Hoa Kỳ cả ở trong vùng lẫn trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn'.

Các vị Tổng thống phải hành xử cho đúng, cho dù ngay cả khi công chúng không ủng hộ họ, bởi lẽ các vị này sẽ phải đối phó với vấn đề trong một thời gian lâu dài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG