Đường dẫn truy cập

Tảo hấp thụ khí carbon giúp chống tình trạng biến đổi khí hậu


Australia chuẩn bị đề xuất kỹ thuật giúp cho tảo hút một nửa hay hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính do một nhà máy điện thải ra. Loại vi tảo này phát triển trên khí carbon dioxide, sản xuất thức ăn cho gia súc cũng như nhiên liệu sinh học và nguyên liệu làm nhựa dẻo. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Phil Mercer.

Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng, loại tảo tầm thường, một loại thực vật đơn giản, không có rễ, vẫn cung cấp thức ăn cho những động vật sống dưới nước có thể trở thành một công cụ mới mẻ dẫn đầu trong công cuộc chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Khái niệm là bơm khí thải từ các nhà máy điện vào các lò phản ứng quang hợp sinh học, tức là những ống lớn chứa đầy tảo.

Khi carbon dioxide do các nhà máy điện thải ra trộn lẫn với nước, những tảo này sẽ hấp thụ đa số lượng khí đó và dùng chúng làm chất dinh dưỡng.

Các nhà khoa học nói rằng, khi loại tảo này được lấy ra khỏi ống, thì chúng có thể được vùi dưới đáy biển, và có thể chứa loại carbon mà chúng đã đã tiêu hóa này vô tận.

Loại tảo này cũng có thể được chế biến và sử dụng để chế tạo nhiên liệu diesel sinh học cũng như phân bón và thức ăn gia súc.

Khoa học gia Kirsten Heimann thuộc trường đại học James Cook ở tiểu bang Queensland đã phát triển kỹ thuật này.

Ông Heimann nói: "Những tảo này hấp thụ carbon dioxide từ không khí hoặc nếu bạn cung cấp cho chúng carbon dioxide thì những tảo này sẽ hấp thụ chúng và với sự trợ giúp của ánh sáng mặt trời những tảo này sẽ biến những nguyên liệu đó thành đường, protein, và dầu hỏa."

Ba nhà máy điện chạy bằng than lớn nhất Australia đang xây dựng những trại tảo để giúp các nhà máy giảm bớt ô nhiễm tại một nước mà 80% sản lượng điện được tạo ra bằng than. Việc đốt những nhiên liệu như than và dầu hỏa sẽ bơm một số lượng khổng lồ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển.

Australia là một trong những nước thải khí carbon dioxide tệ hại nhất trên thế giới tính theo đầu người mà các khoa học gia tin là đã góp phần vào tình trạng tăng nhiệt trên toàn cầu.

Cùng với Australia, kỹ thuật tảo tiên phong này cũng đang được thí nghiệm tại Hoa Kỳ và Đức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG