Đường dẫn truy cập

Nghĩa trang


Tên Lê Ngọc Châu, bút hiệu khác Lê Bảo Hoàng, sinh ngày 10-01-1941 tại Hội An, trưởng thành tại Đà Nẵng, hiện ở Montréal, Canada. Bắt đầu viết năm 1960, có bài trên
nhiều tạp chí văn học. Đã in 19 thi phẩm và 4 cuốn văn xuôi.

Trước ngày blog Nguyễn Xuân Hoàng trên đất của VOA hoạt động, ông nhà-văn-đi-trên-mây này có gọi rủ nhà văn Song Thao góp tay. Vui miệng, ông ới luôn tôi. Bất ngờ và thường vụng về trong chuyện từ chối, tôi chấp thuận. Liền sau khi gác máy, tôi mới lo và biết chắc mình sẽ bội tín. Bởi lâu nay tôi chỉ biết viết chút chút văn vần mà thôi. Nhưng cái vớ vẩn này, VOA hẳn không thừa đất.

Tôi lặng lẽ lờ đi hơn cả tháng với cái lý do khá chính xác: đang chờ một cái tiểu giải phẫu ruột, thì lòng dạ đâu ngồi gõ. Thế nhưng, anh bạn Song Thao năm, bảy ngày lại gọi, nói về cái blog của Nguyễn Xuân Hoàng. Anh hỏi tôi đã vào đọc chưa. Và không quên khoe nhiều chuyện vui lắm. Thú thật tôi chưa ghé thăm lần nào, kể cả cái góc sân của anh Nguyễn Hưng Quốc, đã báo cho từ lâu. Sáng nay anh Song Thao lại gọi tin: Nguyễn Xuân Hoàng nhắn tôi và Hồ Đình Nghiêm. “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.” Bụng đã định như thế, nhưng cách đây vài giờ, ngồi buồn, tôi tạt vào cõi chơi của quí anh chị cầm bút.

Ồ thật đã con mắt. Ông anh, bà chị nào cũng ngon lành bên những chân dung phương phi cả. Tôi chợt thấy buồn buồn. Thiếu tài đâm ra bức rức, rồi vẩn vơ nghĩ thử cái gì có thể viết được, mà bạn đọc (anh Song Thao khen tinh mắt và thông minh lắm) có thể nương tay. Nghĩ hoài, nghĩ mãi. Vừa nghĩ vừa đi (bù vào sáng nay chưa tập thể dục), tôi vấp chân vào cái tủ chưng ảnh ông bà già thay bàn thờ. Và sau cái nhói đau, tôi chợt nhớ đến cái nghĩa trang. Ghê chưa, dông dài kéo dòng đến vậy, mong quí bạn đọc thứ lỗi. Bây giờ xin dựa sát vào tựa bài.

Phải thưa ngay, đây không phải là một bài viết giàu có văn hoa, mà chỉ là những dòng đại khái như rao vặt, mượn đất nổi tiếng, để xin ý kiến một việc đã thực hiện.

Chừng ba, bốn tháng nay, trên trang web nhỏ của tôi có thiết lập một nghĩa trang. Gọi là nghĩa trang nhưng không có mồ mã, bia mộ. Chỉ có đôi dòng quí danh, năm sinh ngày tử. Tôi làm như vậy bởi nguyên nhân nào và mục đích gì?

Vuông Chiếu, tên gọi trang web của tôi có chừng mươi chủ đề, ra đời từ ngày 21 tháng 3 năm1999. Một trong mươi chủ đề linh tinh đó, có tên Tin Vắn. Thật buồn, gọi là tin nhưng chẳng cập nhật được gì hay ho. Những tin liên quan đến chữ nghĩa, những trang bề thế thường có cơ hội đưa ra trước. Tôi không muốn lặp lại, phí thời giờ của bạn đọc. Để che bớt vẻ nghèo nàn, tôi thường cho đi những dòng chia buồn trước sự mất mát của bè bạn, hoặc thân nhân bằng hữu. Riết rồi, Tin vắn không khác gì phần đất phân ưu.

Có lúc tôi tưởng mình đã trở thành một ông chủ tiệm hòm, ngày nào cũng nơm nớp chờ, cứ lo mình phải nhóm lửa sưởi quan tài cho chóng có khách. Đang định dẹp đi, mở một chủ đề vu vơ khác, thì nhận được tin từ quê nhà. Thằng em trai cho biết: nghĩa địa của tộc họ tôi, ở làng Liêm Lạc đã nhận thông báo sẽ giải tỏa, để làm sân-chơi-có-lổ cho quần chúng, bởi đất nước ta nay đã thực hiện được di chúc của bác rồi. Không những nghĩa địa sẽ di dời mà cả nhà thờ, cả gốc rễ quê nội, sẽ được bứng ra khỏi con đất của dòng họ tôi tạo dựng, hít thở lâu đời. Tôi ở xa tổ quốc đã hai mươi bốn năm, bây giờ mới thật sự thấy mất quê hương. Buồn đủ để không thể làm thơ.

Thật ra, tôi nghiệm thấy tình yêu quê hương trong mỗi chúng ta khá mơ hồ. Có lẽ vì đó là một thứ tình quá thiêng liêng chăng. Nhớ một đọt lá, ngậm ngùi về một cơn mưa, hình như vẫn thường trực xảy ra, làm cho chúng ta thấy bình thường đến độ thân mật, quên lững đó là một thứ tình có thật. Nhưng tôi đã mất ngủ gần suốt đêm sau khi nhận tin không vui.

Mất nhà, mất đất, tôi bỗng nhớ, nghĩ về song thân tôi nhiều hơn. Hình như tôi chưa xa cha mẹ tôi bao giờ. Tôi không lập bàn thờ một cách trang trọng. Chỉ chưng ảnh người thân yêu của mình trong một tủ kính trang nhã, như bày những vật trang trí, kèm theo một bình hoa nhỏ, trái cây tươi thay đổi đều đặn. Cái bàn thờ giản dị ấy, theo tôi, cũng chính cái nghĩa trang phụ, đặt cạnh cái nghĩa trang chính, vốn nằm trong trái tim.

Nhắc đến chuyện thờ phụng, tôi xin kể một kỷ niệm. Vào năm 1971, vì nhà ở đường Hùng Vương (một trong những phố chính của Đà Nẵng) dành cho việc buôn bán. Để thờ mẫu thân, (lúc bấy giờ thân phụ tôi chưa qua đời) tôi phải làm trang khá cao và kín đáo. Ngày giỗ năm ấy, sau khi tôi ở sở làm về, trên trang thờ, vợ tôi đã cho bày đủ lễ vật. Nhưng có lẽ vì mệt mỏi trong việc trông coi quán sách. Cô ấy bất thường bảo tôi lo việc cúng lạy. Thú thật, từ nhỏ đến lúc bấy giờ, tôi chưa hề biết cúng kiến, ngoài việc đứng hầu một bên người cử lễ rồi vái tạ vài cái. Bực mình vì những sai số ở ngân hàng chưa tìm thấy, tôi trổ quạu, và không ngần ngại thực hiện theo lời nói dỗi của vợ, hạ lễ vật xuống, hì hục tháo cả trang thờ, xong xách honda chạy vù đi.

Tôi đã chạy qua rất nhiều đường phố ngày hôm đó. Bụng trống, đầu rỗng. Xe chạy nhanh rồi chậm, chậm rồi nhanh, cho đến khi tôi phát hiện, hai bên má mình sũng nước, mới ngậm ngùi quay về, thầm lặng bắt lại trang thờ, lơ láo tìm một bóng hình đang trầm ngâm đâu đó. Mẹ tôi qua đời vào ngày rằm tháng Tư.

“... đời tôi chưa biết ổ rơm
chỉ ngấm hương ổ tình thơm mẫu từ
mẹ đi biệt giữa tháng Tư
vầng trăng tròn lắm, hình như tròn hoài
tôi nhìn rõ lắm hai vai
mẹ xuôi trong chiếc quan tài bình an
nhớ như in, nhớ rõ ràng
tôi im lặng đứng cạnh bàn khói hương...
ngậm câu kinh Phật trong lòng
hóa ra tôi khóc bằng dòng khói hương” (LH)

Gọi là trang nhưng cũng giản dị, đơn sơ như cái tủ kính của tôi bây giờ. Phải nói thật, lâu lắm rồi tôi không tha thiết gì với cái nghĩa địa ở quê nhà, ngoài việc mỗi năm góp một ít tiền nhang khói. Nhưng sự việc họ tộc khi không mất đi cái nghĩa địa riêng tư, không thể không thao thức và buồn bực trước sự bất lực của mình.

Phần đất nghĩa trang trên Vuông Chiếu vì vậy được quyết định khánh thành, dù chỉ là một cái nghĩa trang ảo.

Nhưng những ai được tôi rước vào nơi không nhang khói này? Thưa bạn, đó là những người một thời tôi đã từng nghe danh, ngưỡng mộ, dù chưa hề một lần gặp. Họ thuộc nhiều thành phần xã hội, nhưng đa số có nặng nợ với văn học nghệ thuật, hoặc từng góp máu thịt cho núi sông. Khi tôi cung kính rước họ vào không hề thông báo đến thân nhân một ai. Sự lặng lẽ ấy sẽ còn được tiếp tục. Tuy việc làm của tôi không đem đến một nguồn lợi tức nào, nhưng quả thật tôi đã giàu có thêm niềm vui trong những gì mình làm.

Ngày ngày tôi vẫn vào trang web của mình, vẫn thấy hai chữ nghĩa trang nằm một cách ung dung thư thả, không lo sợ một áp lực nào. Lạ một điều, lòng tôi thật bình an, mất hẳn cái chờ đợi như thời nơm nớp trông tin buồn.

Xin được khai thêm cho rõ, để nghĩa trang dễ dàng cho người muốn thăm, tôi sắp xếp theo năm qua đời, và chia làm hai phần. Phần một gồm những người đã bỏ chúng ta từ năm 2008 trở về trước. Phần hai bắt đầu từ năm 2009 về sau. Tuyệt đối không có điều kiện nào, chỉ phụ thuộc việc tôi biết tin buồn sớm hay muộn.

Thưa bạn, một nghĩa trang không giống đời thường như thế, không biết có bị chỉ trích, phê phán gì không? Tôi có nên tiếp tục hay phải ngậm ngùi xóa đi. Đó là hai câu hỏi, tôi rất thèm được chỉ dạy.

Đa tạ
Luân Hoán
(30-8-2009, ngày đầu mùa Vu Lan)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG