Đường dẫn truy cập

Blogger nổi tiếng Việt Nam bị cho nghỉ việc


Một phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời là một blogger nổi tiếng của Việt Nam, đã bị sa thải sau khi cơ quan kiểm duyệt báo chí của đảng Cộng sản phê bình về những bài viết của ông với các chủ biên của tờ báo này.

Hãng thông tấn AP trích lời chủ biên của Tờ Sài Gòn Tiếp thị, ông Trần Công Khanh nói rằng nhà báo Huy Đức, người viết blog với bút danh 'Osin', đã bị cho nghỉ việc trong tuần này vì những bài viết của ông không phản ánh quan điểm của báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Ông Khanh đã trích dẫn bài viết gần đây trên Blog Osin ca ngợi sự sụp đổ của Bức tường Berlin và chỉ trích các nhà lãnh đạo Cộng sản Xô Viết cũ, bài viết này nói rằng sự cai trị của họ đã dẫn tới những năm tháng thống khổ của người dân ở Đông Âu. Ông Đức cũng gọi bức tường này là 'bức tường ô nhục'.

Mặc dù nói rằng quyết định sa thải ông Đức là quyết định riêng của báo Sài Gòn Tiếp Thị chứ không do áp lực từ chính phủ, nhưng ông Khanh cũng thừa nhận rằng cơ quan theo dõi báo chí của Đảng Cộng sản là Ban Tuyên giáo đã phàn nàn về khoảng 100 bài viết trên blog của ông Đức cũng như những bài viết của ông trên báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Nhà báo Huy Đức thường viết trên blog về những vấn đề “nhạy cảm” như về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như vấn nạn tham nhũng.

Trên trang blog của mình, ông Ðức cho hay trong 21 năm làm báo ông đã mất việc nhiều lần. Ông cũng viết rằng thất nghiệp không phải là một trạng thái nhẹ nhàng, nhất là mất việc ở nơi mà mình yêu thích. Nhưng, đôi khi người làm báo vẫn phải có những quyết định không phải do mình lựa chọn.

Ông Ðức dự định viết lại một vài chương sách và ông tin là mình sẽ có cơ hội trở lại với báo chí chính thống. Ông viết rằng báo chí, cho dù của nhà nước thì vẫn là một tài sản của xã hội. Báo chí phải là nơi chuyển tải những bài viết trung thực, những phân tích, phản biện; những bài viết mà người làm báo tin rằng nó phụng sự xã hội.

Hồi năm ngoái, giới hữu trách Việt Nam cũng đã bắt giữ các nhà báo của hai tờ báo nổi tiếng là Thanh Niên và Tuổi Trẻ sau khi họ có những bài viết khá mạnh mẽ về vụ tham nhũng trong dự án PMU 18 của Bộ Giao thông Vận Tải.

Năm nay, chính phủ đã siết chặt việc quản lý các blogger. Qui định mới của chính phủ chỉ cho phép các blogger viết về những đề tài cá nhân chứ không được viết về đề tài chính trị nhạy cảm.

Một blogger nổi tiếng khác có bút danh Điếu Cày cũng đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù giam sau khi ông có bài viết khuyến khích người dân biểu tình phản đối việc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở TPHCM hồi năm ngoái. Ông cũng là người chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng và quần đảo Trường Sa.

(Nguồn: AP)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG